Những lời nói làm thui chột niềm tin và sự hồn nhiên của con trẻ

K. Minh
29/12/2020 - 14:26
Những lời nói làm thui chột niềm tin và sự hồn nhiên của con trẻ

Ảnh minh họa

Mỗi lần con đạt điểm 7, 8, chị Nguyễn Hoàng Linh (Kim Liên, Hà Nội) cảm thấy rất lo lắng. Bởi chị biết rõ, hôm đó con sẽ bị bố và ông bà nội “quây” vào để chì chiết, mắng chửi.

Nhớ buổi học đầu tiên trong năm học mới, lẽ ra sẽ là ngày đi học tươi vui của con thì lại là ngày con bị so sánh, chê bai. Hôm đó, con được 8 điểm. Con vừa trở về nhà thì ông bà nội đã dè bỉu: "Cứ tưởng cháu học giỏi thế nào chứ 8 điểm thì không bằng chị Sóc. Mà bài Toán đầu năm học thì toàn kiến thức ôn lại, có kiến thức gì mới đâu mà không biết làm. Học dốt như thế này thì không phải cháu ông bà rồi". Cậu bé rất ấm ức vì bị so sánh với chị con nhà bác. Không nghe lời thanh minh của con là con bị nhìn nhầm số nên kết quả sai, bố cậu bé đã mang roi ra đánh. Cả bữa tối sau đó, cậu bé ăn cơm chan nước mắt vì ông bà và bố liên tục giáo huấn.

Cứ lần nào không được điểm 9, điểm 10, con đều bị chì chiết là học dốt, là ngu. Thậm tệ hơn, khi có khách đến chơi, cậu bé vẫn không được buông tha. Trước mặt cậu bé, ông bà không ngần ngại chê bai: "Ui giời ơi, thằng bé này học hành chán lắm. Làm Toán mà thỉnh thoảng vẫn có lỗi sai. Học hành kiểu này không biết sau này thi cử kiểu gì". Chị Linh cảm thấy ức chế nhất là khi con bị bố đánh thì ông bà ở bên ngoài còn "cổ vũ", "thêm dầu vào lửa". Ông bà nghĩ rằng, chỉ có cách sỉ nhục, so sánh thì đứa trẻ mới cảm thấy xấu hổ mà cố gắng hơn.

Chị Linh cảm thấy không yên tâm vì con bị ảnh hưởng tâm lý nhiều khi sống cùng ông bà và bố, những người có quan điểm giáo dục rất hà khắc, chỉ quan tâm đến thành tích, điểm số mà không quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Thấy con giấu bài kiểm tra, đặc biệt cũng hành xử bạo lực giống bố vì không biết kiềm chế cảm xúc, chị Linh rất lo cho tương lai của con. Chị giận mình vì không thể bảo vệ được con, không thể mang đến cho con một môi trường giáo dục tốt hơn, con được tôn trọng, yêu thương.

Giống như chị Linh, chị Nguyễn Tố Uyên (Quang Trung, Nam Định) cũng rất lo lắng khi con sống trong "môi trường độc hại". Chị Uyên cho biết, xung quanh nhà chị là bố mẹ, anh em bên chồng, từ ông bà, các bác, chú đều có thói quen "mở mồm ra là nói bậy". Chính vì thế mà hai con gái nhà chị cũng học nói bậy rất nhanh. Chị Uyên không biết dạy con thế nào để các con giữ được nét trong sáng, ngoan ngoãn, đáng yêu của đứa trẻ. Chị lo rằng, nếu cứ lớn lên trong môi trường thế này, hai con chị sẽ trở thành "thần nanh, đỏ mỏ".

Theo các chuyên gia tâm lý, việc những đứa trẻ sống trong môi trường độc hại như bị chì chiết, mắng chửi, bạo lực, những lời nói tục, chửi bậy, sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý. Nếu không thể tách con khỏi môi trường độc hại đó thì người mẹ cần giải thích với con về những nguyên nhân khiến người ta tiêu cực, khiến họ không nói được lời hay, ý đẹp. Khi biết nguyên nhân và những tác động của việc đó tới bản thân thì đứa trẻ sẽ thông cảm và giữ mình không giống họ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm