Chính trị - Xã hội

Những người kể sử: Anh hùng Ngô Thị Tuyển & huyền thoại Hàm Rồng - Nam Ngạn

Nhóm PV 17/09/2024 - 11:00 AM
59 năm trôi qua, những ngày tháng chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng gắn với sự kiện một mình vác 2 hòm đạn nặng 98kg, luôn là ký ức hào hùng của Anh hùng Lục lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển. Với bà, đó là niềm tự hào lớn lao khi được góp sức nhỏ bé cùng quân dân Thanh Hóa bảo vệ cây cầu huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam...

Anh hùng Ngô Thị Tuyển nhớ lại: "Những năm tháng chiến tranh ác liệt, thanh niên trai tráng trong làng tôi lên đường đi chiến trường hết cả, chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà. Hàng ngày, ngoài công việc tăng gia sản xuất để lấy lương thực, nữ thanh niên chúng tôi tham gia phong trào Đoàn, còn các chị, các mẹ thì tham gia phong trào Hội phụ nữ. Ngày ấy, hoạt động dân quân tự vệ cùng các phong trào "Thanh niên 3 sẵn sàng", "Phụ nữ 3 đảm đang" rất mạnh mẽ, sôi nổi. Chị em dân quân tự vệ chúng tôi đã cùng với bộ đội, quân dân Nam Ngạn nói riêng, quân dân Thanh Hóa nói chung, chắc tay súng, không nao núng trước kẻ thù để bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ thực thi Chiến dịch sấm rền, ném bom ồ ạt xuống miền Bắc, đặc biệt là những tỉnh miền Trung, nhằm phá hoại chúng ta về mọi mặt, cắt đứt sự chi viện về sức người, sức của của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu nhiều bom Mỹ vì nơi đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch trong vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men. Thế trận chiến đấu khi ấy diễn ra vô cùng ác liệt và căng thẳng. Nếu như đánh sập cầu Hàm Rồng thì đế quốc Mỹ sẽ chặt đứt được "mắt xích" của con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, tại khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt và cam go. Khi ấy, tôi mới chỉ 19 tuổi. Tôi cùng với chị em dân quân tham gia tải đạn dược cho bộ đội.

Những người kể sử: Anh hùng Ngô Thị Tuyển & huyền thoại Hàm Rồng - Nam Ngạn- Ảnh 1.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển

Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá ác liệt khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Ngày 4/4/1965, khi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi gặp 1 chiếc tàu hải quân yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Lúc ấy, có 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng chưa được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, tôi ghé vai bảo các anh cứ đặt lên vai em. Cứ thế, tôi vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu.

Sau sự kiện này, các nhà báo nước ngoài không tin đã đề nghị tôi làm lại cho họ xem. Hôm đó, có rất nhiều nhà báo quốc tế chờ sẵn để quay phim, chụp ảnh. Trước sự chứng kiến của họ, tôi đã vác 1 bao gạo và 1 bao khoai tây. Khi cân lên thì 2 bao này nặng 105 kg chứ không phải là 98kg. Lúc ấy, họ mới thực sự tin là thật. 1 nhà báo Liên Xô đã ôm hôn tôi và tặng tôi chiếc bút Kim tinh. Sau này, 1 nhà văn Mỹ cũng đã dành nhiều tháng để viết cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mang tên "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", trong đó có kể về sự kiện vác đạn của tôi.

Chính tôi cũng chẳng biết làm sao mình nhỏ bé thế mà lại có thể vác được 2 hòm đạn 98kg. Sau này, tôi bị chấn thương cột sống, mỗi khi trái gió trở trời là lại đau lắm!"…

Năm 1967, tròn 21 tuổi, nữ dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển đã vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Giờ đây, ở tuổi 78, gần 6 thập kỷ đã qua nhưng câu chuyện của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển (19 tuổi, cao hơn 1,4m, nặng 42kg ở tiểu khu Nam Ngạn, thuộc thị xã Thanh Hóa) vác cùng lúc 2 hòm đạn nặng 98kg, góp phần vào chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn trong ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ vẫn như một huyền thoại.

Hình ảnh nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn


Nữ nhà văn người Mỹ Karen Tuner đã viết về Anh hùng Ngô Thị Tuyển trong cuốn sách Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh: "…hình ảnh một cô gái đứng cao lồng lộng nhìn chăm chú vào khoảng không, vai khoác súng - một người lính mẫu mực đến từng milimet".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn