pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những nét hấp dẫn ở Lễ hội Cốm mới
Hằng năm, vào dịp rằm tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa xong, bà con người dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, lại nô nức tổ chức Lễ hội Cốm mới để tạ ơn các vị thần linh đã ban cho vụ mùa bội thu.
Lễ được tổ chức thường niên vào cuối Thu khi hạt thóc chín rộ, là dịp để đồng bào người Thái bày tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh đã ban cho bản làng mùa màng bội thu…
Lễ hội "Kin lẩu khẩu mẩu" năm 2024 vừa được UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ, tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung.
Hằng năm, vào dịp rằm tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa xong, bà con người dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, lại nô nức tổ chức Lễ hội Cốm mới để tạ ơn các vị thần linh đã ban cho vụ mùa bội thu.
Đây cũng là dịp để trai, gái có cơ hội đua tài, tìm hiểu nhau, người dân trên địa bàn được giao lưu, vui chơi và chuẩn bị cho vụ mùa tới.
Theo truyền thống, người Thái trắng ở Mường So thường lựa chọn lúa nếp non loại ngon nhất làm cốm, sản vật tinh khiết, ngon nhất của mùa vụ để cúng tế, dâng lên trời đất, thần linh. Lúa được sử dụng làm cốm là lúa nếp thơm, nếp tan, nếp hoa...
Thóc mới đem hơ lửa cho ấm rồi đem giã, tiếng chày giã càng to mới cầu vụ sau bội thu hơn. Cốm sau khi được làm sạch, mang vào nhà cúng tế cùng những lễ vật khác là nông phẩm của người dân trong vùng.
Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần. Phần lễ diễn ra các nghi thức: rước hồn lúa, cúng hồn lúa, giã cốm cầu bình an, cúng thần linh cầu phúc và tạ ơn. Phần hội có chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn, én cáy…
Đến dự lễ hội, người dân và du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi vùng cao Tây Bắc.