Chính trị - Xã hội

Những người Kể sử - Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc: Một thời hào hùng của 500 cô gái "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"

Nhóm PV 18/05/2024 - 08:26 PM
Cách đây hơn 50 năm, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 500 nữ thanh niên của tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) đã xung phong lên đường đánh Mỹ, lấy tên là Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc. Đây là tiểu đoàn nữ tình nguyện đầu tiên của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong không khí kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh TP Hà Nội, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, đã chia sẻ ký ức hào hùng một thời:

“Ngày 7/1/1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây có Nghị quyết số 42-NQ/TU về việc tăng cường lãnh đạo hoàn thành công tác tuyển quân. Theo lệnh của Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Tây thành lập một tiểu đoàn nữ chiến sĩ tình nguyện sẵn sàng lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin đó lan nhanh, nhiều chị em viết đơn tình nguyện đi chiến đấu, nhiều người xung phong mặc dù chưa đủ tuổi, đủ cân. Gia đình tôi khi đó có 6 người tham gia sự nghiệp chống Mỹ cứu nước nhưng vẫn động viên con cháu sẵn sàng lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc… 

Công tác khám tuyển được tiến hành khẩn trương. Hơn 500 chị em thuộc 14 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây đã có lệnh nhập ngũ ngày 25/5/1971. Chục ngày sau, mọi người nô nức đổ về xã Hòa Thạch, Quốc Oai, để hội quân. Sự kiện này vô cùng đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên có cuộc hội quân của toàn thể tân binh là nữ. Trong lễ ra mắt, Tiểu đoàn vinh dự mang tên “Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc”. 

Những người Kể sử - Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc: Một thời hào hùng của 500 cô gái "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"- Ảnh 1.

Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc

Sau nhiều tháng khổ luyện, ngày 27/9/1971, lễ chia tay diễn ra đầy xúc động với tình cảm mến thương, bịn rịn của các bà, các mẹ, các chị. Các đồng chí lãnh đạo cũng lên tàu để động viên các nữ tân binh. Ngay trong đêm 27/9/1971, đoàn tàu thẳng tiến vào chiến trường. Đến Vinh (Nghệ An), tàu không đi được vì sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Đoàn tiếp tục hành trình đi bộ vào Trường Sơn. Sau 6 ngày hành quân, vượt qua sông Gianh, về Cự Nẫm, dọc theo Đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi đến những dãy núi đầu tiên của dải Trường Sơn. Đến Trạm 5, Đường dây 559 (Đoàn 559), chúng tôi chia tay nhau. Lễ chia tay ngắn ngủi nhưng đầy cảm động. Sau đó, chúng tôi tỏa về các hướng, các nhánh, về sư đoàn bộ và các đơn vị: Công binh, giao liên, kho, trạm thông tin, trạm xá… để nhận nhiệm vụ mới. 

Đến bây giờ hồi tưởng lại, chúng tôi không hiểu làm sao có thể vượt qua những ngày tháng gian khổ đó. Sợ nhất là những cơn mưa rừng. Mùa mưa, mưa triền miên, chúng tôi phải dầm mưa, ngâm nước, lội bùn suốt ngày. Rồi đói cơm, nhạt muối, muỗi rừng, ruồi vàng, đỉa, vắt, những ngày “đến tháng” thiếu vật dụng cá nhân, hầu hết chị em mắc sốt rét ác tính. Những gương mặt hồng hào không còn nữa, tóc rụng dần, da dẻ chúng tôi đều tái xám… Chưa kể bom đạn dội xuống mỗi ngày. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn vượt lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Có chị được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường. Bản thân tôi năm 1973 được học cảm tình Đảng, sau đó năm 1974, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đó là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của tôi.

Trở về từ chiến tranh, sức khỏe của chị em phần nhiều bị sa sút, ốm đau nhưng nhiều chị đã vươn lên, trở thành doanh nhân, nhà quản lý, giáo viên, bác sĩ. Vẫn còn đó những chị em khó khăn nhưng chúng tôi luôn tự hào là người lính Trường Sơn, người chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc hào hùng một thời”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn