pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những món quà ủng hộ chống dịch COVID-19 khiến ai nấy cay mắt: Khi cho đi chính là hạnh phúc
Vừa xách túi hàng đã thanh toán, chân tôi chợt bị níu lại bởi tiếng của bác Hiền.
"Cháu giúp cô chia đều vào các túi nhé. Mỗi túi 1 chai dầu ăn, 2kg gạo và 5 gói mì nhé. Riêng chục suất này thì cháu cho thêm 5 gói cháo cho cô, để những nhà có trẻ con nhỡ nhàng dùng đến".
Đáp lại lời bác Hiền là những lời rất lịch sự của anh chị chủ siêu thị. Nụ cười vẫn nở trên môi, tay thoăn thoắt gói lại những túi quà.
"Nhà cháu chỉ có 2 vợ chồng, lại vướng con nhỏ, cô cho cháu gửi thêm ít đồ đóng thêm vào các gói quà nhé!".
Từng là cô gái với nhan sắc có tiếng trong làng, thế nhưng có lẽ câu nói hồng nhan bạc phận quả chẳng sai với bác. Mặc bao nhiêu người nguyện đón đưa, trái tim bác lại chỉ hướng về một người đàn ông. Nghiệt ngã thay, khi bác mang trong mình trái ngọt của tình yêu cũng là lúc phát hiện người đàn ông mình yêu đã có gia đình. Một mình giữ bí mật về cái thai, bác bỏ đi, lên Hà Nội lập nghiệp.
Nhà bác ở cách nhà tôi cỡ chỉ chục hộ. Gần 30 năm nay, bác ở vậy nuôi con gái lớn khôn. Bác được mọi người tin tưởng và bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Từ ngày bác lên làm tổ trưởng, hoạt động thiện nguyện ở khu phố tôi sôi nổi hẳn. Tôi vẫn nhớ câu nói của bác trong một buổi trò chuyện lúc trời nhá nhem.
"Nhà bác chỉ có 2 mẹ con, mỗi bữa giỏi lắm cũng chỉ ăn hết một bơ gạo. Mình tích lắm rồi chết cũng có mang đi được đâu. Mình có ít thì giúp ít, đỡ được họ chút nào thì đỡ cháu ạ".
Vài chục món quà bác cùng anh chị chủ siêu thị đang gói là món quà dành cho những người lao động sống gần khu tôi. Những người gom ve chai đồng nát, người bán vé số hay đánh giày... Họ là những người cuộc sống đã khó khăn nay càng thêm nhọc nhằn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Vội về nhà vì con nhỏ cùng mấy đứa cháu đang chờ, tôi chạy đến xin gửi bác chút tiền những mong phần nào có thể giúp đỡ ai đó. Bác cầm lấy tiền và không ngừng nói lời cảm ơn mà lẽ ra tôi mới phải là người nói.
Giữa những ngày cả nước đang căng mình chống dịch, khi người ta không khỏi bất bình trước những người lợi dụng dịch bệnh để tăng giá khẩu trang hay thực phẩm thì hành động đẹp của những người như bác khiến tình người thêm ấm. Tôi biết trên dải đất chữ S này, nơi kinh tế chẳng gọi là khá giả gì, vẫn có những cánh tay sẵn sàng đưa ra giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình.
Vẫn là những chiếc khẩu trang chống dịch nhưng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nơi đâu ta cũng có thể được nhìn hình ảnh đẹp của những nhóm người trên tay cầm khẩu trang phát cho mọi người với khuôn mặt rạng rỡ. Khẩu trang với họ có quan trọng không? Có chứ! Có hiếm không, khó mua không? Có chứ! Nhưng họ muốn chia sẻ với đồng bào của mình, những người không có điều kiện kinh tế hay chẳng thể xếp hàng nổi để mua hộp khẩu trang.
Đó là những suất cơm miễn phí dành cho người lao động khó khăn. Họ, những người chủ các quán cơm bình dân cũng chẳng dư dả gì nhưng vẫn sẵn sàng dành tặng cả trăm suất cơm để giúp đỡ những người không có thu nhập trong mùa dịch. Tiền với họ có quan trọng không? Quan trọng chứ vì họ cũng có những mối lo toan cơm áo, gạo tiền.
Lướt một vòng qua các trang báo hay fanpage facebook, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông cụ, bà cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm. Họ không quản ngại khó khăn, người đi bộ, người đạp xe cả chục cây số để góp chút sức cho bộ đội chống dịch. Chỉ là vài cân gạo, chút thức ăn mà khiến ai nấy không khỏi cay mắt.
Trao đi những gói quà nhằm giúp đỡ những mảnh đời không may mắn bằng, điều ta nhận lại không chỉ là nụ cười, giọt nước mắt vui mừng, cảm kích mà còn là sự bình tâm trong chính ta.
Guồng quay của cuộc sống vội vã với những nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn ta đi, khiến ta đôi khi quên rằng đâu đó vẫn có những mảnh đời bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, khi người dân được khuyến cáo ở nhà để chung tay chống dịch, ta càng thấu hiểu hơn, cảm nhận rõ hơn về tình người, về nghĩa đồng bào.
Khi cho đi tình yêu thương, chắc chắn ta sẽ nhận lại hạnh phúc. Sự tử tế không ở đâu xa, nó bắt nguồn từ chính những hành động đơn giản, bình dị nhất trong nhịp sống hối hả.
Xin được trích những dòng thơ trong bài Một khúc ca xuân của Tố Hữu:
“Nếu là con chim, là chiếc lá,
Thì con chim phải hót ,chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”