pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những nguy cơ có thể gặp khi nam giới "gắn bi" dương vật
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp - Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - tư vấn về những vấn đề nam học Ảnh: Linh Nguyễn
Mới đây, một nam thanh niên 35 tuổi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám mong muốn gắn bi vào dương vật với lý do "cậu nhỏ" có kích thước khiêm tốn chỉ đạt 7cm khi cương cứng, đường kính cũng nhỏ điều này làm bệnh nhân cảm thấy tự ti mỗi lần gần gũi bạn tình. Với trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp (Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) tư vấn: Kích thước dương vật khi cương trung bình của đàn ông Việt là 11-12 cm. Về mặt bệnh lý, những trường hợp dương vật khi cương ngắn hơn 4-5cm thì mới cần điều trị. Tuy nhiên, nhu cầu về cuộc yêu của mỗi cặp đôi là khác nhau, nếu bệnh nhân muốn tăng kích thước dương vật thì vẫn có thể nhờ bác sĩ chuyên môn can thiệp được.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp, "gắn bi" là một thủ thuật khá đơn giản, tương đối an toàn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cụ thể chứng minh phương pháp này mang lại nhiều khoái cảm hơn cho nam giới và đối tác. Có thể việc "gắn bi" giúp tăng kích thước dương vật từ đó mang lại sự tự tin cho mày râu. Bên cạnh đó, gắn bi có thể kích thích một số đầu dây thần kinh nhạy cảm ở dương vật và âm đạo, tạo cảm giác mới lạ và dễ lên đỉnh hơn cho nam giới và đối tác. Tùy theo nhu cầu mà nam giới có thể lựa chọn vật liệu khác nhau như bi silicon, bi thủy tinh, bi sứ, bi dạng nhẫn, bi dạng xích… Dù chọn loại bi nào thì quá trình thực hiện thủ thuật này cũng cần đảm bảo vô trùng, đặt đúng vị trí, đúng lớp giải phẫu của dương vật và cố định tốt.
Lưu ý khi làm thủ thuật
Dù là thủ thuật không phức tạp, tuy nhiên bác sĩ Hiệp cũng khuyến cáo, nam giới khi có nhu cầu gắn bi nên chọn cơ sở chuyên khoa nam học uy tín để thực hiện, tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra như nhiễm trùng dương vật, thậm chí hoại tử dương vật do quá trình đặt bi không đảm bảo vệ sinh và vô khuẩn; thủng niệu đạo, gây rò nước tiểu sau mổ; cong vẹo dương vật, xơ hóa vật hang gây biến dạng dương vật do đặt bi không phù hợp kích thước, đặt bi sai vị trí; lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm do dụng cụ phẫu thuật không đảm bảo an toàn như HIV, viêm gan B, sùi mào gà, giang mai…
Chia sẻ thêm về những trường hợp thực hiện gắn bi không an toàn, bác sĩ Hiệp dẫn chứng: "Trong quá trình thăm khám và điều trị, tôi đã gặp nhiều trường hợp tìm đến bệnh viện để phẫu thuật tháo bi do nhiễm trùng. Điển hình như 1 trường hợp nam giới 24 tuổi, đến viện trong tình trạng sưng nề vùng dương vật, vết mổ vị trí đặt bi chảy dịch mủ nhiều. Khai thác tiền sử, bệnh nhân đã tiến hành đặt bi tại một phòng khám tư nhân trước đó 3 tuần, sau thủ thuật vết mổ không liền, ngày càng sưng nề, đau nhiều hơn và có nhiều dịch mủ thoát ra. Bệnh nhân sau đó đã được tiến hành vệ sinh vết mổ, tháo bỏ bi, trính rạch ổ mủ để điều trị".
Ngoài ra bác sĩ cũng lưu ý, nam giới mắc một số vấn đề sức khỏe sau cũng không nên thực hiện việc đặt bi vào dương vật:
- Mắc các bệnh lý về rối loạn đông máu như máu khó đông, khó cầm máu.
- Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp…
- Tiền sử dị ứng với các loại thuốc gây mê, gây tê.
- Đang mắc các bệnh lý viêm nhiễm tổn thương ở cơ quan sinh dục như giang mai, lậu, sùi mào gà, viêm bao quy đầu…
Nhu cầu làm đẹp các bộ phận trên cơ thể ngày nay không chỉ dừng lại ở nữ giới mà đàn ông cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, nam giới không nên tự ý tìm kiếm và làm theo các phương pháp lan truyền trên mạng xã hội để thay đổi kích cỡ, dẫn đến "tiền mất tật mang". Thay vào đó hãy đến các cơ sở chuyên khoa sâu về nam học để được thăm khám và tư vấn đầy đủ, tùy theo tình trạng của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên có nên tiến hành gắn bi hay không, cũng như lựa chọn phương pháp đặt bi phù hợp, mang lại hiệu quả và phòng tránh các biến chứng không đáng có về sau.