pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử: Cô gái Hà Nhì trong tấm ảnh lịch sử mãi khắc ghi lời dạy của Bác
Bà Chu Chà Me là nhân vật chính trong Chương trình "Những người kể sử" với chủ đề "Cô gái Hà Nhì trong tấm ảnh lịch sử mãi khắc ghi lời dạy của Bác", nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024).
Nhớ lại những kỷ niệm đó, bà Chu Chà Me cho biết: "Sau khi giải phóng Điện Biên, cán bộ địa phương, bộ đội khuyên tôi đi học, vì người Hà Nhì lúc đó trình độ dân trí rất thấp, 100% người Hà Nhì ở địa phương không ai biết chữ. Quyết định đi học rồi nhưng trong thâm tâm tôi vẫn day dứt vì thương mẹ ở nhà một mình. Đến trường dân tộc của Khu Tây Bắc, tôi được học 9 tháng.
Sáng 6/5/1959, trong khi nhân dân Tây Bắc đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì có 2 chiếc xe chạy vào trong sân trường. Chị em chúng tôi bảo nhau: Chắc là xe đến đón thầy đi họp. 15 phút sau, thầy Thu, Hiệu trưởng của trường, chạy ra bảo: "Các chị em mặc trang phục của dân tộc mình chuẩn bị đi đón Bác Hồ". Sau đó, xe đưa chúng tôi đi, đến sân của Ủy ban Khu thì dừng lại. Các chị người Thái hô lên: "Pú Hồ sen pi!", cả hội trường hô theo "Bác Hồ muôn năm!". Vào hội trường một lúc thì các chị tiếp tân đem bánh kẹo đến. Sau đó, Bác chia kẹo cho chúng tôi và hỏi thăm từng người. Bác hỏi tôi:
- Cháu ở đâu? Cháu dân tộc gì?
Tôi chưa kịp trả lời thì cán bộ Khu liền giới thiệu:
- Cô Chu Chà Me là dân tộc Hà Nhì, quê ở Mường Tè, là châu xa nhất của khu, Bác ạ! Đi xa lắm nhưng cô Chu Chà Me cũng chịu khó đi học.
Nghe thế, Bác khen:
- Thế thì tốt. Cháu bao nhiêu tuổi, cháu học lớp mấy?
Tôi thưa:
- Thưa Bác, cháu 17 tuổi, cháu học lớp 1.
Nghĩ một lúc, Bác bảo: "Trước đây, chế độ thực dân phong kiến không quan tâm đến các dân tộc. Cháu không có điều kiện học tập nhưng cháu còn trẻ, tương lai của cháu còn dài, cháu cố gắng học tập". Bác lại hỏi: "Thế người Hà Nhì đi học đã nhiều chưa?".
Tôi thưa: "Thưa Bác, còn ít người đi học ạ".
Bác dặn tôi: "Cháu về nhà, vận động thanh niên dân tộc Hà Nhì đi học, có đi học mới biết chữ, có trình độ văn hóa mới làm được Cách mạng để làm chủ quê hương".
Sau đó, chúng tôi được ra sân chụp với Bác một kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Tấm ảnh đó chính là tấm ảnh "Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ Tây Bắc năm 1959".
Sau lễ míttinh kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng bạn bè trở về trường và nghĩ mãi về những lời Bác dặn. Bế giảng khóa học, tôi về Mường Tè nhận công tác ở Đoàn Thanh niên huyện… Chuẩn bị đến ngày 2/9/1960, Huyện ủy Mường Tè cử 2 người đi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Hà Nội, gồm Chang Thị Ga và tôi. Trong đó, Chang Thị Ga đại diện cho phụ nữ dân tộc Cống, còn tôi đại diện cho phụ nữ dân tộc Hà Nhì. Mùng 2/9 năm đó có duyệt binh. Sau khi dự lễ kỷ niệm, chúng tôi đề xuất với Trung ương Hội cho chị em được đến thăm Bác Hồ. Tôi hy vọng có thể được gặp Bác để báo cáo với Bác sự phấn đấu của mình. Vâng lời Bác, tôi đã học hết lớp 2 và được kết nạp vào Đảng.
9 giờ sáng mùng 4/9/1960, một chiếc xe con màu đen chạy vào nhà khách Trung ương Hội. Các chị Trung ương Hội bảo: "Có khi Bác Hồ đến đấy!". Chị em chạy ùa ra thì thấy Bác Hồ từ trên xe bước xuống. Tôi chạy ra đón Bác, mong sao Bác nhận ra mình. Bác Hồ nhận ra tôi và hỏi thăm. Bác còn dặn: "Cháu về nói lại với thanh niên Hà Nhì là Bác hỏi thăm thanh niên dân tộc Hà Nhì, các cháu học tập tốt, tiến bộ thì Bác mừng"…
Năm 1961, tôi trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ khu tự trị Thái - Mèo. Thực hiện lời dạy của Bác, tôi vừa công tác vừa học bổ túc vào buổi tối rồi sau này học đại học. Tôi học Sư phạm Việt Bắc, thời ấy việc đi học thật vất vả. Đế quốc Mỹ bắn phá mình ác liệt, ban ngày cũng như ban đêm. Mẹ tôi đi theo trông con cho tôi. Có lần máy bay địch đến, trong đêm tối, tôi một bên mẹ già, một bên con thơ, chạy xuống hầm trú ẩn… Vượt lên mọi khó khăn, từ một cô gái Hà Nhì 17 tuổi mới học lớp 1, tôi đã phấn đấu để có trình độ đại học Sư phạm.
Những năm công tác ở huyện Đoàn Mường Tè, tôi đã tích cực vận động thanh niên Hà Nhì đi học. Kết quả, nhiều thanh niên Hà Nhì đi học. Giờ đây, số người Hà Nhì tốt nghiệp đại học nhiều. Cán bộ là người Hà Nhì cũng nhiều. Tôi rất mừng khi thấy quê hương mình thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên. Trước nay, mình vẫn nói: Cứ nghe lời cán bộ, đi học chữ Bác Hồ thì đỡ vất vả, biết chữ thì làm việc gì cũng dễ hơn, thực sự như thế!".