pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người phụ nữ miệt mài “chở” yêu thương đến cộng đồng
Ca sĩ Thủy Tiên trợ giúp người dân miền Trung trong đợt lũ lụt
"Mỗi ngày một quả trứng"
"Thương người" có lẽ chính là mệnh lệnh từ trái tim của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh và cộng sự dự án thiện nguyện "Mỗi ngày một quả trứng". Trong suốt thời gian qua, chính mệnh lệnh không lời ấy đã thắp lên ngọn lửa yêu thương giúp cho hàng ngàn trẻ em nghèo miền núi tiếp tục đến lớp hay người vô gia cư trong đại dịch Covid-19 có bữa ăn tươm tất, chỗ ở an toàn.
"Mỗi ngày một quả trứng" là dự án thiện nguyện của Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng (SCDI), bác sĩ Hải Oanh là người trực tiếp sáng lập dự án. Ban đầu, dự án hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh nghèo. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, quỹ mở rộng giúp đỡ người vô gia cư, những người nghèo, người lang thang, người bán vé số hay tàn tật…
Sở dĩ dự án có tên "Mỗi ngày một quả trứng" là vì năm 2017, bác sĩ Hải Oanh và cộng sự bắt đầu huy động sự đóng góp của những người hảo tâm để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em nghèo ở một xã miền núi vùng Tây Nguyên bằng việc cho trẻ mẫu giáo ăn mỗi ngày một quả trứng, bổ sung kịp thời protein cho trẻ. "Một quả trứng cung cấp một nửa lượng protein cần mỗi ngày cho trẻ em ở lứa tuổi này. Chúng tôi cũng khuyến khích các gia đình nuôi gà, lấy trứng để cho con cái ăn. Cái tên "Mỗi ngày một quả trứng" bắt đầu từ đó. Chúng tôi chọn cái tên đó vì dễ nhớ, giản dị, khiêm nhường, dễ thực hiện mà lại thể hiện sự bền bỉ, liên tục", bác sĩ Hải Oanh chia sẻ.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, dự án "Mỗi ngày một quả trứng" bắt đầu "chuyển hướng" giúp đỡ những người vô gia cư. Bác sĩ Hải Oanh cho biết: "Chúng tôi cũng nhận ra rằng Covid-19, cách ly xã hội đã khiến nhiều người mất thu nhập, trong khi họ không có tích luỹ, không có trợ giúp. Nhiều người vô gia cư bị đói lả trên đường phố, điều đó thôi thúc chúng tôi bắt đầu hoạt động phát bữa ăn cho họ, ở TPHCM và Hà Nội".
Bên cạnh hoạt động phát gói lương thực và nhu yếu phẩm cho những người dân nghèo, có nguy cơ thiếu đói, bác sĩ Hải Oanh và cộng sự còn hỗ trợ tiền thuê nhà cho các gia đình thuê trọ đứng trước nguy cơ buộc phải trả phòng vì nợ tiền lâu ngày. Ngoài ra, dự án của chị còn tìm cách hỗ trợ sau dịch như giúp đỡ người nghèo phục hồi lại sinh kế, hỗ trợ vốn nhỏ, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và cho trẻ tiếp tục đi học. Từng thành viên trong dự án đã đến gặp các hoàn cảnh, trao tận tay để hỗ trợ giai đoạn sau dịch. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa "Mỗi ngày một quả trứng" so với các hoạt động cứu trợ khác.
Đã có hơn 6.000 gia đình, gần 1.000 người vô gia cư nhận được hỗ trợ lương thực từ dự án, 183 trẻ từ các gia đình nghèo đã nhận được hỗ trợ về sách giáo khoa, học phí và thủ tục để bắt đầu năm học mới, 217 người được hỗ trợ tiền bạc và thủ tục để có thẻ bảo hiểm y tế, 140 gia đình được hỗ trợ vốn nhỏ để phục hồi sinh kế, 262 gia đình được hỗ trợ tiền thuê nhà từ 1-4 tháng trong và ngay sau dịch, 6 gia đình được hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa để đảm bảo chỗ ở an toàn lâu dài.
Tình người lung linh
Không chỉ riêng câu chuyện của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, còn rất nhiều gương phụ nữ có nhiều hành động đẹp, đậm tính nhân văn, cùng viết nên câu chuyện tình người lung linh giữa gian khó. Vì yêu thương là thứ cho đi mà không bao giờ mất.
Trong những tấm lòng "tương thân tương ái" đáng trân trọng có ca sĩ Thủy Tiên. Những ngày miền Trung gặp lũ lụt nghiêm trọng, ca sĩ Thủy Tiên đã đứng ra quyên góp, đồng thời có mặt tại trực tiếp tại các tỉnh miền Trung để trao tận tay những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ các món tiền do cộng đồng ủng hộ. Hành động của nữ ca sĩ được nhiều người khen ngợi. Trên trang facebook của mình, ngày 23/1/2020, nữ ca sĩ đã tổng kết: tổng số tiền quỹ miền Trung là hơn 177 tỷ đồng, số tiền mặt này đã được trao tận tay cho hơn 61.000 hộ dân với số người thực tế được giúp từ 120.000 - 200.000 người, tại 7 tỉnh miền Trung.
Thủy Tiên chia sẻ: "Tiên luôn nói với cộng sự là mình làm gì cũng phải để lại uy tín, vì uy tín của mình có thể giúp được rất nhiều người khổ. Mình phải cố gắng không phải vì bản thân mà còn vì nhiều người khác đang trông chờ vào sự giúp đỡ của mình nữa. Rồi 5 năm hay 50 năm sau, chẳng còn ai biết mình là ai và khi mình mất đi, tài sản mình không mang theo được gì ngoài những nghiệp tốt xấu mình đã làm".
Những hoạt động thiện nguyện không chỉ dừng lại ở các phụ nữ trẻ tuổi mà ngay cả người cao tuổi vẫn lặng thầm trao gửi yêu thương. Điển hình là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM). Dù đã 95 tuổi nhưng Mẹ vẫn tự tay may khẩu trang hỗ trợ người dân phòng chống dịch Covid-19. Ngoài may khẩu trang trong đợt dịch, suốt 21 năm qua, Mẹ Quýt vẫn đều đặn hằng ngày may chăn mền tặng các vùng khó khăn. Số chăn mền do Mẹ may tặng miễn phí đến nay là không thể đếm xuể. Cứ như thế, với tấm lòng của mình, những tấm chăn dù được gom ghép từ hàng trăm mẩu vải hay những chiếc khẩu trang được cắt từ những mảnh vải thừa đã thành hình rồi được chuyển đến tay người dân mà Mẹ chẳng cần nhận lại điều gì.
Và còn có rất nhiều tấm gương phụ nữ đang miệt mài lan tỏa điều tích cực đến cộng đồng như "nữ đại gia chân đất" Trần Thị Bích Thủy, chủ một doanh nghiệp (ở Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) đã góp 50 tấn gạo, ủng hộ các đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid-19; chị Phạm Thị Hương Giang, người thực hiện chương trình "Nhà chống lũ", xây dựng nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng lũ…
Trước thềm năm mới Tân Sửu, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ mong ước: "Mấy năm vừa rồi, gần như Tết nào mình cũng phải đi công tác nước ngoài. Tết năm nay chắc chắn là được ở nhà rồi. Mình sẽ dành thời gian quây quần với gia đình và viết đề xuất dự án. Mong là không có dịch bệnh hoặc thiên tai bất thường xảy ra, để mình có thể thực hiện dự định của Tết này".
Có lẽ, đây cũng chính là mong ước của tất cả những người phụ nữ làm thiện nguyện nói riêng và mọi người nói chung, mong một cái Tết không còn phải lo lắng dịch bệnh hay thiên tai, ở đó chỉ có tình người ấm áp và đong đầy.