pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những sai lầm khi nuôi dạy con ngay cả những cha mẹ nhiều kinh nghiệm vẫn có thể mắc phải
Theo thống kê, hầu hết các bậc cha mẹ khi được hỏi đều chắc chắn rằng họ đã nuôi dạy con cái rất tốt. Họ nghĩ rằng họ có kỹ năng sư phạm rất tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các ông bố, bà mẹ đôi khi có thể mắc những lỗi, thậm chí nó lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến việc trẻ sợ hãi và có ác cảm về sau này.
Dưới đây là những lỗi mà bố mẹ mắc phải mà chính họ cũng không hề nhận ra:
Kể xấu, đặt điều về bạn là không tốt
Các bậc cha mẹ thường nói với con gái mình điều này và cho rằng đấy là một quy tắc đạo đức tốt để tuân theo. Tuy nhiên các nhà tâm lý học lo ngại về việc nếu cứ được dạy theo cách đó, trẻ em sẽ có xu hướng không dám nói ra những vấn đề mà chúng gặp phải ở trường, ví dụ như bị bạn bắt nạt.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng hầu hết trẻ em không dám tiết lộ việc bị lạm dụng, bị bắt nạt vì sợ người lớn không tin mình, cho rằng mình đặt điều, nói xấu bạn bè.
Thay vào đó, người lớn nên dạy con chia sẻ về các tình huống không hay gặp phải, khi bị đối xử không công bằng, đúng mực. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần hướng dẫn các con cần phải nhờ cậy sự giúp đỡ của người lớn như bố mẹ, giáo viên chủ nhiệm để giải quyết các vấn đề gặp phải ở trường.
Không cho trẻ thể hiện những cảm xúc tiêu cực
Bố mẹ rất ghét nhìn thấy con mình có những cảm xúc tiêu cực như khóc lóc, tức giận, ném đồ chơi… Đó là lý do họ dễ dàng hét vào mặt con rằng “Con đừng có khóc nữa”. Nhưng đây không phải là một cách làm khoa học. Tốt hơn hết, đừng yêu cầu con nín mà hãy tìm ra nguyên nhân.
Loại phản ứng mắng mỏ, bắt con dừng khóc là hành vi tồi tệ nhất tác động xấu tới cảm xúc của trẻ. Trẻ em cần một nền tảng sức khỏe tinh thần, tâm lý. Việc trẻ có những cảm xúc tiêu cực là một trong những việc chứng tỏ trẻ có nhận thức tốt về mọi điều trong cuộc sống như một người trưởng thành. Con bạn chắc chắn cần điều đó trong tương lai, vì thế đừng cấm cản hay quát tháo khi một ngày nào đó con bỗng cảm thấy buồn chán, giận dữ…
Đứa trẻ tốt là đứa trẻ được tất cả mọi người yêu quý
Mọi bậc làm cha làm mẹ đều mơ ước con mình sống trong hòa bình, nhận được nhiều sự yêu thương từ mọi người xung quanh. Họ không bao giờ muốn nghe thấy những lời phàn nàn, chê bai về con mình từ bất cứ ai. Và đó là cách họ yêu cầu con phải cố gắng trở thành một người được những người xung quanh, từ hàng xóm, bạn bè, thầy cô yêu quý.
Tất nhiên, sẽ là quá tuyệt vời khi mọi mối quan hệ xã hội của chúng ta đều tốt. Nhưng đừng biến nó thành áp lực, cố gắng để bắt con phải làm hài lòng tất cả mọi người. Khi chúng ta cứ phải cố sống theo đánh giá của người khác cũng đồng nghĩa với việc phải hy sinh nhiều lợi ích, mục tiêu và cả quan điểm sống của riêng mình.
Những đứa trẻ học không giỏi ở trường sẽ chẳng làm được cái gì ra hồn sau này
Nhiều phụ huynh tin rằng sự thành công của con ở trường, điểm số các môn học mà con đạt được ảnh hưởng trực tiếp đến thành công trong cuộc sống của con khi trưởng thành. Tất nhiên, giáo dục đóng một vai trò rất lớn nhưng không phải là yếu tố duy nhất để thành công.
Giáo sư Howard Gardner của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng hầu hết các bài kiểm tra IQ chỉ ước tính một mức logic nhất định, nó không phải loại trí thông minh về thị giác, cơ thể, âm nhạc và nhiều loại trí thông minh khác. Một số nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng trí tuệ cảm xúc đóng vai trò rất lớn trong sự thành công của một người trưởng thành.
Muốn tốt cho con thì phải có thật nhiều đồ chơi đắt tiền
Các nhà xã hội học Mỹ cho rằng, số tiền mà cha mẹ chi ra cho con cái họ ở đất nước này tăng lên hàng năm. Đó cũng là lý do nhiều gia đình hiện đại không muốn có con.
Ashley Eneriz, một người mẹ cũng là một chuyên gia tài chính tin rằng, cha mẹ hiện đại đang chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết cho con cái của họ. Ashley khuyên rằng bố mẹ nên thực sự suy nghĩ và cân nhắc xem liệu những thứ bạn mua cho con có thật sự cần thiết hay không. Có lẽ bạn đang cố gắng cho con bạn những thứ tốt nhất với hy vọng con có một tuổi thơ tuyệt vời nhưng đôi khi nó lại là sai lầm.
Tiết kiệm tiền cho con cái không phải là điều khiến bạn trở thành một phụ huynh tồi hay thể hiện bạn ít yêu thương con. Ngược lại, cha mẹ tiết kiệm có thể là một hình mẫu tuyệt vời cho con cái của họ và dạy chúng cách tiêu tiền hữu ích nhất, tránh lãng phí vào những thứ vô dụng.
Tước đi một món đồ yêu thích coi như hình thức phạt lỗi
Các nhà tâm lý học chắc chắn rằng, việc áp dụng chiêu tước đi của trẻ một món cái gì đó không phải là hình thức phạt hiệu quả. Đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng của những bậc phụ huynh. Nó không dạy trẻ một bài học nào hữu ích. Hơn nữa, quy tắc của hình phạt này cũng không thống nhất, rõ ràng ngay từ đầu, nó phụ thuộc phần lớn vào tâm trạng của cha mẹ.
Tước đi của đứa trẻ một món đồ yêu thích hoặc không cho chúng ra chơi với bạn bè sẽ không dạy trẻ điều gì tốt. Nó chỉ khiến trẻ hiểu rằng một khi bạn có quyền lực, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn thích, kể cả can thiệp thô bạo vào cuộc sống của người khác.
Cho con tham gia quá nhiều khóa học ngoại khóa
“Tôi không muốn con mình buồn chán, tôi muốn con phát triển nhiều kỹ năng”… Đó là điều mà rất nhiều phụ huynh đã chia sẻ khi gửi con đến các lớp học ngoại khóa hoặc mua sắm cho con những món đồ chơi có tính giáo dục. Họ cố gắng đảm bảo cho con không có khoảng thời gian rảnh rỗi buồn chán nào. Họ thậm chí phải chi rất nhiều tiền cho các khóa học ấy.
Nhưng nó cũng là một sai lầm bởi vì điều quan trọng là phải biết trẻ thực sự muốn gì chứ không phải là bắt con tham gia tất cả các lớp học ngoại khóa, kỹ năng. Các nhà tâm lý học cho rằng trẻ sẽ không bao giờ tự học một cách thích thú nếu như đó là sự bắt ép của bố mẹ mà không phải từ nhu cầu của bản thân.
Đứa trẻ ngoan thì phải chia sẻ đồ chơi cho bạn
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, trẻ em cần được dạy về sự chia sẻ. Đây là một sai lầm. Những đứa trẻ bị bắt buộc phải nhường đồ của mình cho một người khác khi chúng không mong muốn sẽ mang lại cảm xúc tiêu cực rất lớn. Nó thậm chí còn khiến trẻ trở nên ích kỷ hơn khi liên tiếp bị ép buộc phải nhường đồ của mình cho bạn.
Các nhà tâm lý học khuyên rằng bạn nên đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ. Bạn có muốn chia sẻ đồ dùng cá nhân của mình với một người bạn vừa gặp không? Bạn có sẵn sàng cởi chiếc áo yêu thích của mình chỉ vì hàng xóm thích nó? Chắc chắn là không! Vậy tại sao bạn lại bắt con phải làm điều đó?