pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử - Thanh niên xung phong Tháng 8 Thủ đô: Chung tay xây dựng Điện Biên đẹp giàu
Bà Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1943, ở Hà Nội) nhớ lại: "Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Đoàn, năm 1963, hàng nghìn thanh niên Thủ đô chúng tôi là những học sinh vừa tốt nghiệp lớp bảy, lớp mười hừng hực khí thế ghi tên xung phong tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc có những câu thơ như nói hộ lòng chúng tôi "Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường/Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương/Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn". Tôi không bao giờ quên buổi sáng lịch sử ngày 15/8/1963, tại Quảng trường Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô), hàng ngàn thanh niên Thủ đô đã lên đường tỏa đi khắp nơi của Tổ quốc. Riêng Đoàn Điện Biên chúng tôi gồm 51 người, trong đó có 11 nữ, vì lý do đường sá không thuận lợi nên phải hoãn lại đến ngày 20/9 mới xuất quân…
Hòa mình trong đội quân đi xây dựng vùng kinh tế mới, chúng tôi lên Nông trường Điện Biên Phủ, biên chế vào các tổ, đội sản xuất. Hàng ngày, ngoài việc lao động xây dựng nông trường, chúng tôi còn tham dạy bổ túc văn hóa cho đồng bào các dân tộc, bộ đội và TNXP trong đơn vị. Chúng tôi cũng gây dựng, thành lập các đội "Văn nghệ xung kích", thường xuyên biểu diễn để động viên phong trào, khích lệ tinh thần lao động hăng say của công nhân nông trường.
Nhớ hồi mới lên, nhìn thấy chúng tôi, ai cũng bảo "người chúng nó xanh rớt thế thì làm gì nổi". Nhưng rồi, với ý chí và quyết tâm bảo vệ danh dự, xứng đáng là thanh niên Hà Nội, chúng tôi không nề hà bất cứ việc gì, từ nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, trồng và chăm bón, thu hoạch cà phê, chăn nuôi gia súc gia cầm… Nhiều hôm đi làm về, bàn tay phồng rộp, da cháy nắng, ăn uống kham khổ nhưng không một ai kêu than vất vả mà luôn vui vẻ, hăng say lao động. Mỗi tháng, nhóm TNXP Hà Nội chúng tôi lại gặp nhau 1 lần để chia sẻ, động viên, thể hiện quyết tâm cùng nhau phấn đấu. Từ những chàng trai cô gái Hà Nội, trong đó có nhiều bạn là con nhà tư sản vốn quen được nuông chiều, không biết làm gì sau một thời gian rèn luyện, đã trở thành những nông dân thực thụ.
Với phương châm "lấy nông trường làm nhà, Điện Biên làm quê hương", chúng tôi đã gắn bó với nơi này, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Khi đăng ký đi TNXP lên nông trường, thời hạn của chúng tôi là 3 năm, sau đó có thể trở về Thủ đô tiếp tục học tập, làm việc, xây dựng gia đình. Nhưng vì coi Điện Biên là quê hương nên nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi đã lấy đây làm mảnh đất lập thân, lập nghiệp. Nhiều cặp đôi đã nên duyên từ nông trường, sinh con, gây dựng tương lai trên mảnh đất lịch sử này. Bản thân tôi cũng gắn bó với nông trường suốt 20 năm, 3 người con của tôi đều được sinh ra, học cấp 1, 2 ở Điện Biên. Kể cả khi chồng tôi được phân về Hà Nội học tập và công tác nhiều năm, một mình tôi vẫn vừa làm ở nông trường, vừa một mình chăm lo cho các con. Năm 1983, sau 20 năm gắn bó với nông trường, vì điều kiện gia đình, việc học tập của các con, tôi mới chuyển công tác về Hà Nội.
Trong số 51 TNXP Thủ đô lên xây dựng, kiến thiết Điện Biên ngày ấy, giai đoạn Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, bắn phá Điện Biên, có những đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.
Năm tháng qua đi, sau này, nhiều người trong đội TNXP chúng tôi ngày ấy được tiếp tục kỹ sư, giảng viên, giáo sư, cán bộ trong các cơ quan Nhà nước. Mỗi lần gặp gỡ, ôn lại truyền thống lực lượng TNXP, chúng tôi đều biết ơn những năm tháng được tôi luyện từ phong trào xây dựng nông trường Điện Biên. Chúng tôi luôn tự hào về những năm tháng thanh xuân rực rỡ góp phần xây dựng Điện Biên nói riêng, đất nước nói chung ngày một đẹp giàu, phát triển".