Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền

Ngự Bình
20/01/2023 - 08:23
Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền

Bà Marie-Hélène Lefaucheux

75 năm trước, ngày 10/12/1948, Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (UDHR). Tuyên ngôn này gắn liền với tên tuổi của các nhà làm luật, các nhà ngoại giao đến từ nhiều nước. Đặc biệt là Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt (1884 - 1962), người phụ nữ hết mình hoạt động vì nhân quyền.
Eleanor Roosevelt

Eleanor Roosevelt là phu nhân Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt. Bà hoạt động tích cực trong Hội Thanh niên quốc gia, luôn đi tiên phong trong các phong trào giúp đỡ người nghèo, ủng hộ nữ quyền. Đặc biệt, đối với người da màu, bà luôn tôn trọng và coi họ là một thành phần không thể thiếu trong xã hội Mỹ. Bà đấu tranh cho những nhóm người bị chối bỏ nhân quyền, bao gồm nhóm người Mỹ gốc Phi và gốc Á.

Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền - Ảnh 1.

Năm 1945, chồng qua đời trong khi đương nhiệm, rời Nhà Trắng, bà vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị, xã hội của mình trên thế giới. Năm 1946, bà trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc. Cương vị này giúp bà nâng chương trình hoạt động vì nhân quyền lên tầm quốc tế. Bà chịu trách nhiệm đệ trình các đề án, khuyến nghị và báo cáo các tuyên ngôn về quyền tự do dân sự, địa vị của phụ nữ, tự do thông tin, ngăn ngừa sự phân biệt chủng tộc và bảo vệ các dân tộc thiểu số.

Công việc quan trọng nhất của Ủy ban nhân quyền lúc đó là việc soạn thảo ra một bộ luật quốc tế về các quyền. Tháng 12/1947, Ủy ban hoàn tất bản dự thảo Tuyên ngôn về nhân quyền với tất cả sự tận tâm của bà và nhóm làm việc. Những quy định căn bản mà bà và những người cùng chí hướng đã đề ra ngày nay vẫn được thực hiện nhằm đảm bảo quyền con người trên toàn cầu. Ngày 10/12/1948, sau rất nhiều nỗ lực, UDHR đã được thông qua. Bà Eleanor Roosevelt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Hansa Mehta

Bà Hansa Mehta là một nhà đấu tranh kiên định cho quyền của phụ nữ ở Ấn Độ và nước ngoài. Bà từng là thành viên của Hội đồng Lập pháp Bombay nhưng phản đối chính sách hạn ngạch phụ nữ. Bà đã xuất bản 3 quyển sách bằng tiếng Anh là "Phụ nữ theo Luật Hôn nhân và Kế vị của người Hindu", "Tái thiết giáo dục sau chiến tranh" và "Quyền tự do dân sự". 

Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền - Ảnh 2.

Trong bài phát biểu trước Tổng thống tại Hội nghị Phụ nữ Toàn Ấn Độ được tổ chức ở Hyderabad, bà Hansaben đã đề xuất một Hiến chương về quyền của phụ nữ, làm rõ địa vị của người phụ nữ và thúc đẩy luật pháp phù hợp về vấn đề tương tự.

Bà là nữ đại biểu Ấn Độ ở Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc giai đoạn 1947-1948. Bà được nhiều người ghi nhận là đã thay đổi cụm từ "Tất cả nam giới sinh ra tự do và bình đẳng" thành "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng" trong Điều 1 UDHR. Việc đưa khái niệm bình đẳng giới vào một văn kiện đã trở thành hình mẫu cho các nền dân chủ tự do và có chủ quyền trên thế giới là một đóng góp to lớn. Bà trở thành Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 1950.

Minerva Bernardino

Nhà ngoại giao và nhà lãnh đạo nữ quyền người Dominica này có công trong việc tranh luận về việc đưa cụm từ "bình đẳng nam nữ" vào phần mở đầu của UDHR. 

Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền - Ảnh 3.

Cùng với những phụ nữ Mỹ Latinh khác như Bertha Lutz (Brazil) và Isabel de Vidal (Uruguay), bà Bernardino đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động đưa các quyền của phụ nữ và không phân biệt đối xử giới vào Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên công nhận quyền bình đẳng của nam giới và nữ giới. Bà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc.

Marie-Hélène Lefaucheux
Những phụ nữ đấu tranh vì nhân quyền - Ảnh 4.

Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc năm 1948, bà Lefaucheux (người Pháp) đã vận động thành công việc đề cập đến vấn đề không phân biệt đối xử dựa trên giới tính được đưa vào Điều 2 UDHR. Nội dung cuối cùng của Điều 2 nhấn mạnh: "Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do quy định trong Tuyên bố này, không có sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, chẳng hạn như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, nơi sinh hoặc địa vị khác".

Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm 2 công ước cơ bản về quyền con người cùng được thông qua vào năm 1966 là "Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" và "Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa".

Ngày 4/12/1950, trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết số 423 chính thức công nhận ngày 10/12 hằng năm là "Ngày Nhân quyền thế giới".

Nguồn: UN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm