Theo công bố của Bộ GD&ĐT về phổ điểm của các khối thi đại học truyền thống, có thể thấy, mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối năm nay ở mức 16-18 điểm; không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 30/30 ở các tổ hợp xét tuyển.
Cụ thể, khối A0 có điểm trung bình là 17.73, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19.55. Khối A1, điểm trung bình là 17.39, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.75 điểm.
Khối B điểm trung bình là 16.85, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.80.
Khối C điểm trung bình là 15.64, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.50.
Mức điểm ở khối D0 là 15.78 điểm trung bình, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.
Nhìn chung, phổ điểm các khối đều lệch phải; có khoảng 75% thí sinh đạt điểm từ 15/3 môn trở lên. Điều này chứng tỏ đa phần các em chỉ tập trung học những môn phục vụ cho thi đại học. Như vậy, phổ điểm hơn mức 5 điểm/môn nhưng ít đạt mức 10 điểm/môn.
Nhận định ban đầu về điểm thi, TS Quách Tuấn Ngọc - Nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT nhận định, việc tuyển sinh năm nay sẽ không thể “ồ ạt” theo kiểu “30 điểm vẫn trượt đại học” như đã từng xảy ra.
Còn theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội), phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt. Điều này giúp không chỉ các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, mà các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào.
Kết quả so sánh phổ điểm này là cơ sở quan trọng để thí sinh đối chiếu điểm thi của mình với mức điểm chuẩn các năm trước ở các ngành đã đăng ký, từ đó các em có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu học tập và khả năng đỗ đạt.
Với phổ điểm này, sẽ thuận lợi để xét tốt nghiệp THPT do phổ điểm nghiêng về số bài thi có điểm trung bình trên 5. Đồng thời cũng thuận lợi để xét tuyển đại học khi các trường xác định ngưỡng điểm để tuyển sinh. Những điểm tầm 20 trở lên có độ phân bố đều. Phổ điểm từ 24 trở lên thì có độ dốc khá lớn. Qua đó có thể thấy nguồn tuyển cho các trường top trên và top giữa khá dồi dào. Những trường hàng năm có điểm tuyển 17-18 cũng khá đông.
GS Nguyễn Đình Đức cho hay, điểm chuẩn của các trường tốp trên nhiều khả năng sẽ cao hơn năm ngoái. Đối với các trường tốp giữa thì ổn định như năm ngoái.
Còn theo ông Phạm Thái Sơn, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, không chỉ các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17-20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào.
Năm nay điểm thi có độ phân hóa cũng tương đối tốt, không quá nhiều điểm cao như 2017 nhưng cũng không quá ít như 2018. Xét theo phổ điểm theo các khối truyền thống thì năm nay rất đẹp.
Ngưỡng điểm từ 22 trở lên phân hóa tốt, độ dốc rất cao, nên trường ở tốp trên nguồn tuyển không ít, xét tuyển khá dễ dàng, ví dụ khối B từ 26 điểm trở lên cũng đủ cho các trường xét tuyển.
Còn với ngưỡng điểm bình quân 17-20, tập trung khá nhiều thí sinh, dồi dào nguồn tuyển cho trường tốp giữa. Nếu lấy ngưỡng điểm tầm 15 thì các trường đủ nguồn để tuyển để xét theo điểm thi THPT quốc gia.