Những lưu ý pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh

Anh Dũng
27/08/2020 - 09:17
Những lưu ý pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh
Sữa công thức có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần phải lưu ý một số nguyên tắc về cách pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh.

Tuy sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chúng có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và các chất đề kháng. Nhưng với một số người mẹ ít sữa hoặc không có sữa thì sữa công thức là lựa chọn hàng đầu. Cách pha sữa cho bé tưởng như rất dễ dàng nhưng lại có rất nhiều lưu ý mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua.

1. Lượng sữa phù hợp theo từng độ tuổi

Tùy theo độ tuổi mà trẻ cần những lượng sữa khác nhau. Các mẹ cần lưu ý đến nhu cầu của trẻ để từ đó có thể pha sữa thích hợp với con em mình. Lượng sữa theo nhu cầu của trẻ từng độ tuổi được ước tính như sau:

- Trẻ từ 5 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi cần 150ml sữa công thức trên 1kg trọng lượng. Ví dụ trẻ có cân nặng 3kg sẽ cần 450ml sữa mỗi ngày.

- Từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi, trẻ cần 120ml sữa trên 1kg trọng lượng cơ thể.

- Với trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, nhu cầu trung bình là 90 -120ml sữa trên 1kg trọng lượng mỗi ngày.

Những lưu ý về cách pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh - Ảnh 2.

Nhu cầu về lượng sữa ở mỗi độ tuổi là khác nhau (Ảnh: Internet)

Trẻ em sinh non cần nhiều sữa hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Nhu cầu sữa của trẻ sinh non ở khoảng từ 160ml đến 180ml trên 1kg trọng lượng. Các bậc phụ huynh vẫn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.

2. Đảm bảo vệ sinh

Việc đảm bảo vệ sinh là vô cùng cần thiết để tránh những tác nhân có hại đi vào cơ thể của trẻ gây bệnh. Dưới đây là một số nguyên tắc an toàn mẹ cần tuân thủ.

- Trước khi pha sữa, mẹ cần rửa tay thật kỹ với xà phòng và đảm bảo khu vực pha sữa hợp vệ sinh.

- Tiếp theo, hãy kiểm tra hạn sử dụng của hộp sữa. Thông thường, chỉ nên sử dụng trong vòng 1 tháng sau khi mở nắp.

Những lưu ý về cách pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh - Ảnh 3.

Rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu pha sữa (Ảnh: Internet)

- Nên làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi pha sữa. Đảm bảo pha đúng tỷ lệ sữa và nước theo các chỉ số đã được in trên hộp.

- Đun sôi nước và không để nước nguội lâu hơn 30 phút khi dùng pha sữa. Nước đủ nóng có thể giúp diệt một số vi khuẩn có hại.

- Đổ bột sữa vào bình đã chứa sẵn nước. Vặn nắp vặn, đậy nắp ngoài rồi lắc nhẹ để hòa tan hỗn hợp.

- Chỉ nên pha sữa ngay trước khi uống. Không nên pha sẵn rồi để dành uống trong ngày.

- Thìa đong sữa cần phải thay mới sau khi hết hộp, không tái sử dụng cho hộp sữa mới.

3. Không làm ấm sữa bằng lò vi sóng

Tuyệt đối không sử dụng lò vi sóng để làm ấm bình sữa vì như vậy sữa sẽ nóng không đều. Một số phần sữa quá nóng có thể gây bỏng ở trẻ.

Để làm ấm sữa, các bậc phụ huynh có thể sử dụng chậu chứa nước nóng. Sau đó ngâm khoảng 10 phút rồi vớt ra. Trước khi cho trẻ bú, mẹ cần kiểm tra độ nóng bằng cách nhỏ 1 ít vào mặt trong cổ tay. Nếu sữa quá nóng có thể làm mát dưới vòi nước hoặc ngâm trong chậu nước mát đều được.

4. Không dùng lại sữa thừa

Nguyên tắc quan trọng về cách pha sữa cho bé là sử dụng bình sữa mới cho mỗi lần trẻ bú và vứt bỏ lượng sữa thừa trong bình. Các mẹ tuyệt đối không nên cất sữa thừa khi bé bú không hết cho lần sau sử dụng vì nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Điều này là do khi bú, lượng vi khuẩn có thể theo nước bọt của trẻ vào sữa, từ đó gây nhiễm khuẩn cho lượng sữa còn lại trong bình.

Ngoài ra, nếu sữa công thức được pha và để quá 2 giờ trong điều kiện nhiệt độ phòng cũng phải bỏ, không được cho bé bú để tránh vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong nước ấm.

5. Không tùy tiện trộn thêm thức ăn khác

Rất nhiều phụ huynh hiện nay nghe bạn bè khuyên nên cho thêm nước rau quả hoặc thực phẩm vào sữa để giúp bé phát triển tốt hơn. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Mẹ không nên tùy tiện pha trộn thêm các loại thực phẩm khác vào bình sữa của trẻ.

Mỗi một trẻ có tình trạng sức khỏe và thể trạng khác nhau. Do đó nếu mẹ nghĩ bé cần được ăn nhiều hơn hoặc muốn bổ sung thêm bất kỳ thứ gì, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác nhất theo điều kiện hiện tại của cơ thể trẻ.

6. Dùng nước đã đun sôi để pha sữa

Đây cũng là một lưu ý quan trọng về cách pha sữa cho bé. Các bậc phụ huynh cần sử dụng nước lọc đã đun sôi để pha, Tuyệt đối không sử dụng nước lã, nước khoáng vì có thể làm biến đổi các chất dinh dưỡng có trong sữa công thức.

Những lưu ý về cách pha sữa cho bé đúng cách và hợp vệ sinh - Ảnh 4.

Không dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ (Ảnh: Internet)

Hơn thế nữa, hệ tiêu hóa của trẻ là vô cùng non nớt và chưa hoàn thiện như người trưởng thành. Sử dụng nước khoáng để pha sữa sẽ khiến cơ thể trẻ không thể chuyển hóa được hết các chất khoáng, lâu ngày sẽ dẫn đến sỏi thận.

7. Lưu ý đến nhiệt độ nước

Thông thường, trên bao bì của các loại sữa công thức sẽ ghi rõ yêu cầu về nhiệt độ nước khi pha sữa cho bé. Đa phần mọi người thường pha ở nhiệt độ từ 40 đến 50 độ C. Tuy nhiên một số loại sữa có thể chứa những vitamin nhạy cảm với nhiệt độ. Nước quá nóng sẽ phá hủy cấu trúc, làm mất chất dinh dưỡng có trong sữa.

Bên cạnh đó, việc pha sữa ở nhiệt độ nước quá cao cũng có thể giết chết các lợi khuẩn probiotic có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ có trong một số loại sữa công thức hiện nay.

8. Tuyệt đối không để trẻ một mình

Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng khi cho trẻ bú sữa. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên để trẻ tự bú bình một mình và đi ra ngoài. Việc này có thể gây nguy hiểm cho bé như sặc sữa, nghẹt thở. Tình trạng trên kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như viêm tai giữa và sâu răng.

Ngoài ra, sau khi trẻ đã bú xong, mẹ cần ghi nhớ cất bình ngay để tránh trẻ đùa nghịch gây nguy hiểm cho chính bản thân. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm