Chính trị - Xã hội

Những người kể sử - Họa sĩ Đặng Ái Việt: Sứ mệnh vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng

Nhóm PV 27/07/2024 - 11:00 AM
Không tổ chức, đoàn thể nào phân công nhưng họa sĩ - Anh hùng Lao động Đặng Ái Việt đã tự nhận lấy công việc vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà cho rằng, đây là sứ mệnh mà mình cần thực hiện.

Họa sĩ Đặng Ái Việt kể: "Sứ mệnh vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước là do tôi tự nhận lấy, không có cơ quan đoàn thể nào phân công cả. Hội Mỹ thuật, Hội LHPN Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội không có phân công gì, tuy nhiên họ đã hỗ trợ gửi giấy giới thiệu cho các cơ quan ngành dọc đủ 63 tỉnh/thành để hỗ trợ tôi đi và vẽ".

Khi họa sĩ tới gặp các Mẹ, có Mẹ hỏi: Ai phân công bà đi vẽ vậy? Bà trả lời: Trái tim tôi phân công. Tôi sẽ vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng khi trái tim tôi còn đập trong lồng ngực!

Nữ họa sĩ cho biết, bà đã thực hiện công việc "từ trái tim ấy" bắt đầu từ năm 1995. Theo Pháp lệnh 94, những năm đó, Việt Nam có khoảng 47 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng. Mọi sự chuẩn bị cho dự án để đời đó đã được bà lên kế hoạch đầy đủ. Bà đã đi, đã gặp gỡ và đã vẽ với niềm biết ơn, kính trọng với các Mẹ, các liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

Năm 2013, Nghị định 56 tri ân người có công với cách mạng đã truy và phong tặng anh hùng cho các Mẹ có gia đình 2 người là liệt sĩ. Theo đó, có khoảng 130 nghìn Mẹ đã được nhận danh hiệu này. Bà Việt đã đi vẽ các Mẹ theo danh sách cập nhật ở Nghị định 56, trong số 13 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng thì khoảng 4.000 Mẹ hiện vẫn còn sống. Cho tới thời điểm này, nữ họa sĩ lão thành đã vẽ hoàn tất 3.097 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Với sự khắc nghiệt của thời gian nên bà phải tận dụng tối đa từng phút giây, chạy đua với thời gian.

Không biết khi nào thì dừng lại.

Không biết việc gì xảy ra phía trước.

"Chỉ là sự thôi thúc của dòng máu đỏ trái tim và tình yêu con người và đất nước Việt Nam, đã khiến tôi "lên đường", nữ họa sĩ chia sẻ.

Dù ở tuổi "thất thập cổ lai hy", bà vẫn hàng ngày băng băng trên xe gắn máy đi khắp các tỉnh/thành. Anh linh các liệt sĩ đã chứng giám tấm lòng và tình yêu của bà, nên đã bảo vệ bà trên từng cây số đường trường.

Bà Đặng Ái Việt ấn tượng cùng chiếc xe gắn máy quá đáng nhớ, chất trên xe đủ các đồ phục vụ cho chuyến đi: màu vẽ, cọ vẽ, giấy vẽ. Trên chiếc xe gắn máy cũ của bà còn có cả bếp và gạo, đi tới những nơi xa xôi thì bà tự nấu ăn.

Trong các câu chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, nữ họa sĩ còn kể về tình yêu và sự tiếp nối công việc từ người chồng của bà, cố NSND Phạm Khắc, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, đạo diễn của các bộ phim tư liệu giá trị như: Mê Kông ký sự; Sư đoàn 9 anh hùng; Gặp lại Ấp Bắc; Nữ tướng Nguyễn Thị Định; Khi đàn sếu trở về

Bà cũng kể về sự lo lắng của 3 con trai của bà, khi thấy bà một mình rong ruổi khắp nơi trên xe gắn máy. Dù rất lo lắng nhưng các con của bà cũng không thể ngăn cản được nhiệt huyết trong công việc mà mẹ đang làm.

Chia sẻ với chúng tôi, nữ họa sĩ không muốn kể nhiều, kể cụ thể về những khó khăn, về công sức của bà đã bỏ ra trong suốt nhiều năm qua với công việc vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, vào ngày 27/7/2024, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ trao tặng bộ tranh ký họa Mẹ Việt Nam anh hùng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn