pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những phụ nữ bình dị, tỏa sáng ở Điện lực miền Bắc
Chị Mè Thị Hồng Vân, Công ty Điện lực TP Sơn La (tỉnh Sơn La), trải qua tất cả công việc nặng nhọc của đồng nghiệp nam trong ngành Điện
"Thủ lĩnh" công nhân điện lực ở Sơn La
20 năm làm công nhân ngành Điện, chị Mè Thị Hồng Vân, Công ty Điện lực TP Sơn La (tỉnh Sơn La) từng trải qua tất cả những công việc nặng nhọc của đồng nghiệp nam như đi kéo dây, kiểm tra, sữa chữa thay biến áp, chặt cây dưới các đường dây… Phải làm việc ngoài trời trong môi trường, điều kiện thời tiết mưa nắng khắc nghiệt nhưng với chị Vân, công việc mang lại niềm vui, hạnh phúc vô bờ khi trực tiếp đưa dòng điện thắp sáng đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Trong số cán bộ nhân viên tại Điện lực TP Sơn La (trực thuộc Công ty Điện lực Sơn La), chị Vân là một trong các công nhân am hiểu tường tận nhất về hệ thống lưới điện trên toàn TP Sơn La, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo trong quản lý, vận hành các đường dây, chỉnh trang bó gọn đường dây viễn thông treo cột… Hiện tại, chị Vân là công nhân quản lý, vận hành lưới điện trung, hạ thế, trực tiếp chỉ huy toàn bộ công việc ngoài hiện trường, chịu trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo các biện pháp an toàn trước khi cho công nhân thi công như: thay máy biến áp, thay dây dẫn, thí nghiệm máy biến áp, sữa chữa đường dây…
Từ năm 2010 đến nay, chị Vân liên tục là lao động tiên tiến, lao động xuất sắc; được EVNNPC tặng giấy khen; được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
Đi trực, đi làm cũng nghĩ mình là đàn ông!
Chọn nghề công nhân vận hành điện bởi có bố, anh trai gắn bó trọn đời với ngành Điện, chị Trần Thị Hiệp, công tác tại Điện lực Tân Uyên, Công ty Điện lực Lai Châu, cho rằng: "Nghĩ đến công nhân vận hành điện, ai cũng nghĩ chỉ phù hợp với đàn ông. Ngay cả bản thân mình, khi đi trực, đi làm cũng nghĩ mình là đàn ông". Chính suy nghĩ ấy khiến nhiều công việc nặng nhọc như xử lý sự cố điện, vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị…, không khuất phục được chị Hiệp, dù thân hình có mảnh mai, yếu ớt.
Theo chị Hiệp, công nhân trực vận hành điện phải làm việc theo ca kíp, luôn đòi hỏi phải cẩn thận, tập trung quan sát kỹ từng chi tiết, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị nên với phái nữ có những vất vả, khó khăn hơn cánh mày râu, khi vừa phải làm tốt công việc, vừa phải chăm sóc gia đình, làm tốt thiên chức của một người mẹ, người vợ.
Chị Hiệp có hoàn cảnh éo le, năm 2013 chồng mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi con thứ hai vừa tròn 6 tháng tuổi. Nhiều năm nay, chị Hiệp một mình chăm nuôi hai con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ chồng và luôn hoàn thành tốt công việc chuyên môn, được lãnh đạo ghi nhận, đồng nghiệp nể phục. "Tôi may mắn được làm việc trong ngành Điện, sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của lãnh đạo, đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để tôi vượt qua những cam go, thử thách của cuộc sống, công việc hàng ngày để được làm nghề mình đã lựa chọn và yên tâm cống hiến hết mình cho dòng điện thân yêu", chị Hiệp bày tỏ.
San sẻ yêu thương, kết nối những tấm lòng nhân ái
Tốt nghiệp trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội năm 1997, chị Lưu Thị Thanh Thủy bắt đầu vào làm việc ở phòng Tài chính kế toán, Công ty Điện lực 1 (nay là EVNNPC). Từ tháng 1/2019, chị Thủy được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán, trực tiếp dẫn dắt, kết nối 1.100 cán bộ tài chính kế toán ở khắp các đơn vị thuộc EVNNPC hoàn thành tốt công việc chuyên môn.
Ở EVNNPC, chị Thủy nổi tiếng với bảng thành tích "khủng" khi liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2012 đến nay; chiến sĩ thi đua Bộ Công thương năm 2015, 2018; năm 2017 nhận bằng khen Vì sự phát triển điện lực Việt Nam; gương mặt phụ nữ EVNNPC xuất sắc giai đoạn 2016 - 2019. Chị Thủy nằm trong số ít nữ cán bộ được EVNNPC đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Theo các đồng nghiệp ở EVNNPC, chị Thủy không chỉ giỏi công việc chuyên môn mà còn rất đa tài, "mát tay" trong vai trò "tổng đạo diễn" chuyên dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ, nhảy flashmob, zumba biểu diễn ấn tượng, chuyên nghiệp trong nhiều chương trình, hội diễn khác nhau. Đăc biệt, chị Thủy là sợi dây kết nối những tấm lòng nhân ái giúp đỡ rất nhiều đồng nghiệp, công nhân tại EVNNPC mỗi khi gia cảnh gặp khó khăn. Điển hình là câu chuyện của một đồng nghiệp làm việc ở Công ty Điện lực Lạng Sơn có con nhỏ bị u võng mạc, nếu không phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ mù cả hai mắt.
Chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, chị Thủy đã vận động, quyên góp được 113 triệu đồng giúp cháu bé trên hành trình tìm lại ánh sáng. Một trường đặc biệt nữa, cũng là đồng nghiệp công tác tại Điện lực Văn Lãng - Công ty Điện lực Lạng Sơn có con trai đầu lòng mất vì bệnh tim bẩm sinh và khi sinh con thứ hai cũng mắc bệnh hiểm nghèo này. Chị Thủy đứng ra quyên góp được 142 triệu đồng hỗ trợ gia đình làm chi phí phẫu thuật cho cháu bé…
Nổi tiếng là nữ lãnh đạo quyết đoán, nghiêm khắc với nhân viên, bởi công việc hàng ngày là những con số, không cho phép sai lệch nhưng trong đời sống hàng ngày, chị Thủy được nhiều đồng nghiệp mến mộ khi luôn là người truyền cảm hứng, khích lệ đồng nghiệp, nhân viên tự tin khám phá, thể hiện năng lực bản thân trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chia sẻ kiến thức làm đẹp, chăm sóc gia đình và luôn sẵn lòng san sẻ yêu thương, chung tay giúp đỡ những mảnh đời không may mắn.