Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm tập hợp đông đảo và rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 16/6/1941, kế tục truyền thống của các tổ chức phụ nữ tiền thân, Đoàn phụ nữ Cứu quốc, một bộ phận quan trọng trong Mặt trận Việt Minh ra đời với mục đích: Đoàn kết hết thảy các tầng lớp phụ nữ yêu nước gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp ra khỏi Đông Dương, giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, ngày 29/5/1946, Đảng chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) nhằm tập hợp rộng rãi, đông đảo quần chúng yêu nước để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc" lúc đó.
Đối với phụ nữ, sự ra đời của Hội Liên hiệp Quốc dân là nguồn cổ vũ, động viên, thúc giục chị em phấn đấu xây dựng một tổ chức thật lớn mạnh của giới mình và tổ chức ấy phải là thành viên của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.
Ngoài ra, trong những năm 1945 – 1946, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, phụ thuộc và phong trào dân chủ của nhân dân ở các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới phát triển rất mạnh mẽ, rộng khắp, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức mang tính quốc tế hoạt động với mục tiêu vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức quốc tế của phụ nữ mang tên Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.
Trên báo Tiếng gọi phụ nữ số Mùa xuân năm Bính Tuất 1946, trong bài viết với nhan đề “Tình hình thế giới và Đông Dương trong năm vừa qua”, chị em bày tỏ tiếc nuối vì không được tham dự Hội nghị Phụ nữ quốc tế tại Paris. Bài báo còn nêu rõ ước muốn của phụ nữ Việt Nam: “Rồi đây, lúc nước nhà giành được hoàn toàn độc lập, chị em ta sẽ có hoàn cảnh tiến kịp chị em thế giới. Hội nghị Phụ nữ quốc tế lần sau sẽ có mặt chị em chúng ta”.
Thấu hiểu vai trò và nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải quyết tâm thành lập cho được một tổ chức phụ nữ rộng rãi hơn để tập hợp tất cả các tầng lớp phụ nữ từ công, nông, trí thức đến tư sản, tôn giáo, dân tộc… nhằm đoàn kết đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được và tổ chức đó là một thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.
Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nghị định ghi rõ: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trụ sở ở Hà Nội, nay được phép thành lập và hoạt động theo thể lệ đã ấn định trong Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 và theo Điều lệ đính kèm trong Nghị định này”.
Ngày 17/10/1946, Hiệu triệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được đưa ra. Hiệu triệu có nội dung: “… Tổ quốc vẫn chưa hoàn toàn giải phóng. Thế giới vẫn chưa hẳn hòa bình… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập nhận lấy sứ mệnh đoàn kết toàn thể phụ nữ Việt Nam để cùng nhau giải quyết bao nỗi lo sợ, băn khoăn, đau xót ấy. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quyết tâm tạo điều kiện cho chị em bạn gái tiến mạnh về đức dục và trí dục để chóng thực hiện triệt để nguyên tắc nam nữ bình quyền. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tự nguyện làm người bạn của những người cùng khổ và người mẹ của các em nghèo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đứng trong Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, tự nguyện hết sức ủng hộ nền Dân chủ Cộng hòa của nước Việt Nam, cái chính thể thuận tiện cho việc phát triển tài năng của phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tự coi mình là một bộ phận của Hội Phụ nữ quốc tế, kiên quyết ủng hộ nền hòa bình thế giới…”.
Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại quảng trường Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội. Các đoàn phụ nữ đại diện các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, trí thức, tư sản dân tộc, công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, nữ sinh, dân quân tự vệ… ở các địa phương về tụ họp, chứng kiến, chào mừng sự ra đời tổ chức của giới phụ nữ.
Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong tư duy của Đảng về lãnh đạo công tác vận động phụ nữ. Thực tế đã chứng minh việc vận động quần chúng nói chung và vận động phụ nữ nói riêng, hữu hiệu nhất là thu hút họ vào tổ chức. Chỉ khi nào phụ nữ chính thức được tham gia vào một tổ chức, tổ chức đó thu hút được tất cả các tầng lớp phụ nữ thì khả năng và những đóng góp của phụ nữ mới được phát huy đầy đủ nhất.
Mặt khác, việc thành lập tổ chức Hội để tiến đến thống nhất sự chỉ đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tất cả các tầng lớp phụ nữ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế giới lúc bấy giờ.
Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tiếp tục tồn tại, đồng thời là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.