Chính trị - Xã hội

Những người Kể sử: "Điện Biên Phủ trên không" qua ký ức của nữ chiến sĩ báo vụ tiêu đồ

Nhóm PV 30/10/2024 - 11:00 AM
Tháng 5/1971, thời điểm chiến tranh chống đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt trên khắp hai miền đất nước, cô gái 18 tuổi quê Tiên Lãng (Hải Phòng) Đoàn Thị Hợp viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ, nguyện đi bất cứ đâu Tổ quốc cần.

Cuối năm 1971, sau khi hoàn thành khóa học nghiệp vụ báo vụ 6 tháng, Đoàn Thị Hợp cùng 5 đồng đội nữ là Phạm Thị Thanh, Đào Thị Thu, Vũ Thị Thu Hà, Lương Thị Loan, Vũ Thị Thụy được phân công về công tác tại Phòng Hành chính, Sở Chỉ huy Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu). Tại đây, các cô gái được "biên chế" vào tổ Tiêu đồ gồm 9 người (6 nữ, 3 nam) và phải học thêm kĩ năng báo vụ tiêu đồ (vẽ đường bay) và viết chữ số ngược. Tổ Tiêu đồ thay nhau trực 2 tiếng/ca dưới Hầm Sở chỉ huy (đặt trong Hoàng Thành Thăng Long hiện nay) suốt ngày đêm. Ngoài nhiệm vụ trực trong Hầm Sở chỉ huy, họ còn thay nhau đi trực tiêu đồ di động, góp phần bảo đảm an toàn cho các đoàn, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đi công tác.

Những người Kể sử: "Điện Biên Phủ trên không" qua ký ức của nữ chiến sĩ báo vụ tiêu đồ- Ảnh 1.

Bà Đoàn Thị Hợp

Là người cùng đồng đội trực tiếp tham gia trận chiến B.52 Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa, dù 52 năm trôi qua nhưng bà Đoàn Thị Hợp vẫn nhớ như in:

"Thời gian chiến tranh ác liệt nhất là 12 ngày đêm cuối năm 1972, đó là chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Có những ngày trực ban phải kéo còi báo động khoảng 40 - 50 lần/ngày đêm. Tất cả sự kiện này đều được trực ban theo dõi trên tấm bản đồ mica mà tiêu đồ chúng tôi vẽ lên đường bay. Màu chì dầu xanh là máy bay địch, màu đỏ là máy bay ta. Chữ và số phải viết ngược để bên ngoài chỉ huy trực ban đọc. Khi kéo còi, một loa đặt tại nóc nhà Hội trường Ba Đình và một loa tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội.

Ngày 18/12/1972, Mỹ bắt đầu mở cuộc tập kích đường không chiến lược (sử dụng chủ yếu là máy bay B.52) ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Địch đã huy động gần 700 lần chiếc B.52, cùng gần 2.000 lần chiếc máy bay chiến thuật (có cả loại hiện đại nhất F111), ném khoảng 20.000 tấn bom xuống các mục tiêu quân sự, giao thông, trường học, bệnh viện, khu phố... gây những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân ta. Đỉnh điểm là việc sử dụng máy bay B.52 ném bom rải thảm mang tính hủy diệt vào các khu đông dân cư ở Hà Nội trong những ngày từ 26 đến 29/12/1972. Đây cũng là bước leo thang cao nhất của không quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm ác liệt ấy, 9 chiến sĩ trong tổ Tiêu đồ chúng tôi thay nhau trực suốt ngày đêm không nghỉ (mỗi ca trực gồm 2 người). Chúng tôi tập trung nhận tín hiệu và vẽ đường bay chính xác để các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trực ban nắm bắt và chỉ đạo kịp thời. Khi làm nhiệm vụ phải đeo tại nghe kín 2 tai suốt ca trực. Chúng tôi phải luôn giữ tinh thần tỉnh táo, không được lơ là làm bất cứ việc gì dù là ăn uống, hay đi vệ sinh (khi thật cần thiết phải có người thay). Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng hết sức, luôn tỉnh táo để thực hiện chính xác nhất, không để sót bất cứ tình huống nào và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bản thân tôi rất vinh dự được tham gia trong cuộc chiến đấu này, góp phần nhỏ bé nhưng thật vinh quang vào chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng và Cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn