pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những lớp học đặc biệt ở chùa Long Cát
Không chỉ được dạy học miễn phí, trẻ em nghèo Raglai còn được tặng sách vở, bút viết
Lớp học không tiếng trống trường
Những tia nắng cuối ngày lặng dần sau lưng núi cũng là lúc các em nhỏ đi bộ, vượt suối đến với lớp học tình thương ở chùa Long Cát. Lớp học này không tiếng trống trường, lớp học chỉ bắt đầu sôi động khi những gương mặt hân hoan của các em nhỏ ê a đánh vần.
Đã 4 năm nay, để tăng khả năng đọc, phát âm chuẩn tiếng phổ thông và hiểu rõ các phép tính, em Pinăng Hào (ngụ thôn Xóm Đèn, xã Công Hải, là học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Công Hải) đều đặn đi bộ hơn 2km từ nhà đến với lớp học này. Trên tay cầm cuốn vở mới được nhà chùa tặng, Hào chia sẻ: "Nhà em ở xa nhưng em vẫn thích đến lớp học tình thương của chùa Long Cát. Đến đây, em không chỉ được học thêm kiến thức, biết đọc, biết viết mà còn được chơi với các bạn mới, rất vui".
Nhiều em nhỏ còn rụt rè nên các bậc cha mẹ người Raglai sau giờ lên nương rẫy lại tận tình đưa con mình đến lớp học. Họ mong lớp học tình thương tại chùa Long Cát sẽ giúp con mình biết viết, biết đọc thạo tiếng phổ thông và làm được các phép tính.
Chị Katơr Thị Dung (ngụ thôn Suối Vang, xã Công Hải) có 3 đứa con đang theo học tại lớp học tình thương của chùa Long Cát. Trong đó, đứa con lớn của chị là Katơr Huy đã 12 tuổi nhưng chỉ mới học đến lớp 4. "Ở trường, Huy đang học lớp 4 nhưng hơi yếu so với bạn bè trong lớp, chưa kể con đã lớn tuổi nhưng chậm lớp. Tôi quyết tâm đưa các con đến lớp học tình thương của chùa, với mong muốn thầy, cô giáo củng cố thêm kiến thức giúp các con. Ở xã nghèo như Công Hải mà có được lớp học tình thương như thế này thì phụ huynh chúng tôi mừng lắm", chị Dung chia sẻ.
Mỗi tuần, lớp học tình thương ở chùa Long Cát mở 3 buổi vào tối thứ 2, 3, 5, từ 17h đến 19h. Trước mỗi buổi học, nhà chùa tổ chức cho các em bữa ăn lót dạ để các em yên tâm học tập. Nhiều năm nay, chị Trần Thị Kim Yến được xem là "chị nuôi" của lớp học tình thương này. "Nấu các suất cơm, mì tôm... trước giờ học là để cái bụng các em no, nhanh chóng tiếp được kiến thức của các thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, trong lớp có một số em theo cha mẹ đi làm nương rẫy mới về nên cần ăn lót dạ để có sức mà học", chị Yến chia sẻ.
Số lượng con em đồng bào Raglai đến với lớp học tình thương tại chùa Long Cát qua các năm ngày càng tăng. Hiện có hơn 150 con em đồng bào Raglai ở các thôn như: Xóm Đèn, Suối Vang, Ba Hồ, Hiệp Kiết... của xã Công Hải và một số em ở xã vùng cao Phước Kháng (huyện Thuận Bắc) đến tham gia lớp học tình thương này.
Chắp cánh ước mơ nơi cửa Phật
Theo sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, trụ trì chùa Long Cát, vào năm 2002, thấy tại địa phương có nhiều người không biết chữ, rất khó khăn trong việc đọc, viết và sinh hoạt hàng ngày nên nhà chùa có ý định dạy chữ để người dân và phật tử biết đọc, biết viết. Lớp học mở ra, đã có nhiều trẻ em theo mẹ đến học, do thường ngày các em bận theo cha mẹ lên nương rẫy không có điều kiện đến trường. Từ đó, nhà chùa đã vận động xây dựng thêm một số phòng học và thuê giáo viên về mở lớp dạy học miễn phí cho các em. Mỗi năm có hàng trăm em theo học tại chùa.
Hầu hết các thầy, cô giáo dạy tại lớp học tình thương ở chùa Long Cát đều là giáo viên của trường Tiểu học Công Hải. Việc đứng lớp ở lớp học tình thương này không những truyền dạy kiến thức về tiếng Việt, Toán... theo chương trình của ngành giáo dục mà còn là cách để những giáo viên này duy trì sĩ số tại lớp học chính quy.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên của trường Tiểu học Công Hải, cho biết: "Các em học sinh theo học ở lớp học tình thương đều có hoàn cảnh khó khăn. Soạn giáo án, tìm cách dạy phù hợp với chuẩn chương trình giáo dục đề ra thì các em mới đến học đông đủ. Tôi tham gia giảng tại lớp học tình thương cũng là điều kiện để mình vận động học sinh ra lớp chính quy, không bỏ học giữa chừng".
Với thầy Thiên Sanh Quảng, giáo viên của trường Tiểu học Công Hải, mỗi giờ đứng lớp tại lớp học tình thương chùa Long Cát, thầy luôn cố gắng hết sức để giúp các em biết được con chữ, biết được cách tính toán để sau này có thể đi làm phụ giúp cha mẹ của mình. "Đồng bào ở đây khổ lắm. Tôi muốn con chữ làm thay đổi nhận thức về chuyện học của bậc phụ huynh ở đây, để thường xuyên cho con em mình bám lớp và giúp các em đồng bào nghèo có cuộc sống tươi sáng hơn", thầy Quảng tâm sự.
Nhờ sự tận tâm, nỗ lực kêu gọi của những người có trách nhiệm ở chùa, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm đã cùng góp sức, ủng hộ kinh phí. Nhà chùa còn giúp đỡ về sách vở, bút viết để các em đến lớp đầy đủ. Ngoài ra, nhà chùa còn may quần áo, mua giày, dép mới, xe đạp để tặng các em. "Nhiều năm nay, lớp học tình thương luôn đảm bảo số lượng, các em không bỏ học giữa chừng. Lớp học không chỉ xóa mù chữ mà còn mong muốn các em được vươn xa trong học tập, để sau này trở thành những người có ích, đóng góp công sức, làm giàu đẹp cho quê hương", sư cô Thích Nữ Đức Thịnh cho biết.