Những thông tin cần biết về hiện tượng răng cửa mọc lệch

Ngọc Điệp
21/09/2021 - 14:28
Những thông tin cần biết về hiện tượng răng cửa mọc lệch
Răng cửa mọc lệch là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều đối tượng. Vậy nguyên nhân của răng cửa bị lệch là gì? Phương pháp nào để cải thiện tình trạng này?

Răng cửa mọc lệch chỉ tình trạng hai răng cửa mọc bị vênh so với cung răng và so với các răng ở bên cạnh. Răng cửa bị lệch có thể là một răng hoặc nhiều răng. Tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe nhưng lại trông mất thẩm mỹ.

1. Nguyên nhân khiến răng cửa mọc lệch

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng răng cửa mọc lệch. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến răng cửa bị lệch so với những răng còn lại:

- Nguyên nhân bẩm sinh: Bẩm sinh các răng mọc không đều dẫn tới răng xô lệch so với cung hàm.

- Tình trạng cung hàm nhỏ so với lượng răng phát triển nên dẫn tới tình trạng răng cửa bị chèn ép, lệch hẳn so với vị trí ban đầu.

- Trong quá trình phát triển răng khôn mọc lệch không được can thiệp sớm dẫn tới tình trạng xô lệch các vị trí răng cố định, trong đó có răng cửa.

- Hiện tượng răng khuyết thiếu do bẩm sinh hoặc bệnh lý làm các chiếc răng khác phát triển lấn vào chỗ trống để che lấp khoảng hở gây xô lệch cấu trúc ổ răng, dẫn tới răng cửa bị lệch.

- Các thói quen xấu: Răng cửa bị lệch còn có thể do thói quen ngậm ti giả quá lâu, dùng lưỡi đẩy răng, dùng tay kéo răng..

- Tác động của ngoại lực: Tai nạn va đập mạnh làm ảnh hưởng tới cấu trúc xương hàm và răng làm cho răng cửa mọc lệch.

Răng cửa mọc lệch: Nguyên nhân và các biện pháp cải thiện - Ảnh 1.

Răng cửa mọc lệch có thể do bẩm sinh - Ảnh Internet.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, tình trạng răng cửa mọc lệch còn có thể do nhiều lý do khác nhau. Vì thế, khi phát hiện răng cửa mọc lệch, cần tới các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để thăm khám và tìm ra nguyên nhân chính xác nhất, từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả.

2. Các kiểu răng cửa bị lệch phổ biến

Tình trạng răng cửa mọc lệch là hiện tượng phổ biến nhất trong các khuyết điểm về răng. Theo đó, răng cửa không mọc theo cung hàm mà có phần vênh ra ngoài hoặc thụt vào trong. Răng cửa bị lệch có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Dưới đây là những kiểu răng cửa mọc lệch phổ biến:

- Răng cửa mọc lệch hình chữ V hoặc mọc hình cánh bướm: Đây là tình trạng các răng cửa mọc lệch so với răng liền kề, khiến cho cạnh răng phía trong bị trũng xuống tạo thành hình cánh bướm.

- Răng cửa mọc lộn xộn không đều do quá nhiều hoặc quá ít: Số lượng răng cửa hoặc răng xung quanh nhiều hoặc ít một cách bất thường có thể khiến chúng mọc ra ngoài hoặc mọc thụt vào trong.

- Răng cửa mọc lệch chìa ra ngoài: Chân răng hoặc một phần chân răng vẫn nằm ở vị trí trong cung hàm nhưng phần thân răng lại mọc theo hướng bất thường và chìa ra phía bên ngoài.

- Răng cửa mọc nghiêng: Là tình trạng răng mọc nghiêng sang một bên vừa gây mất thẩm mỹ vừa dần đẩy răng bên cạnh lệch khỏi vị trí.

3. Răng cửa mọc lệch có sao không?

Răng cửa mọc lệch có sao không, có ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng không là băn khoăn của nhiều người. Theo đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết tùy vào mức độ răng cửa bị lệch sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến yếu tố thẩm mỹ cũng như chức năng ăn nhai của răng.

Cụ thể, những ảnh hưởng của răng cửa mọc lệch là:

- Giảm khả năng ăn, nhai do khớp cắn không chuẩn xác.

- Gây phát âm không tốt, không chuẩn, ảnh hưởng tới giao tiếp và công việc.

- Gây mất thẩm mỹ, khiến nụ cười không đẹp, từ đó không tạo ra sự tự tin.

- Khó vệ sinh răng miệng.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng như viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu, hôi miệng....

Răng cửa mọc lệch: Nguyên nhân và các biện pháp cải thiện - Ảnh 2.

Răng cửa mọc lệch khiến khó vệ sinh răng miệng hơn - Ảnh Internet.

4. Răng cửa mọc lệch phải làm sao?

Răng cửa bị lệch không những ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau liên quan tới răng miệng. Vậy răng cửa mọc lệch phải làm sao?

Theo đó, với sự tiến bộ của nha khoa, răng cửa mọc lệch có thể nắn chỉnh răng về vị trí ban đầu một cách nhanh chóng, triệt để, cải thiện tình trạng răng và khuôn hàm, mang lại tính thẩm mỹ cao và đảm bảo chức năng ăn nhai một cách tốt nhất.

4.1. Chỉnh răng cửa mọc lệch bằng cách niềng răng

Trong trường hợp răng cửa bị lệch nhiều và khớp cắn bị ngược, các nha sĩ thường chỉ định niềng răng để cải thiện nhanh chóng tình trạng này. Theo đó, phương pháp chỉnh nha bằng niềng phù hợp nhất với đối tượng trẻ từ 13 – 15 tuổi.

Nguyên nhân là vì khuôn hàm lúc này còn mềm dễ nắn chỉnh nên kết quả sau niềng răng sẽ cao hơn, rút ngắn thời gian đeo mắc cài. Với những người trưởng thành, niềng răng để cải thiện răng cửa mọc lệch sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Niềng răng chữa răng cửa mọc lệch được xem là phương pháp được nhiều chuyên gia nha khoa khuyến khích bởi vì đây là biện pháp có tính an toàn và hiệu quả nắn chỉnh cả hàm răng giúp khắc phục hàm hô móm.

Răng cửa mọc lệch: Nguyên nhân và các biện pháp cải thiện - Ảnh 3.

Niềng răng là phương pháp chỉnh răng cửa bị lệch hiệu quả - Ảnh Internet.

Hơn nữa, lực kéo của khí cụ niềng răng trong thời gian dài sẽ giúp cho răng cửa thẳng đều với các răng còn lại. Thông thường, thời gian để niềng răng mọc lệch mất khoảng từ 12 – 24 tháng, những trường hợp bị lệch nghiêm trọng có thể phải niềng thời gian lâu hơn, đến 36 tháng.

Hiện nay, phương pháp niềng răng để chỉnh răng cửa bị lệch mới nhất là niềng răng mắc cài thế hệ mới. Theo đó, niềng răng mắc cài kim loại là phương pháp chỉnh nha nhờ vào lực tác động của mắc cài để đưa răng về vị trí như mong muốn.

Phương pháp này có ưu điểm là khung niềng bằng kim loại vững chắc, thời gian niềng răng bằng loại mắc cài này được rút ngắn hơn so với các loại mắc cài khác. Hơn nữa, quá trình tiến hành điều trị bằng niềng răng mắc cài kim loại không quá phức tạp như mắc cài mặt lưỡi hay mắc cài sứ. Ngoài ra, niềng răng mắc cài kim loại còn dễ dàng thay thế khi bị bong tuột.

4.2. Bọc răng sứ cho răng cửa mọc lệch

Trong trường hợp răng cửa mọc lệch ít có thể khắc phục nhanh chóng bằng kĩ thuật trồng răng sứ hiện đại. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện nhanh hơn rất nhiều so với niềng răng, chỉ mất khoảng 2 đến 4 ngày là đã có được một hàm răng như ý.

Khi thực hiện biện pháp bọc răng sứ, đầu tiên bác sĩ sẽ phải loại bỏ đi một phần mô răng ở bên ngoài những chiếc răng lệch để tạo ra khoảng trống cho mão răng sứ. Bên cạnh đó, các bác sĩ cần điều chỉnh, định vị vị trí của các răng giúp cho chúng được thẳng và đều đẹp so với các răng khác trong hàm.

Ngoài ra, răng sứ cũng có thời gian sử dụng khá lâu dài, trung bình kéo dài khoảng 10 – 15 năm hoặc hơn thế nữa. Và đặc biệt, phương pháp này không cần nhổ bớt răng.

Tuy nhiên, bọc răng sứ là phương pháp chỉ phù hợp với trường hợp răng lệch ít, chỉ lệch 1 vài chiếc. Còn đối với biện pháp niềng răng là phương pháp có thể nắn chỉnh nha toàn diện nên hiệu quả sẽ cao hơn.

Những thông tin cần biết về hiện tượng răng cửa mọc lệch - Ảnh 5.

Thực hiện biện pháp bọc răng sứ cho răng cửa mọc lệch - Ảnh Internet

4.3. Chỉnh răng cửa bị lệch bằng phẫu thuật chỉnh hình

Khi tình trạng răng cửa mọc lệch nghiêm trọng, các chuyên gia sẽ dùng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình răng mọc lệch. Thông thường, những trường hợp này đều không thể chỉnh bằng biện pháp niềng hay bọc răng sứ.

Theo đó, bác sĩ phải cắt bỏ một đoạn xương và cả răng ở vị trí mọc lệch hay cần chỉnh sửa sau đó mới tiến hành đưa răng về vị trí hợp lý rồi cố định bằng nẹp vít. Đây là phương pháp mang tính thẩm mỹ và đòi hỏi kỹ thuật cao. Khi thực hiện cần can thiệp vào xương và hàm nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng. Chính vì thế, khi lựa chọn thực hiện chỉnh răng mọc lệch bằng phương pháp này, bạn nên chọn những cơ sở uy tín, chất lượng với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và kỹ thuật cao.

5. Một số câu hỏi liên quan tới răng cửa bị lệch

5.1. Răng cửa mọc lệch có nên nhổ không?

Răng cửa không những là bộ mặt của toàn bộ hàm răng mà còn đóng vai trò cắn xé thức ăn ngay khi mới đưa vào khoang miệng. Vì thế, nhiều người thấy răng cửa mọc lệch thường băn khoăn có nên nhổ hay không.

Tuy nhiên, các nha sĩ cho biết nếu nhổ răng cửa mọc lệch sẽ ảnh hưởng lớn tới tính thẩm mỹ và không tốt cho chức năng ăn nhai của cơ hàm. Theo đó, nguyên tắc bảo toàn trong điều trị nha khoa luôn được đặt lên hàng đầu.

Nếu tình trạng răng cửa không thể điều trị, khắc phục nữa thì bác sĩ mới tiến hành nhổ bỏ bởi khi nhổ răng cửa sẽ tạo khe trống khiến các răng khác có thể mọc xô lệch và ảnh hưởng tới quá trình cắn xé thức ăn, mất cảm giác ngon miệng do ống tủy không còn. Vì thế, không nên nhổ bỏ răng cửa mọc lệch nếu chưa có chỉ định cụ thể từ nha sĩ.

Răng cửa mọc lệch: Nguyên nhân và các biện pháp cải thiện - Ảnh 4.

Chỉ nhổ răng cửa bị lệch khi có chỉ định của bác sĩ - Ảnh Internet

5.2. Răng cửa mọc lệch vào trong nên niềng răng hay bọc sứ?

Niềng răng và bọc mão sứ là 2 giải pháp nha khoa tân tiến phổ biến giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng răng mọc lệch. Tuy nhiên, cần lưu ý tùy vào tình trạng răng cửa bị mọc lệch của mỗi người mà các bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định khác nhau sao cho phù hợp, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện.

Cụ thể, thông thường với các trường hợp răng mọc lệch nhiều nguyên hàm, hàm có dấu hiệu hô/móm, cấu trúc răng xô lệch khó cải thiện thì bác sĩ chỉ định chỉnh nha hoặc có thể kết hợp thêm phẫu thuật chỉnh hàm. Còn đối với những trường hợp răng cửa mọc lệch ít, cấu trúc ổ răng còn lại đều thì nên dùng phương pháp bọc sứ.

5.3. Trẻ có răng cửa mọc lệch phải làm sao?

Tình trạng răng cửa bị lệch ở trẻ nhỏ khá phổ biến nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Các bác sĩ khuyến cáo hãy để trẻ phát triển cung hàm, ổ răng tự nhiên cho đến khi chỉ còn những chiếc răng cố định vĩnh viễn.

Khi nhận thấy hàm răng của bé không được đều, hô/móm, khớp cắn lệch, phụ huynh hãy đưa trẻ tới cơ sở nha khoa để được tư vấn.

Răng cửa mọc lệch không những ảnh hưởng tới thẩm mỹ, gây mất tự tin khi giao tiếp mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng. Để được xử lý đúng cách, khi phát hiện răng cửa bị lệch, tốt nhất nên đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm