Những thách thức với báo chí thế giới

Nhu Thụy
21/06/2024 - 07:52
Những thách thức với báo chí thế giới

Nữ nhà báo tác nghiệp

Năm 2023, đánh dấu một năm đặc biệt nguy hiểm đối với các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột. Nhiều nhà báo đã bị thương, một số khác bị nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) và Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ), hơn 140 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến Israel-Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023.

Những con số này nhấn mạnh những mối nguy hiểm mà các nhà báo phải đối mặt, đặc biệt là ở các khu vực xung đột, nơi ranh giới giữa việc đưa tin và an toàn cá nhân mong manh. Đối với các nhà báo nữ, những rủi ro này càng trở nên phức tạp hơn bởi các mối đe dọa do phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao gồm quấy rối tình dục, tấn công và đe dọa. 

Bất chấp những thách thức này, các nhà báo nữ vẫn can đảm vượt qua sự nguy hiểm để đưa tin về "điểm nóng" xung đột, quyết tâm làm sáng tỏ thực tế và tác động của xung đột đối với cộng đồng.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, đe dọa các nhà báo đưa tin về biến đổi khí hậu. Trong cuộc tham vấn với hơn 900 nhà báo môi trường từ 129 quốc gia do UNESCO thực hiện và công bố nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới (3/5), có 70% nhà báo được hỏi cho biết, họ đã trải qua các cuộc tấn công, đe dọa hoặc áp lực liên quan đến việc đưa tin về các vấn đề môi trường. 

Những thách thức với báo chí thế giới- Ảnh 1.

Nữ nhà báo tác nghiệp

UNESCO đang kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn dành cho các nhà báo đưa tin về môi trường và quản trị tốt hơn các nền tảng kỹ thuật số. Hơn 300 cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo môi trường đã xảy ra trong giai đoạn 2019-2023, tăng 42% so với giai đoạn 5 năm trước đó (2014-2018). Vấn đề này mang tính toàn cầu, với các cuộc tấn công diễn ra ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Còn Tổ chức Phản ứng nhanh về Tự do Truyền thông (MFRR) nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện bình đẳng giới và xóa bỏ những vấn đề dai dẳng mà phụ nữ phải đối mặt trong ngành báo chí. MFRR kêu gọi cam kết tập thể từ các chính phủ, tổ chức truyền thông và xã hội nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, đảm bảo môi trường an toàn cho phụ nữ trong nghề báo.

Bối cảnh kỹ thuật số đã làm gia tăng các hình thức quấy rối tình dục đối với nhà báo nữ trong quá trình tác nghiệp. Các cuộc tấn công trực tuyến (bao gồm đe dọa, làm mất uy tín, xúc phạm, quấy rối tình dục, bắt nạt), chiếm 24,6% tổng số vụ tấn công nhằm vào các nhà báo nữ, là vấn đề đáng báo động, vượt xa các vụ tấn công nhằm vào các nhà báo nam (12,5%).

Theo báo cáo "Phụ nữ và sự lãnh đạo trong truyền thông tin tức năm 2024" do Viện Báo chí Reuters (Anh) công bố, 24% trong số 174 vị trí biên tập hàng đầu tại 240 hãng tin tức là do phụ nữ nắm giữ, tăng 2% so với năm 2023.

Nguồn: UNESCO, Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm