pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử: Tự hào về những nữ thợ dệt Anh hùng
Bà Phạm Thị Liên, Anh hùng Lao động, nguyên Phó Giám đốc Nhà máy Dệt thuộc Liên hợp Dệt Nam Định, đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII chia sẻ về ký ức không thể quên này.
"Tất cả vì miền Nam ruột thịt"
Bà Liên kể: "Tháng 3/1959, bố tôi - một công nhân Nhà máy Dệt Nam Định thuộc Liên hợp Dệt Nam Định - mất. Gia đình tôi khi đó chỉ còn mình mẹ là trụ cột nên gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tôi mới 14 tuổi nhưng xét thấy hoàn cảnh gia đình tôi, Công đoàn Nhà máy đã nhận tôi vào phụ việc tại Nhà máy.
Được làm việc tại Nhà máy là mơ ước của cuộc đời tôi. Tôi yêu tiếng nói tiếng cười của những người thợ dệt, tiếng thoi đưa từ những ngày còn nhỏ mang cơm vào Nhà máy cho bố. Vì thế, tôi làm việc rất hăng say bất kể việc gì các cô bác anh chị cần tôi giúp và không ngừng tự học hỏi. Chỉ 2 năm sau đó, tôi đã trở thành công nhân trực tiếp đứng máy. Tôi được giao đứng 9 máy của Thụy Sĩ. Ngay năm đầu đứng máy, tôi đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Những năm 1963, 1964, các phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt", thi thợ giỏi, vượt Kế hoạch trước thời hạn… của Nhà máy diễn ra vô cùng sôi nổi. Nhà máy quyết định đưa sản lượng lên gấp 3 lần so với năm 1956 khi mới khôi phục lại Nhà máy. Các phong trào thi đua đã lôi cuốn toàn thể cán bộ, công nhân Nhà máy tham gia. Kết quả, có 16 tổ đạt Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa. Hàng trăm tổ đạt Tổ lao động tiên tiến. Hàng trăm cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Trong số cá nhân đạt danh hiệu thi đua đó có trên 80% là nữ.
Năm 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc. Nhà máy Dệt Nam Định là một trong những cơ sở công nghiệp là trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Với tinh thần chiến đấu cao, các cán bộ, công nhân viên Nhà máy Liên hợp Dệt vẫn trụ vững trong phong trào "Tay thoi, tay súng", "Tay búa, tay súng", "Đội bom mà sản xuất", "Địch đánh ngày ta sản xuất đêm", "Địch đánh cả đêm ta sản xuất cả ba ca"… Phong trào "Ba đảm đang" do Hội LHPN phát động được nữ công nhân Nhà máy hưởng ứng sôi nổi nhằm thay thế nam giới lên đường vào chiến trường "chia lửa" với nhân dân miền Nam. Tất cả nữ thanh niên đều tham gia vào đội tự vệ bảo vệ, sơ tán máy móc đến nơi an toàn, đảm bảo vừa sản xuất vừa chiến đấu. Ngày đó, Nhà máy chúng tôi còn bắn rơi máy bay, bắt sống 1 phi công Mỹ.
Những năm sau đó, với quyết tâm vượt 1 triệu mét vải ngoài Kế hoạch của Nhà máy, chúng tôi say sưa làm việc không quản ngày đêm, xung phong vào Đội xung kích tăng ca, ăn ở ngay trong Nhà máy, quyết không để Nhà máy dừng, gián đoạn sản xuất. Chuyện tăng ca là việc làm thường xuyên. Có hôm làm thêm ca, Nhà máy báo có mặt lúc 4h sáng thì 3h30 chúng tôi đã có mặt để đến 4h có điện là chạy máy được ngay. Có những ca đêm làm từ 6h tối đến 6h sáng, nhiều hơn ca thông thường 4 tiếng. Ước tính 1 người thợ dệt đứng 12 máy trong 12 tiếng là đi bộ khoảng 30 - 40km. Sau mỗi ca như vậy, chân tay, cơ thể rã rời nhưng chúng tôi rất vui vì mình đóng góp được một phần cho đất nước.
Cái nôi của ngành dệt Việt Nam
Liên hợp Dệt Nam Định có số lượng cán bộ, công nhân lớn, có thời điểm lên tới 14.000 người, phân bổ ở 14 nhà máy, đơn vị thành viên, trong đó Nhà máy Dệt và Nhà máy sợi là đông nhất, trong đó những người thợ đứng máy hầu hết là nữ. Với số lượng cán bộ, công nhân nhiều như vậy nên Nhà máy ảnh hưởng mọi mặt đến thành phố Nam Định. Thời đó, thành phố Nam Định được mệnh danh là "Thành phố dệt Anh hùng". Nhà máy Dệt được coi là cái nôi của ngành Dệt Việt Nam.
Cũng vì lý do đó mà Nhà máy luôn có nhân sự được bầu làm đại biểu Quốc hội. Tôi được bầu vào Quốc hội các khóa V, VI, VII. Là đại biểu Quốc hội, tôi cảm thấy trách nhiệm rất lớn. Tôi luôn học hỏi, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu chế độ, điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân Nhà máy. Xuất phát điểm từ một công nhân đứng máy, sau đó là tổ trưởng tổ sản xuất, rồi làm cán bộ quản lý, tôi hiểu rất rõ đặc thù của Nhà máy. Công nhân phải làm việc trong môi trường rất bụi, nhiệt độ cao, những ngày nắng nóng lên đến 38-40 độ C, mỗi ngày chạy máy tương ứng với đi bộ 30-40 cây số, bên cạnh đó là tiếng ồn đinh tai nhức óc, chế độ ca kíp…, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của công nhân, nhất là các bà mẹ mang thai, có con nhỏ.
Tôi có lần tham luận ở Quốc hội. Cả hội trường rất đồng tình, chăm chú lắng nghe. Sau khi tôi tham luận xong, bác Phạm Văn Đồng đã ôm tôi và nói: "Con nói rất hay, rất trúng ý của công nhân". Sau đó, tôi theo dõi thì thấy có sự thay đổi: Nhà máy được trang bị thêm các trang thiết bị để giảm nhiệt, giảm tiếng ồn. Các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ không phải làm ca đêm. Những công nhân bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn được khám bệnh để hưởng chế độ lương, phụ cấp suốt đời".
Trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân tiêu biểu được tuyên dương "Đôi bàn tay vàng", Anh hùng Lao động, trong đó có các nữ Anh hùng Lao động: Vũ Thị Tú, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Thạc, Đào Thị Hào…