Những thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

25/02/2017 - 08:43
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có những thầy thuốc mà tên tuổi của họ gắn liền với nhiều công trình nghiên cứu vô giá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền y học nước nhà và trên cả thế giới.

Tuệ tĩnh (1330-?)

tng-i-danh-y-tu-tnh-ti-bnh-vin-a-khoa-tnh-hi-dng.jpg
 Tượng danh y Tuệ Tĩnh  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Ông được phong là ông tổ của nền y dược cổ truyền Việt Nam.

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư rồi mất ở đó, không rõ năm nào.

Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ.

Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791)

l-hu-trc.jpg
 Hình vẽ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Lê Hữu Trác quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Hưng). Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình làm quan to thời vua Lê chúa Trịnh. Lúc nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha đi học ở kinh đô Thăng Long.

Năm 19 tuổi, cha mất sớm nên Lê Hữu Trác phải thôi học về nhà chịu tang. Ông đã tìm gặp một ẩn sĩ họ Vũ ở làng Ðặng Xá, huyện Hoài An rất giỏi môn Thiên nhân dạy cho thuật âm dương. Sau vài năm nghiên cứu thuật âm dương, Lê Hữu Trác lên đường tòng quân.

Sau khi xin ra khỏi quân ngũ, ông về Hương Sơn (Hà Tĩnh) không lâu thì bị ốm nặng trong 2, 3 năm liền chữa khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam.

Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không có kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Ðộc. Ông Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc được nhân dân rất tín nhiệm. Trong thời gian chữa bệnh ở đây, những lúc rỗi rãi, Lê Hữu Trác mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc và phần lớn đều hiểu thấu.

Thầy thuốc Trần Ðộc lấy làm lạ nên có ý muốn truyền nghề cho Lê Hữu Trác. Sau đó, ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Ông tự học là chính, tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài, tiếc từng giây, từng phút. Và cũng từ đấy, Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Với kiến thức rộng, chuẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi ông vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, ra tới tận kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra. ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách. Bộ sách ‘Y tông tâm lĩnh’ (những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước) được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm trời, bắt đầu vào lúc ông đã 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông tròn 50 tuổi (1770). Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm sau, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập trong ‘Y tông tâm lĩnh’  nữa như ‘Y hải cầu nguyên’ (1782), ‘Thượng Kinh ký sự’ (1783), ‘Vận khí bí điển’ (1786). Sách của ông được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi và được nhiều học trò tín nhiệm nhưng tất cả đều không được in.

Mãi đến một thế kỷ sau, vào năm 1885, năm trị vì đầu tiên của Vua Hàm Nghi, may mắn thay, hậu duệ và các thế hệ học trò cùng những người làm nghề y học cổ truyền ở nước ta mới sưu tầm được tương đối đầy đủ và nhờ nhà sư Thanh Cao (trụ trì ở chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ) đem khắc ván và in. Nhờ vậy, đến nay, chúng ta mới được thừa hưởng một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là ‘Hải Thượng Y tông tâm lĩnh’ gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh…

Giáo sư Hồ Đắc Di (1900 - 1984)

gio-s-h-c-di.jpg
 Giáo sư Hồ Đắc Di.

Giáo sư Hồ Đắc Di sinh nǎm 1900 thuộc dòng họ danh gia vọng tộc. Năm 1918, ông sang Pháp học bác sĩ nội trú tại Đại học Tổng hợp Paris rồi làm việc ở đây một thời gian, đến năm 1932 thì về nước.

Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, GS Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày - tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày - tá tràng gây ra. Phương phát mổ dạ dày thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30 - 40 nǎm.

Các công trình khoa học sau này của GS Hồ Đắc Di trong những năm 1937-1945 thường đứng tên chung với đồng nghiệp và học trò với nội dung giải quyết các bệnh rất đặc trưng của một nước nhiệt đới nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với đồng nghiệp, ông đã công bố phương pháp phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc (1944); mô tả thủng túi mật hiếm gặp (1937); viêm phúc mạc do thủng ruột trong thương hàn (1939). Giáo sư là người đầu tiên ở nước ta nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương (1944).

Với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng được Hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là GS người Việt đầu tiên. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 5; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội các khoá 2,3,4; Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, Tổng giám đốc Đại học vụ Việt Nam, Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Pháp, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hai hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Hai, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc nǎm 1952 và 1956. GS Hồ Đắc Di đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 1996.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968)

bc-s-phm-ngc-thch.jpg
 Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909. Năm 1928, ông vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội, sau đó sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1934. Ông được cử làm trợ lý tại trường Đại học Y khoa Paris, chuyên ngành lao và các bệnh phổi, đồng thời là trợ lý ở bệnh viện Laennec trong 2 năm. Cuối năm 1936, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về nước, sau đó kết hôn với bà Marie Louise, một nữ y tá Pháp cùng làm việc với ông.

Từ ngày 27/8/1945, ông là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủy viên ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Cuối năm 1946, ông ra Bắc và được cử làm Thứ trưởng phủ Chủ tịch, đặc phái viên của Chính phủ sang các nước láng giềng và một số nước châu Âu để trình bày quan điểm của Đảng và Chính phủ ta về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1948, ông được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ vào Nam bộ công tác và sau đó được bầu là Thường vụ Khu uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn.

Giữa năm 1953, ông trở ra Bắc, được phân công làm Trưởng ban Y tế của Đảng phụ trách công tác Y tế an toàn khu (ATK) và làm giám đốc bệnh xá 303. Năm 1954, hoà bình được lập lại trên một nửa đất nước, ông lại được cử làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đến năm 1958 làm Bộ trưởng.

Năm 1959, ở Hà Nội xảy ra đại dịch bại liệt ở trẻ em gây lo lắng cho nhiều gia đình, chính ông đã quyết định dùng vaccine Sabin của Liên Xô sản xuất để tiêm phòng cho trẻ em và nhờ đó, chúng ta đã dần dần loại trừ căn bệnh này.

Năm 1964, ông viết và cho xuất bản cuốn sách ‘Quán triệt phương châm phòng bệnh trong công tác bảo vệ sức khoẻ’ nêu lên những cơ sở về xã hội, về phòng bệnh ở Việt Nam và 7 bài học kinh nghiệm.

Năm 1967, ông viết và cuốn sách bằng tiếng Pháp nhan đề  ‘Nhiệm vụ của y tế trong chiến tranh’ nhằm giới thiệu với bạn bè trên thế giới các bài học kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam đối phó với cuộc chiến tranh huỷ diệt và lên án những tội ác dã man của đế quốc Mỹ. Thời gian này, ông còn kiêm thêm nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ. Trong chuyến đi vào chiến trường cuối tháng 8/1968, ông đã dành nhiều thời gian đi thăm và làm việc với các bệnh viện, bệnh xá, đội phẫu thuật, trao đổi với cán bộ lãnh đạo, triệu tập hội nghị y tế toàn miền, rút kinh nghiệm về tổ chức chuyên môn, tìm cách khắc phục, đề xuất phương hướng mới, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chiến tranh ngày càng ác liệt và xây dựng kế hoạch cho thời gian hậu chiến.

Công việc còn đang dở dang, giữa lúc còn đang ấp ủ bao nhiều hoài bão lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế nhân dân thì ngày 7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã hy sinh.

Không kể đến những bài nghiên cứu đǎng trong các tạp chí chuyên môn nước ngoài từ những nǎm 1937-1938, chỉ trong vòng 10 nǎm từ 1957 khi làm Viện trưởng Viện Chống Lao, ông đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đǎng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế. Nhiều công trình đã được đánh giá cao, được trao đổi rộng rãi và giới thiệu lại trên các tạp chí khoa học nước ngoài.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Y tế vào nǎm 1958. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997 vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967)

gio-s-bc-s-ng-vn-ng.jpg
Giáo sư Đặng Văn Ngữ. 

GS Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4 /4/1910 ở làng An Cựu, thành phố Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937 tại trường Đại học Y Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư, bác sĩ người Pháp Henry Galliard, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng trường Y lúc đó.

Sự nghiệp của ông được thay đổi từ đây, lĩnh vực ký sinh trùng đã theo ông trọn cả cuộc đời. Thời gian này, ông hợp tác với bạn bè mở một phòng thí nghiệm đa khoa và trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng, giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian trong cuộc đời của mình cho nghiên cứu khoa học và đã hoàn thành, công bố 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực. Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy; phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới.

Vượt qua các nhà khoa học người Pháp nghiên cứu trước, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã dành nhiều công sức điều tra về phân bố, sinh thái, sự gây bệnh của các loài ký sinh. Khi điều tra muỗi, ông đã phát hiện ra loại muỗi chưa từng biết và đặt tên là ‘muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ’. Hoặc khi điều tra về nấm, ông đã phát hiện giống Piedraia hortai ở Việt Nam, mà trước đó người Pháp nghĩ rằng chỉ có ở châu Phi.

Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, trong những năm 1943 - 1948, ông được cử đi học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, góp phần đắc lực trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đi đến thắng lợi.

Năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam và là Viện trưởng đầu tiên của Viện này. Trong thời gian chiến tranh, ông đã tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam.

Ngày 1/4/1967, ông đã hy sinh trong một trận Mỹ ném bom B52, tại một địa điểm trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét. Giáo sư Đặng Văn Ngữ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về lĩnh vực Y học.

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 -1982)

gio-s-tn-tht-tng.jpg
Giáo sư Tôn Thất Tùng. 

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế, sau đó ra Hà Nội học ở trường Bưởi. Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, đến năm 1935, ông được tuyển cùng 10 sinh viên khác làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn. Năm 1935, ông là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức bệnh viện Việt Đức hiện nay. Với dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ năm 1935 đến 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề ‘Cách phân chia mạch máu của gan’. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận).

Vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp ‘cắt gan có kế hoạch’. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi là ‘Phương pháp mổ gan khô’ hay ‘Phương pháp Tôn Thất Tùng’. Giáo sư người Pháp nổi tiếng Malêghi năm 1964 đã viết: ‘Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch’.

Cách mạng tháng Tám thành công, Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đầu tiên mang hết nhiệt tình xây dựng Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ sau ngày hòa bình lập lại, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt  Đức, chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Năm 1958, giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1959, ông phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi. Năm 1960, giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Năm 1965, ông triển khai thành công việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.

Giáo sư Tôn Thất Tùng được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và Hội những nhà phẫu thuật Lion (Pháp), Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Angiêri. Năm 1977, giáo sư được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới được trao định kỳ 5 năm một lần. Ông vinh dự và xứng đáng là một trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương ấy. Bên cạnh đó, ông còn để lại 123 công trình khoa học có giá trị.

Giáo sư Tôn Thất Tùng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa 2 đến khóa 7 và giữ chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất ngày 7/5/1982 tại Hà Nội. Từ năm 2000, nước ta đã đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm