Những người lưu giữ ký ức tuổi thơ mùa Trung thu

07/09/2019 - 07:55
Tại khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng có hàng chục cơ sở hành nghề sản xuất bộ đồ “múa Lân” phục vụ Tết Trung thu cho các em thiếu niên, nhi đồng.
nhung-nguoi-luu-giu-ky-uc-tuoi-tho-6.JPG
Các em học sinh trang trí đầu lân.

 

Chúng tôi đến tham quan cơ sở sản xuất “đầu lân” có tên “Mai Vàng- Song Lân Hội” ở thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Vừa phun sơn cho một đầu Lân, anh  Mai Văn Vàng (52 tuổi), chủ cơ sở “chế tác” đầu lân cho hay, nguyên do anh đến với nghề này là từ thời thơ ấu, anh đã đam mê trò chơi múa Lân. Anh thường theo các bậc đàn anh trong thôn, xóm đi múa Lân trong vùng nhân dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên Đán. Giờ đã U50 rồi, nhưng cứ nghe tiếng trống ếch rộn ràng là tôi lại muốn đi múa lân đón Trung thu cùng các cháu. Ngoài ra, do đầu Lân các nơi khác sản xuất, tuy có đẹp nhưng không phù hợp với thị hiếu của người dân miền Trung nên cách đây 20 năm, anh mở cơ sở sản xuất này với tổng số vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng. Với nghề này, cơ sở của anh có việc làm quanh năm cho nhiều người, nhất là các em học sinh trong kỳ nghỉ hè.

Hằng năm, cứ sau mùa Trung thu năm trước, anh bắt đầu mua các vật tư, giấy, sơn, vải… để bắt đầu sản xuất bộ đồ múa Lân cho mùa Trung Thu năm sau. Bán các sản phẩm ra thị trường, cơ sở của anh thu về số tiền là 500 triệu đồng. Sau khi trừ 300 triệu chi phí cho nguyên liệu (trong đó có khoảng 100 triệu trả công cho các em học sinh), mỗi năm cơ sở lãi được 200 triệu đồng.

Hiện nay, cơ sở sản xuất các loại đầu Lân, ông Địa, Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới… với 14 loại mẫu mã khác nhau. Chỉ riêng về đầu Lân có 10 kích cỡ và mẫu mã. Loại đầu Lân nhỏ nhất (loại 1) dành cho trẻ từ 3 – 4 tuổi “múa chơi” có giá khoảng 60.000 đồng/bộ. Loại đầu Lân lớn nhất (loại 10) có giá 700.000 đồng/bộ. Ngoài ra, có loại đầu Lân đặc biệt khi khách đến đặt hàng theo yêu cầu thì có giá 2 triệu/đầu Lân, tính cả bộ là 3 triệu đồng. Đặc biệt, có những cái đầu lân “cách điệu” làm theo yêu cầu của khách hàng có giá 5 triệu đồng/cái. Mỗi ngày cơ sở sản xuất đầu Lân loại nhỏ là 50 chiếc, loại lớn 10 chiếc. Mùa Lân 2019, cơ sở anh Vàng dự trù bán ra thị trường khoảng 15.000 bộ lân, trong đó có 9.000 bộ cho thanh niên và 6.000 bộ cho thiếu niên, nhi đồng. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là miền Trung và Tây Nguyên, có một số đầu Lân theo chân khách du lịch đến Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và cả nước ngoài.

nhung-nguoi-luu-giu-ky-uc-tuoi-tho-4.JPG
Anh Mai văn Vàng giới thiệu một đầu Lân.

 

Anh Vàng cho biết thêm, trong mỗi mùa hè, cơ sở của anh có gần 50 em học sinh, sinh viên trong vùng đến vừa học vừa làm với niềm vui đam mê nghệ thuật làm lân và múa lân. Ngoài ra, cơ sở luôn có 7 lao động trong thôn thường xuyên làm việc lúc nông nhàn. Chị Thân Thị Kim Mai (48 tuổi, vợ anh Vàng) cũng có tay nghề khá cao, hằng ngày chị phụ trách khâu tiêu thụ sản phẩm và hướng dẫn nghề cho các em học sinh.

Anh Vàng cho hay, với nghề này, “thầy trò” anh thỏa mãn được niềm đam mê, sở thích đồng thời anh rất vui vì đã mang công việc đến cho các em trong kỳ nghỉ hè, góp một phần nhỏ giúp cho các em học sinh phát huy năng khiếu, đồng thời có thêm thu nhập trang trải việc học hành, mà lại tránh xa được các thói hư tật xấu ngoài xã hội như đá banh ngoài đường, mê chơi game… trong những tháng nghỉ hè”. Thêm vào đó các em học sinh nghèo có tiền mua sắm đồ dùng học tập, mua xe đạp để đến trường trong năm học mới…

Hằng năm, vào dịp Tết Trung Thu, cơ sở của anh xuất 2 bộ Lân “đặc biệt” nhằm múa biễu diễn cho trẻ em khuyết tật ở huyện nhà xem, bởi vì đa số các em ngoài làm Lân đẹp ra, múa Lân cũng rất điệu nghệ. Ngoài ra, hằng năm cơ sở của anh xuất bán khoảng 50 đầu lân cho trẻ em quanh vùng với giá vốn để các em có điều kiện mua sắm lân vui chơi. Điều đáng hoan nghênh, cơ sở sản xuất đầu lân của anh Vàng, không dùng sơn dầu hay kim tuyến sơn lên ông địa trên những bộ lân dành cho thiếu nhi và nhi đồng nhằm bảo vệ sức khỏe cho các em.

 Trao đổi với chúng tôi về đầu Lân, một khách hàng cho hay: “Những đầu Lân mà cơ sở “Mai Vàng” sản xuất ra rất phù hợp với thị hiếu người miền Trung bởi vì các mẫu mã với những hoa văn, họa tiết có tính cách điệu, trẻ trung, trông rất sinh động do cơ sở luôn thay đổi mẫu mã để những đầu Lân, đầu ông Địa luôn được mỹ quan, nghệ thuật và không bị “lạc hậu”.

“Vào mùa làm lân, vợ chồng chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng  đến 1 giờ khuya. Trong 15 ngày cao điểm của “mùa lân”, chúng tôi phải thức tới 3 giờ sáng. Có đêm thức trắng để làm cho kịp bàn giao hàng cho khách đúng thời gian. Mình phải giữ chữ tín để khách hàng tin tưởng...”- Anh Vàng tâm sự.

nhung-nguoi-luu-giu-ky-uc-tuoi-tho-1.JPG
Ông Cư đang đứng bên những đầu ông Địa.

 

Mấy hôm sau, chúng tôi đến tham quan “lò lân” của ông Nguyễn Văn Cư (K235/28-Tiểu La, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) với căn nhà rộng chưa đầy 16 m2 nhưng chứa đầy đầu lân, mặt nạ, quạt mo... Đó là một trong những lò lân hiếm hoi ở Đà Nẵng.

Vừa “chỉnh trang” cho một đầu Lân, ông Cư cho hay,  ông đến với nghề này là từ thời thơ ấu do ông cha truyền lại. Đến nay có hơn thâm niên 50 năm gắn bó với nghề làm đầu lân và xem đó là một niềm đam mê gìn giữ và phát triển thương hiệu đầu lân truyền thống. Ngày xưa, lò lân của tôi còn làm cả mặt nạ, các loại đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn ông sao và cả quạt mo theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Để sản xuất đầu lân vào dịp Trung thu mỗi năm, ông và gia đình phải chuẩn bị và bắt đầu tạo những khuôn hình đầu tiên từ lúc kết thúc dịp Tết Nguyên Đán đến tận tháng 8. Trung bình một chiếc đầu lân lớn ông mất khoảng 5 đến 7 ngày. Điều đặc biệt là tất cả những công đoạn sản xuất đầu lân đều được làm bằng thủ công từ khâu tạo hình, làm sườn, tô sơn, phủ kim tuyến...Chính vì được sản xuất thủ công nên độ bền của những đầu lân truyền thống của lò lân A Cư sử dụng đến 2 mùa, nếu biết bảo quản thì có thể giữ được lâu hơn.

“Đầu lân của mỗi miền đều có những đặc trưng và cách tạo hình riêng, tuy nhiên điều quan trọng nhất là đôi mắt của lân. Người nghệ nhân phải làm sao đó để tạo được đôi mắt lân vừa có hồn vừa toát lên được sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Tạo hình đôi mắt đó chính là khâu quan trọng nhất và khó nhất của người nghệ nhân làm đầu lân. Sản phẩm đầu lân của lò lân của gia đình tôi chủ yếu được tiêu thụ bằng đơn đặt hàng của các bạn hàng quen thuộc lâu năm, các đội lân trong và ngoài thành phố. Mặt khác, ông còn ký gửi tại các cửa hàng tạp hóa để tiêu thụ...”, ông Cư cho biết.

Hằng năm, cứ sau mùa Trung thu năm trước, ông Cư bắt đầu mua các vật tư, giấy, sơn, vải… để bắt đầu sản xuất bộ đồ múa Lân cho mùa Trung Thu năm sau. Hiện nay, lò lân của ông Cư sản xuất các loại đầu Lân, đầu các ông Địa, Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới với nhiều loại mẫu mã khác nhau. Chỉ riêng về đầu Lân có nhiều kích cở và mẫu mã. Loại đầu Lân nhỏ nhất (loại 1) dành cho trẻ từ 3 – 4 tuổi “múa chơi” có giá khoảng 50.000 đồng / bộ. Loại đầu Lân lớn nhất (loại 10) có giá 700.000 đồng-800.000 / bộ. Ngoài ra, có loại đầu Lân đặc biệt khi khách đến đặt hàng theo yêu cầu thì  có giá cao hơn.

nhung-nguoi-luu-giu-ky-uc-tuoi-tho-3.JPG
Chị Thân Thị Kim Mai giới thiệu một đầu lân “cách điệu”.

 

Những năm trở lại đây, thương hiệu đầu lân truyền thống cần đầu tư tỉ mỉ và đòi hỏi sự sáng tạo dần bị lép vế bởi sự lấn sân mạnh mẽ của những loại đầu lân có xuất xứ từ Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt thu hút người mua và giá thành thấp. Mặt khác, theo ông Cư, nghề này giống như đánh bạc với trời, bởi nếu Trung thu mà trúng ngày mưa là coi như thất bại thảm hại. Song, với nghề “cha truyền con nối” ông vẫn bám nghề đến bây giờ, chuyện lời lãi không đặt nặng.

“Hiện nay tôi đã ngoài 60 tuổi rồi, tay không khỏe, mắt không còn nhìn rõ nhưng tôi vẫn vẫn miệt mài với căn nhà bề bộn xếp đầy đầu lân, mặt nạ... Và cứ đến mùa Trung thu, vẵng nghe tiếng trống ếch rộn ràng đầu con phố lòng tôi lại bâng khuân nhớ về những mùa lân lúc tuổi còn thơ...”- Ông Cư tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm