Những phụ nữ quê mưu sinh ở khu chung cư đông dân hàng đầu Hà Nội

Trường Lê
20/09/2023 - 12:02
Những phụ nữ quê mưu sinh ở khu chung cư đông dân hàng đầu Hà Nội

Chị Lê Thị Nhung (phải) chia sẻ về cuộc sống mưu sinh trong lúc chờ việc

Khu chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những khu chung cư có mật độ dân số đông nhất Thủ đô nên đi kèm với đó, nhu cầu của người dân nơi đây cũng tăng theo.
Giúp việc nhà kiêm shipper

Vừa đẩy xe nôi, vừa làm trò cho cháu bé hơn 1 tuổi ăn ở sân chung cư, bà Nguyễn Thị Hiền,70 tuổi (quê Vụ Bản, Nam Định), cho biết: "Tôi phải rong cháu xuống dưới này vừa phơi nắng, lại tranh thủ cho cu cậu ăn nốt phần cháo, chứ nếu mình không kiên trì cu cậu không chịu ăn".

Bà Hiền kể bà từ quê lên đây làm giúp việc cho 1 gia đình cùng quê, hằng tháng bà được chủ trả lương 5 triệu đồng, ăn uống và ở tại nhà chủ nên tiền lương tích góp được, bà phụ thêm các con ở quê nuôi cháu. Bà có 3 người con nhưng cuộc sống các con cũng không dư dả gì, chúng còn đang nuôi con nhỏ. "Ông nhà tôi mất đã mấy năm rồi, mình còn sức khỏe, ở nhà nhờ vả con cháu cũng thấy áy náy nên lên đây kiếm việc lam", bà bộc bạch.

Ngoài công việc chính là trông trẻ con, làm việc gia đình như cơm nước, giặt giũ cho gia chủ, buổi tối, bà xin tranh thủ đi giao hàng cho người ta, chủ yếu trong khu chung cư này, để kiếm thêm thu nhập. "1 đơn hàng cũng được từ 5.000 -10.000đ, hôm nhiều thì chục đơn, hôm ít thì 5 đơn cũng được mấy chục ngàn, thêm vào tiền lương hằng tháng, vậy là mình cũng yên tâm phần nào", bà Hiền cho biết.

Còn chị Hoàng Thúy Ngà, 50 tuổi, là người dân sinh sống trong khu chung cư HH này. Trước đây, chị có nhà đất ở quận Cầu Giấy nhưng cuộc sống không ai biết được chữ ngờ.

Do công việc làm ăn của chồng không thuận lợi và mang nợ nên chị đành phải bán nhà để trả nợ cho chồng, số tiền còn lại mua căn chung cư để gia đình 4 người sinh sống.

Mưu sinh ở khu chung cư đông dân nhất Hà Nội - Ảnh 1.

Chị em chọn một góc khu chung cư HH để mưu sinh

Chị Ngà kể: "Trước tôi bán rau ở chợ, chồng thì chạy Grab nhưng từ ngày có nhiều người bán hàng online trong khu chung cư này, nhu cầu giao hàng tăng, người ta biết mình nên lúc cần là họ gọi. Với một đơn hàng là 5.000đ, giao ngay trong khu chung cư, có đơn cần đi xa tôi để chồng đảm nhận. Trung bình ngày từ 60 đến 70 đơn, thu nhập cũng tạm ổn, cộng với ông xã chạy xe Grab. Gia đình 4 người, 2 con đứa học đại học, đứa học cấp 3 nên vợ chồng phải tằn tiện mới đủ".

"Biệt đội" xe kéo tay

Phần đông thành viên "biệt đội" là nữ, họ ở nhiều vùng quê khác nhau, tụ về đây từ ngày khu chung cư HH đi vào hoạt động cũng được dăm bảy năm có lẻ. "Biệt đội" có hơn 10 chị em, người nhiều thì tầm 60 tuổi, còn phần đa tầm tuổi 50 tuổi đổ lại. Họ sắm mấy cái xe kéo loại nhỏ để làm dụng cụ kéo hàng. Do nhu cầu của cư dân như chuyển nhà đến, sửa nhà mới, cần nhân công lau dọn, chuyển đồ đạc... nên "biệt đội" hình thành và cũng có việc đều.

Mưu sinh ở khu chung cư đông dân nhất Hà Nội - Ảnh 2.

Chiếc xe kéo tay tự chế là công cụ mưu sinh của chị em

Hôm nay rảnh việc nên mấy chị em ngồi không, qua câu chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Nhung (50 tuổi, quê Nam Định), người có hơn chục năm ra Hà Nội mưu sinh bằng công việc này, cho biết: "Mấy chị em đều cùng quê, người này rủ người kia ra đây kiếm việc làm. Gọi bọn chị là "thợ đụng" thì đúng hơn, bởi việc gì có người thuê là mình làm, từ lau dọn nhà cửa, chuyển nhà, lát sàn..., bọn chị nhận hết".

Theo chị Nhung, ở quê, cuộc sống của nhiều người dân còn khó khăn, đặc biệt là ở làng chị sinh sống, chủ yếu là công việc thuần nông, không có nghề phụ nên lại càng vất vả hơn.

Giờ đây, người dân quê chị cũng không còn mặn mà với việc trồng lúa, bởi công việc vất vả quanh năm, một nắng hai sương, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mà tính ra thu nhập chẳng được là bao, chỉ lấy công làm lãi. 

"Tôi làm công ở đây, tính trung bình mỗi ngày, ăn uống rồi cũng để ra được 200 ngàn đồng, cuối tháng còn có khoản nhỏ gửi về quê phụ chồng nuôi các con ăn học. Ở làng tôi, mọi người đều tứ tán mưu sinh, người có trình độ thì làm công ăn lương, người làm công nhân, còn như bọn tôi thì lại bám với công việc là "thợ đụng" bán sức lao động để mưu sinh", chị Nhung tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm