Chính trị - Xã hội

Những người kể sử - NSND Tâm Chính: Hơn 6 thập kỷ thăng trầm cùng xiếc Việt

Nhóm PV 16/08/2024 - 11:00 AM
NSND Tâm Chính là nữ giám đốc đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm này của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Bà đã có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam (từ năm 1987 đến năm 2004). Sau khi nghỉ chế độ, bà trở thành Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam từ năm 2004 đến nay.

Hơn 60 năm gắn bó với xiếc Việt, NSND Tâm Chính là người hiểu rất rõ về lịch sử và những thăng trầm của ngành xiếc Việt Nam, từ khi mới thành lập cho đến những bước trưởng thành gắn với lịch sử phát triển của đất nước, từ những nỗ lực khẳng định vị trí của xiếc trên sân khấu nước nhà đến nâng tầm xiếc Việt trên trường quốc tế.

NSND Tâm Chính cho biết: "Buổi ban đầu của ngành Xiếc Việt Nam chỉ có khoảng chục người, gọi là nhóm xiếc, gánh xiếc cũng được, do cố NSND Tạ Duy Hiển tập hợp. Những ngày đầu, đội xiếc chưa lớn mạnh, hoạt động tự cung tự cấp, chưa có trả lương cho anh em mà mọi người tham gia hoàn toàn tự nguyện. NSND Tạ Duy Hiển là người yêu thú, đã kêu gọi những người yêu thú, yêu xiếc thành lập đội xiếc và cụ chính là một trong những người "khai sinh" ra ngành Xiếc hiện nay. Có thể nói, từ Đội Xiếc Thống Nhất mà cố NSND Tạ Duy Hiển thành lập năm 1956, Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương năm 1959 và chính thức có tên gọi Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 1978 là một chặng đường dài của ngành Xiếc.

Hơn 6 thập kỷ kể từ khi thành lập, đến nay ngành Xiếc Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo NSND Tâm Chính: "Liên đoàn Xiếc Việt Nam là lá cờ đầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đứng đầu cả số buổi diễn và doanh thu. Các thế hệ lãnh đạo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều nỗ lực cố gắng đổi mới, chinh phục khán giản, từ tôi cho đến các giám đốc kế cận là Vũ Ngoạn Hợp, Tạ Duy Ánh, Tống Toàn Thắng. Chúng tôi không chỉ phát triển kỹ thuật xiếc mà đưa nội dung vào xiếc, kể những câu chuyện hấp dẫn khán giả trên sân khấu xiếc. Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng yếu tố dân tộc, đưa văn hóa Việt vào xiếc thông qua âm nhạc, trang phục, sân khấu… Chính vì thế, xiếc Việt có được màu sắc riêng biệt, khẳng định được mình ở tầm cao, giành được nhiều giải thưởng lớn quốc tế".

Nói về những khó khăn của phụ nữ theo nghiệp xiếc, NSND Tâm Chính cho biết: "Xiếc là một nghề vô cùng khắc nghiệt, với nam đã rất khó khăn, với nữ càng khó khăn gấp nhiều lần. Xiếc đòi hỏi phải có thể lực, phải tập luyện với cường độ cao. Phụ nữ mang thai, sinh đẻ phải mất khoảng 2 năm mới có thể quay lại tập, xương khớp sẽ rất đau đớn. Với tiết mục giúp mình thành danh "Cô hàng giải khát", tôi cũng từng phải chịu rất nhiều tai nạn nghề nghiệp, hiện vẫn để lại sẹo ở tay và mặt. Có những người không may gặp tai nạn nghề nghiệp nặng như nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hoàn bị chấn thương cột sống, liệt tủy, phải ngồi xe lăn. Chị em nghệ sĩ xiếc nếu lấy chồng trong nghề còn có thể hiểu, thông cảm cho nhau, còn lập gia đình với người khác nghề thì hầu như không thể tiếp tục làm nghề, bởi ít ai chấp nhận vợ mình làm công việc nguy hiểm, lại liên tục đi công tác. Ngành Xiếc tuổi nghề ngắn ngủi là vậy, rất cần được ưu tiên, đặc biệt là chị em phụ nữ. Chẳng hạn như trong việc xét tặng danh hiệu, cũng nên được giảm bớt tiêu chí, khi mà các ngành khác có rất nhiều NSND còn ngành Xiếc suốt hơn 60 năm qua chỉ có mỗi mình tôi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn