pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những phiên chợ chỉ họp 1 lần duy nhất vào trước Tết ở Sài Gòn
Chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ
Như tên gọi, chợ nằm ở ngay ngã ba ông Tạ, tức là chợ chồm hổm, chợ trời.
Đây là chợ bán Lá Dong lớn nhất Sài Gòn và chỉ tồn tại từ khoảng giữa tháng Chạp cho tới thật gần ngày Tết. Vào những ngày này, một đoạn đường Cách mạng tháng Tám chỗ giao cắt với Phạm Văn Hai lại được khoác lên một màu xanh mướt mắt của lá dong, xen kẽ với những bó lạt trắng.
Người ta phải thích thú với điều này, vì trải qua mấy chục lần họp chợ, nghĩa là mấy chục năm qua, chợ đã trở thành một dấu hiệu để biết Tết đã đến rất gần.
Theo lời người bán, lá dong có nguồn gốc từ Bà Điểm (H.Hóc Môn), Phương Lâm, Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai)… Nếu như những ngày 20 đến 23 tháng chạp, người mua lá đa phần là mua sỉ thì từ 25 đến 27 tháng chạp, khu bán lá lại nhộn nhịp người mua lẻ, mua lá về gói bánh cho gia đình để có không khí ngày xuân.
Giá cả phân từng loại: 70.000-80.000 đồng/bó; lá dài 40cm, 35.000 đồng/bó; lá nhỏ nhất 30cm có giá 20.000 đồng/bó; lá lót 15.000 đồng/bó… Trừ chi phí ăn uống, nhân công thì mỗi phiên chợ (khoảng mươi ngày) các tiểu thương mùa bán lá cũng kiếm lãi được dăm ba triệu đồng.
Chợ hoa Bình Đông - quận 8
Chợ hoa bến Bình Đông là chợ hoa nổi tiếng và lâu đời ở TP.HCM mà người dân địa phương vẫn quen gọi là chợ hoa “trên bến dưới thuyền”.
Dọc theo con đường Bến Bình Đông và con kênh Tàu Hủ, khu chợ hoa xuân này dài khoảng 3km. Từ Tết Ất Mùi - xuân 2015, chợ hoa bến Bình Đông với tên gọi chính thức là “chợ hoa xuân quận 8” hứa hẹn sẽ là điểm đến mua sắm hoa tươi ngày tết của người dân Sài thành.
Những ngày giáp Tết, những ghe, thuyền chở đầy hoa, cây kiểng từ các nhà vườn ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp tấp nập đổ về bến Bình Đông để phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chưng Tết của người dân.
Theo các nhà vườn, từ 20 tháng Chạp, các loại hoa, kiểng Tết rục rịch vận chuyển lên TP.HCM để tiêu thụ, tạo nên khung cảnh chợ hoa "trên bến dưới thuyền".
Chợ hoa bến Bình Đông họp từ sáng tinh mơ đến đêm tàn và lúc nào cũng nhộn nhịp khách hàng đến tham quan, mua sắm. Vì vậy, dù ngày hay đêm, bạn vẫn có thể đến bến Bình Đông mua hoa.
"Chợ" chữ ông đồ - đường Trương Định, góc Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai
Sài Gòn nhiều chợ, nhưng chợ cho chữ ở Phố ông đồ mỗi năm họp một lần, là điểm “check-in” quen thuộc của giới trẻ khi Tết đến xuân về.
Từ nhiều năm nay, người lớn thường thích các chữ “Phúc”; “Lộc”; “Thọ” ; “An Khang” “Cát Tường”, “Như Ý”… nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu.
Một số khách hàng khác chỉ xin chữ quanh 4 chữ kinh điển gồm: “Tâm”, “Phúc”, “Đức”, “Nhẫn”. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”.
Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Lộc”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người đi làm xin chữ “Danh”.
Xin cho gia đình thường là chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Tâm”, “An”. Nhiều người thích xin chữ “Nhẫn” (nhẫn nại, nhẫn chịu…) nhưng không phải chữ này hợp với mọi người bởi mỗi người lại có lý riêng để xin chữ “Nhẫn”.
Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hành”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”… là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ “May mắn”; hoặc sau một hồi trò chuyện, ông đồ nhận thấy người này cần hơn cả là phải biết chăm sóc mẹ mình nhiều hơn để thực sự được an lòng, ông đồ sẽ cho chữ “Hiếu”.
Tuy nhiên, tục cho chữ không phải người muốn chữ nào cho chữ ấy mà nhiều lúc, các ông đồ đều nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ.