Ảnh minh hoạ: Adobe Stock
Nhà được xem là nơi an toàn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho trẻ nếu phụ huynh chủ quan, lơ là về môi trường xung quanh. Dưới đây là một số quy tắc an toàn cần thiết cho trẻ phụ huynh nên biết.
1. Không để trẻ một mình gần nguồn nước: Trẻ thích đùa nghịch với nước như khi tắm trong bồn tắm hay dưới bể bơi. Với trẻ nhỏ, tình trạng đuối nước rất dễ xảy ra do trẻ chưa biết bơi. Bởi thế, phụ huynh cần đảm bảo không để trẻ một mình trong chậu nước, bồn tắm, bể bơi... Dù đi nghe điện thoại, lấy một món hàng hay làm việc gì khác thì phụ huynh cũng đừng bao giờ lơ là, bỏ mặc trẻ tắm một mình. Dù chỉ một vài giây ngắn ngủi trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm lớn. Ảnh: Getty Images
2. Để các sản phẩm tẩy rửa xa tầm tay trẻ: Những sản phẩm tẩy rửa thường chứa hoá chất dễ gây hại cho sức khoẻ, nhất là với trẻ nhỏ khi tiếp xúc, hoặc do nghịch ngợm mà không may nuốt phải. Bởi thế, phụ huynh cần đảm bảo những sản phẩm tẩy rửa này luôn ở xa tầm tay của trẻ. Chúng nên được cất ở trong tủ, nơi cao ráo, khó tiếp cận, thật xa nơi trẻ hay chơi. Ảnh: istock
3. Vật dụng nguy hiểm cất gọn gàng: Bật lửa, dao, kéo sắc nhọn… trong nhà cần được phụ huynh cất cẩn thận, gọn gàng. Tránh để lung tung những vật dụng này vì chúng có thể gây thương tích cho trẻ. Nên có một nơi để quy định như trên kệ cao trẻ không với tới hoặc có thể cho vào tủ có cửa khoá lại. Ảnh minh hoạ: Getty Images
4. Chú ý không gian ngủ thoải mái, an toàn: Nếu trong nhà có trẻ nhỏ, phụ huynh cần đảm bảo rằng trẻ được nằm ngủ ở nơi thoải mái, ít đồ đạc. Những thứ như gối nằm, chăn đắp, thú nhồi bông… cũng có thể vô tình làm trẻ bị ngạt. Bởi thế, cần lựa chọn những loại ga gối, chăn màn phù hợp. Cần gài ga, màn, đắp chăn thật cẩn thận khi trẻ ngủ không bị trùm kín mặt. Ảnh: raisingchildren
5. Che chắn các thiết bị điện: Làm cho ngôi nhà trở nên an toàn với trẻ, tránh bị điện giật phụ huynh cần đảm bảo đường dây điện gọn gàng. Nên che chắn các ổ cắm điện bằng nắp nhựa chuyên dụng. Vứt bỏ các thiết bị điện đã cũ, hỏng. Trông chừng để trẻ không nghịch các thiết bị điện. Ảnh: Getty Images
6. Cẩn thận với những món đồ nhỏ: Trẻ dễ bị nghẹt đường thở nếu không may nuốt phải món đồ chơi nhỏ hay chiếc nút áo, đồng xu, viên bi. Kể cả những thực phẩm như các loại hạt, viên kẹo nhỏ. Bởi vậy, phụ huynh nên cẩn thận khi cho trẻ chơi đồ chơi hoặc ăn nho, kẹo viên, các loại hạt… Ảnh: istock
7. Giữ an toàn khu vực quanh nhà: Trẻ rất thích leo trèo cầu thang, cửa sổ trong nhà. Vì thế, để tránh trẻ bị ngã, thương tích, phụ huynh cần rào chắn cẩn thận. Nên hạn chế trẻ chơi ở những khu vực này để đảm bảo an toàn. Ảnh: fraserhealth
8. Tránh thô bạo khi chơi với thú cưng: Khó tránh một số trường hợp trẻ vui đùa bằng việc túm, kéo thú cưng khiến chúng có thể quay ra cắn trẻ. Phụ huynh nên dạy trẻ nhẹ nhàng với thú cưng, không chơi những trò thô bạo. Trẻ cần được hướng dẫn không đến gần một con chó khi nó đang ăn, hoặc đừng cố lấy đi đồ ăn từ đĩa của chúng… Ảnh: amarinbabyandkids
9. Trang bị cho tình huống khẩn cấp: Phụ huynh nên sắm bộ dụng cụ y tế cần thiết tại nhà, học những cách sơ cứu cho trẻ trong một số trường hợp. Ngoài lưu trong máy điện thoại, phụ huynh hãy viết số điện thoại của người thân, bạn bè, hàng xóm, bác sĩ gia đình, cơ sở y tế gần nhất… lên một tờ giấy lớn trên tường hoặc tủ. Hãy hướng dẫn để trẻ hiểu khi nào cần liên hệ những số điện thoại khẩn cấp đó. Ảnh: psyche