pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những thói quen sai lầm về sử dụng đồ uống
Uống khi chưa ăn gì
Ths. Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, việc uống rượu bia khi chưa ăn gì có thể làm tăng tạm thời hàm lượng cồn trong máu ngay khi lượng rượu, bia này được hấp thu.
Khi bụng bạn rỗng, lượng cồn có trong rượu bia sẽ được hấp thu nhanh hơn và do vậy bạn cũng sẽ say nhanh hơn. Để dự phòng tình trạng này, hãy ăn một bữa ăn đầy đủ, cân bằng trong suốt cả ngày, trước khi bạn đi tiệc tùng và đảm bảo rằng, bạn đã ăn nhẹ thứ gì đó trước khi uống.
Uống bằng với bạn bè
Mặc dù tửu lượng của mỗi người là khác nhau, nhưng trong những ngày lễ Tết, khó lòng tránh khỏi việc nâng ly và uống cùng một lượng rượu bia tương đương với những người cùng mâm (trong khi tửu lượng của bạn kém hơn). Vấn đề nằm ở việc, cũng giống như việc uống thuốc, để đạt được cùng một tác động, người này chỉ cần uống một lượng nhỏ, nhưng với người khác sẽ cần uống một lượng nhiều hơn. Do vậy, nếu bạn của bạn có tửu lượng tốt hơn, thì việc họ uống được nhiều hơn bạn là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn uống bằng với họ, thì khả năng bạn bị ngộ độc sẽ cao hơn, trong khi có thể họ chưa bị làm sao cả.
Uống bằng ống hút
Đây là sai lầm mà nhiều phụ nữ mắc phải, vì phụ nữ thường sẽ không muốn bị lem son khi uống nước nên thường sẽ sử dụng ống hút.
Tuy nhiên, bạn cần ý thức được rõ về lượng đồ uống mà bạn đang uống. Nguyên nhân là vì uống bằng ống hút thường sẽ gây khó tiêu bởi bạn có thể sẽ uống quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.
Uống đầy ly
Bạn nên luôn ý thức được về việc bạn đang uống loại đồ uống gì và uống bao nhiêu. Nếu bạn đang uống rượu vang đỏ, việc uống đầy 1 ly sẽ tương đương với việc uống 2 ly. Nếu bạn đang uống các loại rượu mạnh, bạn chỉ nên uống đầy ly khi rượu đã được pha loãng với các loại nước khác. Điều quan trọng nhất là bạn phải ý thức được khẩu phần thực sự của mình. Bạn uống 2 ly đầy không thể được tính tương đương như 2 ly thông thường được - Ths. Lưu Liên Hương khẳng định.
Đưa ly của bạn cho người khác rót
Mặc dù đây là một hành động lịch sự khi đi nhậu, nhưng việc này sẽ khiến bạn nhanh chóng mất kiểm soát về việc bạn đã uống bao nhiêu. Ngoài ra, nếu người rót rượu cho bạn là một người lạ, thì nguy cơ họ có thể bỏ thứ gì đó lạ vào trong đồ uống của bạn cũng rất cao. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy tự rót cho mình và chỉ rót với lượng mà mình có thể uống được.
Ăn những thực phẩm có cồn
Có rất nhiều các loại thực phẩm có cồn ở trong, ví dụ như bánh có nhân rượu rum hoặc kẹo được ngâm trong vodka. Tất cả những loại đồ ăn này đều có thể khiến bạn bị say. Với những loại đồ ăn phải bỏ vào lò nướng, thì thời gian nướng càng lâu, nồng độ cồn sẽ giảm đi, tuy nhiên, kể cả sau khi đã nướng một thời gian dài, vẫn sẽ còn một lượng cồn đáng kể còn lại trong đồ ăn. Ngoài ra, với một số loại đồ ăn được ngâm trong rượu sau khi nướng, thì hàm lượng cồn sẽ lại tăng lên và bạn thậm chí có thể sẽ bị say chỉ sau khi ăn 1 miếng bánh ngọt. Do vậy, hãy luôn thận trọng với những loại đồ ăn có chứa rượu và nên ăn ít nhất có thể.
Chơi các trò chơi có hình phạt là uống rượu
Việc chơi các trò chơi có hình phạt là uống rượu không chỉ khiến bạn nhanh chóng mất kiểm soát về lượng rượu mình đã uống mà thông thường, khi chơi những trò chơi này, bạn sẽ phải uống nhiều loại rượu. Việc này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt và chắc chắn sẽ cảm thấy say hơn nhiều. Nếu vẫn muốn chơi các trò chơi này, tốt nhất nên lựa chọn một hình phạt khác, có thể là vẫn uống nhưng hãy lựa chọn các loại đồ uống không có cồn.
Bạn dùng một loại cốc/ly cho mọi loại đồ uống
Không phải tự nhiên mà với mỗi loại đồ uống lại phải sử dụng một loại ly/cốc riêng. Các loại đồ uống có nồng độ cồn cao như rượu mạnh (scoth hay whiskey) thường được uống trong ly nhỏ hơn. Nếu bạn sử dụng ly to để uống rượu mạnh, thì việc uống 1 ly lớn trên thực tế sẽ tương đương với việc uống 2-3 ly tiêu chuẩn. Nếu bạn không thể đổi ly khác, thì bạn hãy đảm bảo rằng bạn chỉ uống rượu mạnh với lượng tương đương môt lần rót.
Uống thuốc và uống rượu
Nếu bạn đang phải uống thuốc nhưng lại vẫn muốn uống rượu, thì trước tiên bạn cần biết rõ những tương tác có thể xảy ra giữa rượu và loại thuốc bạn đang uống. Với Tylenol, bạn có thể sẽ bị quá liều thuốc nhanh hơn bình thường nếu bạn uống cùng với rượu. Các loại thuốc chống viêm không chứa sterolid có thể gây loét và viêm dạ dày. Nếu bạn uống rất nhiều rượu cùng với aspirin, nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày sẽ tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý rằng, uống aspirin để dự phòng say xỉn sẽ không có tác dụng và thậm chí việc uống rượu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.