Những người đau đáu giữ hồn gốm cổ Thổ Hà

04/08/2018 - 09:00
Làng cổ Thổ Hà vốn nổi tiếng trong thế kỷ XVIII -XIX về sản xuất gốm sành với các sản phẩm như chum, vại, chậu và đồ thờ tự... Tuy nhiên, đến nay nghề làm gốm ở đây đã mai một nhiều, phụ nữ không còn gắn bó với nghề này, trong khi những người đau đáu giữ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

8x giữ nghề cha ông 

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), gặp anh Nguyễn Đăng Tập (xóm 3, Thổ Hà). Hỏi chuyện về gốm, anh rất hào hứng, say sưa chia sẻ với chúng tôi. Là một người trẻ, thuộc thế hệ 8X nhưng những hiểu biết, suy nghĩ về truyền thống nghề gốm, về làng gốm cổ Thổ Hà của anh Tập khiến người nghe không khỏi thích thú. 

2g.JPG
Anh Nguyễn Đăng Tập say sưa kể về gốm Thổ Hà
 

Hiện tại, gia đình anh Tập đã chuyển nghề sang làm bánh đa nhưng anh vẫn còn giữ nghề gốm và làm cầm chừng. Vào khoảng tháng 8, anh bắt tay vào làm gốm. Hiện tại, anh làm một số sản phẩm như chum, vại, tiểu sành, đặc biệt là chum đựng tương theo đơn hàng của khách ở Hưng Yên hoặc vùng lân cận. "Nghề gốm ở làng đã mai một, hầu như trong làng không còn ai làm gốm, các nghệ nhân trong làng đều cao tuổi, dù tay nghề còn non nhưng mình luôn đau đáu với nghề gốm và giữ nghề gốm của cha ông truyền lại", anh Tập trải lòng.

 

Để có những sản phẩm chum vại, chĩnh chõ, tiểu sành với màu nâu sẫm, màu da lươn rất bền đẹp, người làm gốm phải mua đất sét ở huyện Yên Phong cách xa chừng 10km, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai cách xa 12km và phải chở qua sông khá vất vả. Đất sét phải là loại sét vàng, sét xanh, ít sạn và tạp chất để dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao, cũng nhờ vậy mà nghệ nhân gốm Thổ Hà xưa có thể tạo ra các sản phẩm gốm cỡ lớn như chum với dung tích 400 - 500 lít. 

3g.JPG
Một sản phẩm gốm của anh Tập
 

"Điểm đặc trưng khác biệt là gốm Thổ Hà không dùng men. Gốm được nung ở nhiệt độ cao (1.500 độ C) để tự chảy men ra và thành sành. Gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc, dù chôn xuống đất hay ngâm trong nước hàng trăm năm thì nó vẫn giữ được màu như lúc mới ra lò", anh Tập cho biết thêm.

 

Lưu giữ hồn gốm cổ 

Từ trẻ đã đam mê gốm, đặc biệt là gốm cổ Thổ Hà, nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép nên ông Nguyễn Công Bộ (xóm 3, Thổ Hà) rẽ sang lĩnh vực khác là xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian đó, ông vẫn không ngừng tìm hiểu về gốm cổ Thổ Hà qua sách vở... 

1g.JPG
Ông Nguyễn Công Bộ bên bộ sưu tập gốm cổ Thổ Hà của mình
 

Khi điều kiện vật chất cho phép, với tiếng gọi trong tâm khảm cũng như niềm đam mê gốm cứ âm ỉ nay được dịp bùng lên, ông bắt tay vào thực hiện ước mơ thuở nhỏ còn dang dở của mình là sưu tầm gốm cổ Thổ Hà.

Tuy nhiên, ông cũng gặp không ít gian nan, vất vả. Chỉ tay về 2 chiếc chum lớn bằng 2 vòng tay người ôm, cao hơn 1 mét, ông Bộ hào hứng: "Đôi chum này là thuộc hàng hiếm hiện nay, gốm Thổ Hà, có niên đại gần 300 năm".

 

Cho đến nay, với gần 1.000 hiện vật gốm Thổ Hà cổ mà ông sưu tập được, "bảo tàng mini" là căn nhà 4 tầng của ông vừa dành cho không gian sinh hoạt, vừa kiêm luôn nhiệm vụ trưng bày gốm nhưng những hiện vật gốm được ông sắp xếp, bài trí một cách khoa học theo từng loại gốm, theo niên đại, khiến người tham quan không khỏi ngạc nhiên lẫn thích thú. 

img_0562.JPG
Một góc bộ sưu tập gốm của ông Bộ
 

"Có những hiện vật tôi phải bỏ nhiều công sức lên tận miệt Việt Trì, Phú Thọ, đi năm lần bảy lượt mà người ta vẫn từ chối bán. Nhưng vì họ thấy mình tâm huyết, kiên trì nên cuối cùng họ cũng bán cho mình", ông Bộ chia sẻ về việc sưu tầm một hiện vật gốm cổ Thổ Hà. Chính vì niềm đam mê với gốm mà ông không quản ngại xa xôi, vất vả cũng như chi tiền bạc để có được hiện vật mà mình tâm đắc.

 

"Có những hiện vật gốm cổ, tôi phải xuất ngoại sang tận các bảo tàng của trời Tây như Pháp để chiêm ngưỡng, sưu tầm", ông Bộ cho biết thêm. 

4g.JPG
Một góc "bảo tàng mini" của ông Nguyễn Công Bộ 
 

Ông Bộ từng mong muốn khôi phục lại nghề gốm cổ của cha ông cũng như phục vụ khách du lịch khi đến Thổ Hà, để du khách hiểu về con người làng Thổ Hà xưa và biết được nơi đây từng là một làng nghề gốm cổ nổi tiếng sánh ngang với Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Chu Đậu, Cậy (Hải Dương)... Tuy nhiên, như ông trải lòng: "Tôi cũng từng có ý định xây dựng lại một lò gốm nhưng không có cơ sở hạ tầng, mặt bằng nhà xưởng không đủ rộng nên ý định tốt đẹp ban đầu không thực hiện được, lại dở dang".

 

Chúng tôi rời làng cổ Thổ Hà vào lúc chiều muộn, mang theo tâm sự của những người con Thổ Hà với mong muốn cháy bỏng về việc khôi phục và phát triển hơn nữa nghề gốm truyền thống của cha ông. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm