Những giọt nước mắt rơi theo dòng nước lũ

08/11/2016 - 06:24
Đến hôm nay, 8/11 nước lũ tại tỉnh Bình Định đã rút hết, kể cả nơi ngập sâu nhất. Lũ đi qua, để lại cho bà con những căn nhà ngổn ngang gạch ngói vì đổ sập, sinh kế không còn...

Đã 4 ngày qua, cụ Mai Thị Chín (70 tuổi), ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) vẫn cặm cụi nhặt từng viên gạch, miếng ngói vương vãi trong ngôi nhà đổ sập, ngổn ngang, cụ nghẹn ngào: "Chồng tôi mất sớm, căn nhà hơn 50m2 này được dựng bằng những nỗ lực tích cóp của mấy mẹ con. Giờ các con đều có gia đình riêng, cũng đều nghèo khó, chỉ mình tôi ở lại căn nhà này để hương khói cho ống ấy, vậy mà giờ nó trở thành đống gạch vụn chỉ sau một trận mưa giông lớn và lũ tràn về".

 Cụ Chín thẫn thờ đứng trước căn nhà đổ sập 

Cụ Chín kể: “Sáng sớm ngày 4/11, mưa to trút xuống, nước lũ bắt đầu lên, gió thổi mạnh. Vài tiếng sau, chừng 7 giờ, tôi giật mình khi nghe tiếng răng rắc trên mái nhà. Nghĩ chuyện chẳng lành, tôi chạy qua tá túc ở nhà hàng xóm. Khoảng 15 phút sau, tôi nghe bên nhà đổ rầm một cái…”.

Từ ngày nhà mẹ sập, anh Tạ Văn Chương (45 tuổi, con trai cụ Chín) lo chạy đi chạy về giữa hai nhà để lo cho mẹ, đồng thời lo cho ngôi nhà xiêu vẹo nằm ven sông của mình cũng có nguy cơ đổ sập. Anh Chương cho biết: “Bình thường vợ chồng tôi vẫn chạy đi chạy về với mẹ vì mấy năm nay mẹ già yếu lắm rồi. Giờ nhà sập chẳng còn gì cả, tôi phải dọn về đây để lo cho mẹ. Tôi nói mẹ vào trong đó ở với vợ chồng tôi, nhưng mẹ không chịu. Mấy hôm nay mẹ cứ khóc suốt”.

Căn nhà của cụ Chín sau cơn lũ ngày 4/11 chỉ còn là đống gạch vụn

Cùng trong thôn Diêm Vân, căn nhà của vợ chồng chị Võ Thị Sanh (45 tuổi) anh Lê Văn Hùng (46 tuổi) cũng bị sập tan hoang sau lũ.

Cả 2 vợ chồng sống dựa vào nhánh rẽ của con sông Hà Thanh, hàng ngày đi giăng từng con cá, bắt từng con ốc, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Chiều ngày 3/11, trời mưa quá nên hai vợ chồng ở nhà không đi làm, đến khoảng 18 giờ 30 phút khi nước lũ dâng cao ngập vào nhà, căn nhà có dấu hiệu nghiêng nên vợ chồng chạy xuống nhà dưới vừa kịp thoát thân. Mấy hôm nay, hai vợ chồng ngủ trên chiếc giường ở nhà bếp phía dưới.

Anh Hùng, chồng chị Sanh đang tìm kiếm những gì còn sót lại trong căn nhà đổ sập

Anh chị tâm sự: “Hai vợ chồng có một đứa con, hiện nó đang đi học. Vợ chồng tôi cũng lo làm nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Đây là nhà của vợ chồng tôi, còn cha mẹ tôi ở căn nhà cũng dột nát kế bên cùng với đứa em gái bệnh tật”. Và họ rưng rưng: "Em gái tôi bệnh nặng, đang cố gượng mấy ngày cuối đời ở bệnh viện. Cha mẹ bảo đem em nó về để nó trút hơi thở cuối cùng tại nhà, nhưng nhà cửa thế này, tôi chưa biết phải đưa em về đâu?”.

Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, cả xã có 42 căn nhà bị sập hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Lộc Hạ và Diêm Vân. Phần lớn nhà bị sập là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của bà con bình thường đã khổ, nay rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, càng thêm xót xa”.

Gia đình anh Hùng đang lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi căn nhà bị đổ sập do lũ ngày đổ về sáng ngày 3/11

Trước những khó khăn của người dân, những ngày qua, chính quyền xã Phước Thuận cùng các tổ chức, các nhà từ thiện đã về địa phương cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nhà bị sập, với mong muốn bà con nơi đây vượt qua khó khăn. Và chuyện hỗ trợ xây nhà sau lũ để bà con sớm “an cư lạc nghiệp” là việc cần được tính đến ngay lúc này.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, thiệt hại do mưa lũ gây ra tại địa phương này rất nặng nề. Theo đó, mưa lũ đã làm 2 người chết; 2 người bị thương; 189 ngôi nhà dân bị sập và vùi lấp, 116 ngôi nhà tốc mái.

Mưa lũ cũng làm 1.450 nhà ngập nước; 333 hộ dân sống ở những vùng nguy hiểm phải di dời đến nơi an toàn; 230 hộ dân bị cô lập.

Cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng, trong đó có 14km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khối lượng 20.240m3; 19 điểm bị ngập, 18 cống và 9 cầu nhỏ bị hư hỏng.

Về thủy lợi, mưa lũ đã làm cho 30m kè, 2,244km bờ sông, 11,49km kênh mương bị sạt lở, khối lượng 7.250m3; 11 đập dâng nhỏ bị hư hỏng, khối lượng 1.150m3; 128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi.

Về nông nghiệp, toàn tỉnh có 1.664ha lúa mùa, 628ha màu bị ngập; 3.556 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ còn làm ướt và hư hỏng 60 tấn xi măng, 10 tấn thức ăn gia súc; 22 trụ điện hạ thế bị ngã; 1.450 giếng nước bị ngập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm