Những nguy cơ với phụ nữ cao tuổi mang thai và sinh con

Linh Trần
27/09/2022 - 16:17
Những nguy cơ với phụ nữ cao tuổi mang thai và sinh con

Bà N.T.K. (63 tuổi) bên đứa con mới chào đời

Các chuyên gia cho biết, độ tuổi mang thai đẹp nhất là 20-35 tuổi. Phụ nữ cao tuổi vẫn có thể mang thai và sinh con với sự hỗ trợ của các kỹ thuật "hỗ trợ sinh sản" nhưng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.

Mới đây, thông tin sản phụ N.T.K. (63 tuổi, trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) mang thai và sinh con khỏe mạnh khiến dư luận xôn xao. Bởi lẽ, đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang thai và sinh con đủ tháng, đủ ngày ở tuổi 63.

Bác sĩ Mai Quang Trung, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Phụ sản Thanh Hóa), cho biết, tháng 8/2020, vợ chồng bà K. đến BV thăm khám và bày tỏ ý muốn sinh con. Bà K. cho biết, bà chưa từng sinh nở dù lần nào đã nhiều lần mang thai. Tuy nhiên, trong những lần mang thai ấy, lần thì thai lưu, lần bị sảy thai và chửa ngoài tử cung... Vì vậy, đến nay vợ chồng bà vẫn chưa có con.

Các bác sĩ cho biết, tầm tuổi cao như bà rất khó mang thai. Bởi lẽ, với phụ nữ, dự trữ buồng trứng và nội tiết tố thời điểm này đều không thuận lợi cho việc có thai và mang thai. Nếu có mang thai, rất dễ xảy ra các nguy cơ, rủi ro và tỷ lệ thành công thấp dù thực hiện bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nhưng gia đình bà K. vẫn quyết tâm có con.

Bác sĩ cho biết, bà K. đã mãn kinh khoảng 15 năm nay, tử cung teo nhỏ, niêm mạc tử cung mỏng. Để hỗ trợ, các bác sĩ đã cho bà K. uống thuốc để tạo kinh trở lại, đồng thời tử cung tăng kích thước thì mới có thể chứa đựng được thai nhi.

Buồng trứng của bà K. cũng đã bị teo nhỏ, chức năng nội tiết, ngoại tiết sản xuất ra trứng không còn nên buộc phải xin trứng. Sau đó, các bác sĩ kết hợp với tinh trùng của người chồng tạo ra phôi. Sau 7 tháng, nội mạc tử cung của người vợ dày lên, các bác sĩ mới cấy phôi vào và bắt đầu quá trình mang thai. "Trong quá trình mang thai, nhiều lần bệnh nhân có dấu hiệu dọa sảy, dọa sinh non. Các bác sĩ phải truyền nội tiết tố từ bên ngoài vào cơ thể và các hỗ trợ khác", bác sĩ Trung chia sẻ.

Sau 9 tháng chờ đợi, cuối tháng 8/2022, khi thai đủ tháng, đủ ngày, các bác sĩ đã quyết định mổ sinh cho sản phụ. Sau gần 1 tiếng thực hiện, các bác sĩ lấy ra em bé nặng 3kg, hồng hào khỏe mạnh.

Phụ nữ cao tuổi mang thai, sinh con sẽ đối mặt với nguy cơ gì?

Mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải độ tuổi nào cũng có thể sinh con, bởi tuổi càng cao, nguy cơ với người phụ nữ càng lớn.

TS.BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai (BV Phụ sản Hà Nội), cho biết, độ tuổi của chị em phụ nữ ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ do số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian.

Thông thường, độ tuổi thích hợp nhất để mang thai và sinh con là từ 20-35 tuổi. Sau 35 tuổi, việc thụ thai tự nhiên sẽ khó hơn nhiều.

Tuy nhiên, với những trường hợp chị em lớn tuổi, thậm chí đã mãn kinh, hoặc gặp vấn đề về tử cung, buồng trứng, bị bệnh mãn tính… vẫn có thể mang thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Dù vậy, tỷ lệ thành công vẫn thấp hơn những phụ nữ trẻ.

Cũng theo bác sĩ Sim, nếu mang thai sau tuổi 35, thai phụ có thể sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng như: sẩy thai, sinh non, thai lưu, tiền sản giật, thai ngoài tử cung.

Điều đáng lưu ý là nguy cơ trẻ chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo độ tuổi của mẹ. Mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể càng cao.

Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.

Chính vì vậy, TS.BS Nguyễn Thị Sim khuyến cáo độ tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là dưới 35 tuổi. Nên cố gắng mang thai trong vòng 1 năm sau khi kết hôn, nếu không có thai thì nên đi khám hiếm muộn.

Với những phụ nữ trên 35 tuổi, nếu trong vòng 6 tháng cố gắng mang thai mà không đạt kết quả thì cũng nên đi khám hiếm muộn.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc BV Phụ sản TƯ, cho biết, nếu mang thai khi tuổi rất cao (trên 50 tuổi) thì cả mẹ và thai nhi đều gặp nhiều nguy cơ. Theo đó, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như Down tăng lên theo tuổi của mẹ; Nguy cơ sẩy thai hay gặp phải các vấn đề sản khoa cao hơn theo tuổi của mẹ; Nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, xuất huyết sau sinh...

Do đó, bác sĩ Quyết cho rằng, nếu mang thai, với phụ nữ lớn tuổi cần theo dõi chặt chẽ về nguy cơ huyết áp cao và tiền sản giật. Bên cạnh đó, siêu âm định kỳ để theo dõi sự tăng trưởng của em bé, sinh non, trẻ nhẹ cân và một số biến chứng thai kỳ khác phổ biến hơn ở các bà mẹ lớn tuổi. Đồng thời, chị em cần thực hiện chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt theo khuyến cáo của các chuyên gia. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm