Những phận đời nhặt rác ở Indonesia

Nhu Thụy (Theo NYT, WP)
12/05/2020 - 19:54
Những phận đời nhặt rác ở Indonesia

Cậu bé Basir (bìa phải, 11 tuổi), giúp em gái trèo lên núi rác nhặt những đồ vật có thể tái chế đem bán hoặc tái sử dụng

Indonesia hiện là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 cao ở châu Á. Tuy nhiên, cuộc sống đói nghèo khiến nhiều người dân thà dính bệnh còn hơn phải chết đói. Ở Bantar Gebang, một trong những bãi rác lớn nhất của nước này, nhiều trẻ em vẫn đi bới rác cùng cha mẹ để mưu sinh.

Ra đời trên rác

Ngay cả khi trời mưa tầm tã giữa đêm khuya, vẫn có nhiều lao động nghèo đeo trên đầu chiếc đèn pin nhỏ, cặm cụi mò mẫm quanh những núi rác cao hơn cả tòa nhà 15 tầng. Không khẩu trang, không găng tay, những người nhặt rác xỏ đôi ủng nhựa cọc cạch rồi leo lên núi rác. Họ sử dụng một dụng cụ bằng kim loại có tên địa phương là "ganco" để lựa những thứ có thể tái chế hoặc tái sử dụng, sau đó vòng tay qua đầu thả "chiến lợi phẩm" tìm được vào giỏ lớn đeo sau lưng. Một vài người thậm chí còn nhặt rác bằng tay không. Họ cặm cụi giữa những mảnh kính vỡ, chất thải y tế, thức ăn thối rữa và những chiếc túi nilon đủ màu sắc.

Trung bình một hộ gia đình tại Bantar Gebang có thể thu gom hơn 90kg rác mỗi ngày. Họ lật từng đống rác nhỏ, tìm những mảnh gỗ, mảnh bìa cứng, các tấm nhựa hoặc bất kỳ thứ gì giá trị và các nguyên liệu có thể tái chế để đổi lấy tiền miễn là chúng có thể tái chế được. Tuy nhiên, phí tổn sức khỏe cho công việc này rất lớn. Mùi hôi thối bao trùm khắp nơi, những đàn ruồi đen kịt. Chấn thương xảy ra mọi lúc. Họ phải cẩn thận, không lại gần khu vực làm việc của xe ủi, có nhiệm vụ san đều các núi rác. Khi lại gần đó, họ rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của những đợt "lở rác". Một bước sai có thể khiến núi rác bị đổ, chôn vùi những người đang đứng ở trên.

Bãi rác Bantar Gebang có diện tích tương đương với 200 sân bóng đá. Ở thành phố Bekasi nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 32 km về phía Đông, bãi rác này tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác mỗi ngày. Mỗi ngày, bãi rác là điểm đến của khoảng 1.000 chiếc xe chở rác chất đầy rác thải, xếp hàng nối đuôi nhau để chờ đến lượt đổ rác. Một dây chuyền vận chuyển sẽ đưa rác từ mặt đất lên trên đỉnh của núi rác với độ cao lên đến cả trăm mét.

Hàng chục ngôi làng nghèo khó hình thành xung quanh những núi rác này. Theo số liệu chính thức, có đến 6.000 người đang sinh sống ở đây nhưng những người bản địa cho biết con số thực tế lên đến 20.000 người. Họ đều là nông dân nghèo đói vì mất mùa. Một số người đã ở đây 10 năm hoặc lâu hơn thế. Họ sống trong những túp lều rách nát và kiếm sống qua ngày bằng cách bán những đồ phế thải nhặt từ bãi rác. Không rõ có bao nhiêu phụ nữ mang thai sống ở đây và bao nhiêu đứa trẻ đã được sinh ra ở nơi này. Mang thai ở Bantar Gebang đồng nghĩa với việc có rất ít sự lựa chọn chăm sóc sức khỏe cùng với sự kỳ thị xã hội. Nhiều phụ nữ ở đây không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân. Điều này hạn chế quyền tiếp cận của họ với các dịch vụ xã hội. Một số phụ nữ có thể không muốn rời khỏi khu ổ chuột này vì sự khinh miệt của những người bên ngoài khi ngửi thấy mùi rác trên quần áo họ. Thêm vào đó, sinh con trong bệnh viện rất tốn kém.

Một trong những âm thanh đầu tiên các em bé lọt lòng nghe được là tiếng ầm ầm của những chiếc xe tải chở rác đi ngang qua lán của gia đình. Những bước chân chập chững đầu tiên của bé cũng trên mặt đất lấm bùn với đủ các thứ rác thải. Trẻ em sống ở khu vực bãi rác bị phát ban, bệnh về hô hấp và tiêu chảy vô cùng phổ biến. Các em còn có nguy cơ mắc bệnh lao, sán dây, thiếu vitamine. Những nguồn nước ngầm xung quanh đã bị ô nhiễm nặng nề. Thế nhưng, trong các gia đình, thậm chí những đứa trẻ vừa lên 5 tuổi cũng theo ba mẹ để nhặt rác mưu sinh. "Khu vực có nhà trẻ và lũ trẻ theo học tại đó. Tuy nhiên, khi hết giờ học, chúng sẽ trợ giúp gia đình đi nhặt rác. Chúng không có lựa chọn nào khác vì nhà chúng quá nghèo", ông Asep Gunawan, Trưởng quận Bantar Gebang, cho biết.

Nỗi buồn của những người khốn cùng

Những người nhặt rác, theo tiếng địa phương là "pemulung", có thể kiếm được từ 2 USD đến 10 USD mỗi ngày từ những thứ mà họ nhặt được. Ngay cả xương động vật cũng có thể giúp họ kiếm được chút tiền bởi chúng có thể được sử dụng để làm đồ trang sức hoặc làm vật liệu sản xuất gạch lát sàn, bê tông. Bình thường, hàng trăm người đổ tới bãi rác mỗi ngày. Tuy nhiên, tác động của nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái vì Covid-19 đã lan tới đây khiến cuộc sống của người dân càng thêm khốn khổ. Phần lớn các công ty tái chế rác thải từng thu mua sản phẩm từ người nhặt rác đã đóng cửa nhiều ngày qua. Số lượng người nhặt rác vì thế cũng giảm do họ không thể bán những thứ thu lượm được.

Những phận đời nhặt rác ở Indonesia - Ảnh 2.

Thu gom rác cuối ngày

Cô Resa Boenard, nhà đồng sáng lập của Seeds of Bantar Gebang, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trợ giúp những người dân nghèo, cho hay, những biện pháp giãn cách xã hội có hiệu lực từ tháng 4 tại Bantar Gebang buộc nhiều người làm nghề nhặt rác phải tạm dừng công việc thường nhật. Những người nhặt rác cũng không đủ điều kiện nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ vì họ không có hộ khẩu tại địa phương này. Trong khi đó, các gia đình tại Bantar Gebang cũng chẳng mấy quan tâm đến dịch bệnh bởi họ còn mải lo kiếm ăn.

Những phận đời nhặt rác ở Indonesia - Ảnh 3.

Một lớp học tình thương dành cho trẻ em tại khu ổ chuột ở Bantar Gebang

Resa mới 6 tuổi khi gia đình cô chuyển đến sinh sống ở khu vực này. Ba mẹ của cô đã mua một mảnh ruộng để làm kế sinh nhai nhưng cuối cùng mảnh ruộng đó đã trở thành bãi rác. Tại trường học, những đứa trẻ khác thường gọi cô với biệt danh "công chúa bãi rác" vì quần áo của cô ám đầy mùi rác. Cô không thích cái tên đó một chút nào. Cô đã chứng minh cho mọi người thấy thông qua kết quả học tập. Một gia đình tại Thổ Nhĩ Kỳ trao cho cô một suất học bổng, qua đó giúp cô học hết chương trình đại học. Cô là một trong số ít người dân ở đây bước ra khỏi cuộc sống gắn liền với bãi rác để có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, cô đã chọn quay trở lại để giúp đỡ những người dân tại đây, đặc biệt là trẻ em. Trong bão dịch, tổ chức của cô đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 600 gia đình mỗi ngày, đồng thời khởi xướng một phong trào kêu gọi quyên góp. "Người dân tại đây không cần khẩu trang hoặc chất khử trùng. Họ cần thực phẩm để nuôi sống gia đình họ", cô cho biết.

Tính đến 8h sáng 5/5/2020, Indonesia có 11.587 ca mắc virus SARS-CoV-2 và 864 ca tử vong do Covid-19.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm