Những người phụ nữ 'hồi sinh' cho rác thải

11/07/2018 - 08:45
Theo thống kê của Tổ chức Care Quốc tế, 80% người tị nạn ở Syria đang sống dưới mức nghèo khổ. Thế nhưng, họ tích cực tham gia dự án Thu thập và tái chế rác thải của tổ chức “Hành động chống lại sự đói nghèo” không chỉ giúp hòa nhập vào cuộc sống mới mà còn tăng thu nhập gia đình.

Biến rác thải thành những vật dụng hữu ích 

Bà Sameera Al Salam (55 tuổi) gấp một mảnh giấy báo cũ theo chiều dọc rồi dùng tay uốn cong chúng lại để tạo thành một vòng tròn rắn chắc. Từ những vòng tròn như thế, bà sẽ làm nên những chiếc túi xách hay khay để đồ.

a1.jpg
Làm việc cùng nhau là cách tốt nhất để phụ nữ tị nạn hòa nhập vào cuộc sống mới

 

Trước khi rời khỏi Syria đến Irbid, miền Bắc Jordan tị nạn, bà vốn là một thợ làm tóc với niềm đam mê sáng tạo, làm đẹp cho cuộc sống. Bà có một cuộc sống hạnh phúc với người chồng là công nhân xây dựng và hai đứa con ngoan. Thế rồi, khi quân đội Syria đến chiếm đóng ở gần đó, tên lửa của họ đã xuyên qua căn nhà bà khiến cho cả gia đình phải dắt díu nhau đi lánh nạn. Khi đến Jordan, chồng bà chẳng may bị tai biến không làm việc được. Bà trở thành trụ cột của gia đình giữa nơi xứ lạ quê người, cuộc sống vô cùng khó khăn. 

Theo thống kê của tổ chức Care Quốc tế, 80% người tị nạn ở Syria đang sống dưới mức nghèo khổ. Cũng như bà Salam, cô Awsaf Qaddah cũng là 1 trong 1.200 thành viên đang tham gia dự án Thu thập và tái chế rác thải của tổ chức “Hành động chống lại sự đói nghèo”. 

Awsaf Qaddah (39 tuổi) cho biết: “Ban đầu cô cảm thấy xấu hổ khi phải đi nhặt rác nhưng sau đó cô cảm thấy tự hào vì cô có thể tự làm việc để nuôi sống gia đình khi chẳng có ai giúp đỡ. Có người thấy cô nhặt rác thì buông lời đùa cợt khiếm nhã, cô đã nói: “Tôi tự làm việc nuôi sống mình, chứ đâu có ngửa tay xin tiền người khác mà cười nhạo tôi”. Thế là họ phải xin lỗi cô. 

Việc thu gom và tái chế rác có thể giúp cuộc sống của những người tị nạn dần dần thay đổi, giúp họ tự tin hơn trong việc hòa nhập vào cuộc sống mới. Các thành viên tham gia dự án này được ký hợp đồng khoảng 50 ngày, mỗi ngày được trả công khoảng 17 USD. Bên cạnh đó, họ cũng được tham gia các khóa đào tạo và hưởng các chính sách an sinh xã hội khác.

 

Chắt lọc niềm vui từ việc “làm sạch” rác 

Zoubi, một thành viên khác trong dự án cho rằng: “Tham gia dự án này, tôi rất vui. Khi  bắt tay vào làm việc, tôi quên hết mọi ưu phiền”. Zoubi đã không gặp lại chồng mình từ năm 2012 kể từ khi quê nhà cô bị quân đội Syria chiếm đóng. Việc một mình dắt díu 5 đứa con thơ đến tị nạn ở một nơi xa lạ luôn là nỗi bất an trong tâm thức người mẹ trẻ. 

Song dự án này đã giúp cô tự tin hơn: “Trước đây, tôi ít khi ra ngoài, gặp gỡ, trò chuyện với người khác. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia dự án này, tôi đã thay đổi. Tôi không còn sợ nữa mà rất thích hòa nhập với mọi người ở đây. Họ cho tôi cảm giác như đang sống chung với anh em một nhà”. 

“Tổ chức Hành động chống lại sự đói nghèo” đã thực hiện dự án rác thải từ tháng 2/2017 với nguồn tài trợ của Chính phủ Đức. Ban đầu, chỉ có 15 người đăng ký tham gia. Đến nay, số người tham gia đã tăng lên đến 1.200 người. Hiện nay, họ đang tập trung vào giai đoạn 2: Tổ chức các hợp tác xã để công nhân xử lý rác thải và tái chế chúng thành vật dụng hữu ích. Phân nửa số người tham gia công việc này là phụ nữ Hồi giáo. 

Họ đã quen sống chung với tập tục giám hộ của những người đàn ông và không được khuyến khích ra ngoài xã hội để làm việc. Thế nhưng, cảnh chạy loạn khiến cuộc sống họ thay đổi, cứ 3 gia đình ở nơi tị nạn thì có 1 gia đình chỉ có phụ nữ làm trụ cột duy nhất. Do vậy, họ rất cần một công việc để nuôi sống gia đình. 

Bà Sajeda Saqallah, quản lý dự án cho biết: “Đầu tiên, dự án chúng tôi tập trung vào việc giúp phụ nữ vượt qua những trở ngại về văn hóa để hòa nhập cộng đồng. Những người phụ nữ trong dự án cũng có cơ hội gặp gỡ nhau thường xuyên hoặc có thể cùng chia sẻ ý tưởng, tin tức với nhau thông qua một ứng dụng di động. Kế đến là giúp họ có một công việc và thu nhập để trang trải cuộc sống của họ ở trại tị nạn. 

Dù lòng vẫn không thôi thương nhớ cuộc sống bình yên nơi quê nhà trong những ngày tháng cũ; tuy nhiên, công việc tái chế rác thải đã cuốn bà Salam đi với niềm vui mới, giúp bà vơi đi phần nào nỗi đau ly tán trong cảnh loạn lạc chiến tranh. Bà hy vọng sau khi tham gia lớp đào tạo về tiếp thị và thương hiệu, bà sẽ tiếp tục được ký tiếp hợp đồng với tổ chức “Hành động chống lại sự đói nghèo”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm