Những nữ phóng viên da màu của Nhà Trắng

Nhu Thụy
27/02/2024 - 08:28
Những nữ phóng viên da màu của Nhà Trắng

Bà Ethel Payne (trái) và bà Alice Dunnigan

Bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng, gần đây đã đặt tên cho một bục phát biểu mới trong phòng họp của Nhà Trắng là Dunnigan-Payne, gắn với tên của 2 nữ phóng viên da màu là Alice Dunnigan của báo Associated Negro Press và Ethel L. Payne của tờ The Chicago Defender.

Biểu tượng của sự đoàn kết

Bà April Ryan, Trưởng văn phòng Washington, đồng thời là người phụ nữ da màu phục vụ lâu nhất trong cơ quan báo chí Nhà Trắng, cho biết, quyết định tôn vinh bà Dunnigan và Payne rất xứng đáng. "Các phóng viên da trắng quá bận rộn đặt câu hỏi về các vấn đề, trong khi đó, phóng viên da màu và các câu hỏi của họ hoàn toàn bị phớt lờ. Tuy nhiên, vẫn có những khoảnh khắc thăng hoa của phóng viên da màu. Chúng tôi là những người duy nhất đặt câu hỏi, viết những câu chuyện mà ít người muốn, hoặc cho rằng đủ quan trọng để hỏi Tổng thống", bà Ryan nói.

Martha Joynt Kumar, một học giả chuyên nghiên cứu về Tổng thống Mỹ, người đã ghi lại mối quan hệ giữa báo chí và Nhà Trắng trong nhiều thập kỷ, cho biết, bục phát biểu Dunnigan-Payne là sự thể hiện tình đoàn kết hiếm hoi giữa Nhà Trắng và giới báo chí. Việc đặt tên cho bục phát biểu được lấy cảm hứng từ việc Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng xây dựng giải thưởng thành tựu trọn đời Dunnigan-Payne để vinh danh hai nữ phóng viên này năm 2022. Bà Kumar cho biết, bục phát biểu Dunnigan-Payne cùng với những bục khác đều có ý nghĩa, bao gồm cả Blue Goose, được sử dụng cho các bài phát biểu trang trọng của Tổng thống Mỹ.

Judy Smith, Phó thư ký báo chí của Tổng thống George H.W. Bush và là người phụ nữ da màu đầu tiên chủ trì cuộc họp báo tại Nhà Trắng, cho biết, những người ngồi đối diện bục phát biểu đều cảm nhận được sức nặng của phòng họp Nhà Trắng, đặc biệt là bục phát biểu Dunnigan-Payne.

Những nữ phóng viên da màu của Nhà Trắng
- Ảnh 1.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre phát biểu ở bục Dunnigan-Payne

"Đệ nhất phu nhân của báo chí da màu"

Tờ Washington Post nhận định: "Nếu Ethel L. Payne không phải là người da màu, bà ấy chắc chắn đã là một trong những nhà báo được công nhận cao nhất trong xã hội Mỹ". Bằng ngòi bút của mình, bà Payne kể những câu chuyện có thật về người da màu, phụ nữ và những khó khăn mà họ phải đối mặt hàng ngày. Bà đã lên tiếng cho những người cần nó và được biết đến với lối viết thẳng thắn. Bà đã phá bỏ rào cản với tư cách là một phụ nữ da màu. Bà còn đi nhiều nước để đưa tin về các sự kiện quốc tế và các cuộc chiến tranh. Bà đã đề cập đến những chủ đề khó như trải nghiệm của mình khi chứng kiến người dân phải chịu đựng ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Không có bà, người ta vẫn chưa biết được tác hại thực sự của nó.

Năm 1952, làm việc cho tờ Chicago Defender, bà Ethel Payne gia nhập cơ quan báo chí Nhà Trắng. Bà luôn đặt những câu hỏi hóc búa cho các Tổng thống Mỹ. Bà Payne được biết đến với biệt danh "đệ nhất phu nhân của báo chí da màu" và việc đưa tin về phong trào dân quyền của bà có tác dụng quan trọng đến mức Tổng thống Lyndon B. Johnson đã mời bà đến buổi ký Đạo luật Dân quyền năm 1964, Đạo luật Quyền bầu cử năm 1965. Tổng thống Johnson đã tặng bà một trong những cây bút mà ông dùng để ký hai đạo luật mang tính bước ngoặt đó. Sau nhiều năm viết lách, Ethel Payne đã nhận lời làm việc cho CBS. Bà trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên trên truyền hình quốc gia với tư cách là bình luận viên phát thanh và truyền hình.

Tiên phong cho cả phụ nữ và người Mỹ gốc Phi

Alice Dunnigan (1906-1983) là nhà báo người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm phóng viên tại Nhà Trắng. Bà cũng là thành viên nữ da màu đầu tiên của phòng báo chí Thượng viện và Hạ viện Mỹ, một nhà hoạt động dân quyền, người tiên phong cho cả phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.

Từ năm 13 tuổi, bà Dunnigan đã bắt đầu viết tin cho tờ Owensboro Enterprise ở địa phương. Trong suốt những năm trung học của mình, bà đã cố gắng đưa tin một cách chuyên nghiệp nhất có thể. Năm 1936, bà làm nhà văn tự do cho Nhà xuất bản Người da đen Mỹ (ANP). Năm 1946, bà viết bài cho Chicago Defender, tờ báo có uy tín với người Mỹ gốc Phi. Khi có được thẻ báo chí ở Thủ đô Washington DC, bà đưa tin về Quốc hội, điều mà hầu hết các phóng viên, công chúng, đặc biệt là phụ nữ và người Mỹ gốc Phi không được phép tham gia. Từ năm 1947 đến năm 1961, bà giữ chức Trưởng văn phòng đại diện tại Washington của Associated Negro Press. Bà là nhà báo da màu đầu tiên tháp tùng Tổng thống Harry S. Truman công du, đưa tin về chuyến vận động tranh cử năm 1948 của ông.

Cũng trong năm 1948, bà trở thành nữ phóng viên Nhà Trắng người Mỹ gốc Phi đầu tiên và là phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Phụ nữ. Sự liên kết với tổ chức này và các hiệp hội khác đã cho phép bà đến nhiều nơi ở Mỹ, Canada, Israel, các nước Nam Mỹ... Bà được Tổng thống Haiti Francois Duvalier vinh danh vì những bài viết về Haiti.

Phong trào dân quyền đã trở thành chủ đề phổ biến trong các bài viết của bà. Bà đưa tin về các phiên điều trần của Quốc hội, nơi người da màu bị gọi là "mọi đen". Các chính trị gia thường tránh trả lời những câu hỏi hóc búa liên quan đến vấn đề chủng tộc. Bà Dunnigan cũng từng là phái viên đặc biệt với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Lyndon B. Johnson. Từ năm 1966 đến năm 1967, bà làm chuyên gia cho Bộ Lao động Mỹ và làm biên tập viên cho Ủy ban Cơ hội Thanh niên của Tổng thống vào năm 1967. 

Bà đã nhận được hơn 50 giải thưởng báo chí. Năm 1970, sau gần 30 năm làm phóng viên chuyên trách tại Nhà Trắng, bà nghỉ việc và viết cuốn tự truyện "Trải nghiệm của người phụ nữ da màu: Từ ngôi trường đến Nhà Trắng" xuất bản năm 1974. Bà qua đời vào ngày 6/5/1983 tại Washington, D.C. Bà Dunnigan được ghi tên vào Đại sảnh Danh vọng Nhà báo Da màu vào năm 1985.

Nguồn: NYT, History, Wikipedia
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm