pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những lợi ích sức khoẻ của hoa gạo, tận dụng ngay khi đang vào mùa
Đến tháng 3 và tháng 4, hoa gạo bắt đầu nở rộ, báo hiệu một mùa hè sắp đến. Hoa gạo có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, rất ít người biết đến công dụng của loại hoa này.
1. Đặc điểm của cây hoa gạo
Hoa gạo được biết đến với nhiều tên gọi như mộc miên, pơ-lang. Đây là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, sinh trưởng nhanh, cao tới 20 đến 25 m và tán rộng 8 đến 15 m, lá kép lông chim, rễ của cây phát triển mạnh, ăn sâu vào trong lòng đất và có độ bám khỏe, hoa mọc ở cành nhỏ và có 5 cánh với màu đỏ rực rỡ. Quả nang, hình thoi, trong ruột quả chứa bông. Hạt của cây có hình trứng, bên ngoài được phủ lông màu trắng mịn.
Mỗi bộ phận của cây hoa gạo đều có chứa những chất có lợi như hạt của loại cây này chứa 20 - 26% chất béo đặc, stearin. Vỏ cây chứa nhiều chất nhầy. Rễ cây chứa galactose, arabinose, tannin, cephalin, chất béo, protein, samuel đỏ, … Còn hoa gạo chứa nhiều acid amin, pectin tanin, đường và nhiều nguyên tố vi lượng.
Do đó, hầu hết mọi bộ phận của cây hoa gạo đều được sử dụng làm thuốc, rễ và hoa thường được dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý.
2. Hoa gạo có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, hoa gạo có vị đắng chát, hơi ngọt, có tính mát nên thường được sử dụng hỗ trợ làm tiêu viêm, sát khuẩn, thông huyết, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, viêm loét dạ dày, chữa say nắng, làm lành vết thương, …
Dưới đây là một số bài thuốc dân gian từ hoa gạo và các bộ phận của cây được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh, dễ dùng, dễ làm và hợp mùa:
2.1. Hỗ trợ điều trị tiêu chảy
Hoa gạo rất hữu ích trong việc giải quyết vấn đề tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng. Các bạn có thể sắc nước từ lá, thân mềm hoặc hoa của cây, sắc với khoảng 500ml nước rồi để cô lại khoảng 1 nửa, chia uống 2 lần trong ngày.
2.2. Hỗ trợ điều trị mụn nhọt, sưng tấy
Bạn chỉ cần lấy hoa gạo tươi, sau đó giã nát và đem đắp lên các vùng da bị mụn nhọt sưng tấy. Mỗi ngày thực hiện 1 lần, kiên trì đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
2.3. Hỗ trợ điều trị viêm khớp, loét dạ dày
Mọi người sử dụng khoảng 15 đến 30g rễ, thân hoặc hoa gạo sắc lên lấy nước uống. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp rễ, thân, hoa của cây hoa gạo với 6g rễ cây lưỡng diện châm, sau đó sắc lên và chia uống 2 lần/ngày.
2.4. Hỗ trợ điều trị xương khớp
Để giảm đau nhức xương khớp, các bạn dùng 50g cây gạo tươi, đem cạo sạch vỏ bên ngoài, sau đó giã nát cùng rồi trộn thêm giấm thanh, đắp lên vùng bị đau xương khớp.
Đối với trường hợp bị bong gân, kết hợp vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, rửa sạch các nguyên liệu và giã nát, băng đắp vào chỗ sưng đau.
Nếu sưng nề do chấn thương, bạn có thể ngâm thân hoặc rễ cây hoa gạo với rượu, sau đó thoa lên vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, uống rượu ngâm với rễ cây hoa gạo cũng có thể hỗ trợ điều trị tình trạng viêm khớp mãn tính, đau lưng, đau gối. Tuy nhiên, mỗi lần sử dụng rượu ngâm, các bạn chỉ nên uống với một lượng nhỏ.
Ngoài các bài thuốc trên, cây hoa gạo được làm thành các bài thuốc khác như:
- Dùng cho phụ nữ ít sữa: dùng 12 - 15g hạt cây bông gạo sắc uống
- Ngậm chữa đau răng: dùng 20g vỏ thân cây hoa gạo, đem sắc đặc rồi ngậm hàng ngày.
- Khi bị ho khạc nhiều đờm do phế nhiệt: lấy 15g hoa gạo kết hợp với rau diếp cá 15 g, tang bạch bì 10 g, đem sắc uống.
3. Một số lưu ý khi dùng hoa gạo làm vị thuốc
Mặc dù hoa gạo có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng loại hoa này:
- Khi sử dụng cây hoa gạo để uống như một vị thuốc, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông Y, tránh tình trạng uống không đúng bệnh, uống quá liều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
- Cây hoa gạo chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ.
- Khi uống nước từ các bộ phận của cây hoa gạo và gặp những dấu hiệu bất thường, mọi người nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.
Trên đây là những công dụng của hoa gạo, mọi người có thể tận dụng mùa hoa để chế biến thành các món ăn hoặc làm các vị thuốc. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ và tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia.