Những thông tin cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày

Anh Dũng
09/03/2020 - 12:24
Những thông tin cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày có thể gây biến chứng loét hoặc ung thư dạ dày. Hiểu rõ bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày, cũng như các nguyên nhân và chẩn đoán đúng triệu chứng để có cách điều trị phù hợp là việc người bệnh nào cũng nên biết.

1. Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì ?

Hang vị dạ dày là phần dạ dày có vị trí nằm ngang của dạ dày, được xác định trong giới hạn từ bờ cong nhỏ cho đến lỗ môn vị. Viêm xung huyết hang vị dạ dày (hay còn gọi tắt là viêm hang vị) được biểu hiện qua việc viêm cùng các vết loét có mặt tại vùng hang vị dạ dày.

Tình trạng niêm mạc ở vị trí hang vị dạ dày bị viêm dẫn đến ngưng tụ máu làm giãn nở các mạch máu tại đây dẫn tới viêm xung huyết hang vị dạ dày. Khi đó các đốm đỏ xuất hiện trên bề mặt niêm mạc dần xuất hiện và chúng sẽ phát triển lan rộng và nặng thêm nếu như không được điều trị. Qua quan sát nội soi, có thể thấy tại vùng niêm mạc hang vị có màu đỏ hơn hẳn so với các vùng còn lại.

2. Phân loại viêm xung huyết hang vị dạ dày

Bác sĩ sẽ dựa vào tần suất và số lượng vết đỏ xuất hiện bên trong dạ dày để phân chia bệnh viêm xung huyết hang vị thành 3 mức độ khác nhau là nhẹ, vừa và nặng.

Mức độ nhẹ

Khi người bệnh mắc phải tình trạng viêm xung huyết hang vị mức độ nhẹ, các biểu hiện ban đầu gồm có kém hấp thụ chất dinh dưỡng, quá trình tiêu hóa thức ăn bị gián đoạn, ăn uống khó khăn, xuất hiện vết đỏ nhưng chưa nhiều, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, đau rát thượng vị.

Bệnh ở mức độ này chưa gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ở mức độ nhẹ hoàn toàn có thể được chữa trị được, quan trọng là cần phát hiện bệnh sớm.

Mức độ vừa

Khi bệnh nhân xuất hiện các vết đỏ ở dạng đốm với số lượng lớn hơn ở mức độ nhẹ tức là bệnh đã chuyển sang viêm xung huyết hang vị mức độ vừa. Đây là tình trạng mức độ thường hay gặp nhất trong các mức độ viêm xung huyết hang vị. Việc kết hợp cả Đông y và Tây y để chữa trị trong trường hợp này sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Mức độ nặng

Khi bệnh nhân xuất hiện các vết đỏ lan rộng ra khắp vùng niêm mạc hang vị dạ dày thì bệnh đã chuyển sang mức độ nặng. Mức độ này sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như xuất hiện biến chứng. Đa số các bệnh nhân bị viêm xung huyết hang vị mức độ nặng là do không được điều trị sớm hoặc chữa trị sai cách.

Bệnh nhân nếu như đang trong tình trạng này thì cần được chữa trị gấp nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

3. Tiên lượng và biến chứng của bệnh viêm xung huyết hang vị là gì?

Nếu kết quả nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhân mắc bệnh viêm xung huyết hang vị, cần có kế hoạch điều trị ngay trước khi bệnh diễn biến khó kiểm soát. Các giai đoạn kế tiếp của bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày bao gồm:

- Viêm loét niêm mạc: Bề mặt dạ dày bong trợt để lộ lớp niêm mạc và dưới niêm mạc. Giai đoạn này thường đau ít và khó nhận ra trên lâm sàng.

- Loét cơ niêm dạ dày: Vết loét đi sâu hơn tới lớp dưới niêm mạc và cơ dạ dày. Đây là giai đoạn đau cấp tính với cơn đau dữ dội vùng thượng vị.

- Loét mạn tính: Ổ loét ổn định với cảm giác đau âm ỉ và các triệu chứng dai dẳng.

- Loét cấp tính vào mạch máu gây chảy máu đường tiêu hóa: Nếu ổ loét nằm ngay phía trên một mạch máu của dạ dày, khi loét tiến triển sự toàn vẹn của mạch máu bị phá hủy khiến máu trong lòng mạch thoát vào dạ dày. Bệnh nhân có thể nôn ra máu tươi hoặc đi ngoài phân đen sau vài giờ.

- Loét xuyên qua thanh cơ gây thủng dạ dày: Nếu ổ loét phát triển nhanh và liên tục có nguy cơ loét tới lớp ngoài cùng là thanh mạc dạ dày, sau đó làm thủng dạ dày. Đây là trường hợp cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp vì dịch vị với tính acid cao trào vào ổ bụng sẽ gây viêm tất cả các tạng nó chạm tới.

Hai trường hợp cuối cùng cần cấp cứu khẩn cấp vì có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài việc gây ra những cơn đau hang vị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh thì viêm xung huyết hang vị dạ dày còn có nguy cơ biến chứng rất cao. Trong đó bao gồm:

- Chảy máu dạ dày khiến người bệnh nôn hoặc đi ngoài ra máu rất nguy hiểm.

- Thủng dạ dày gây đau bụng dữ dội, nôn, cứng bụng… nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

- Ung thư dạ dày. Trường hợp viêm xung huyết hang vị dạ dày do vi khuẩn HP có nguy cơ biến chứng thành ung thư rất cao.

4. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì là câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân đang thắc mắc. Một vài nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chiếm đến 90% nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn HP khi xâm nhập vào dạ dày sẽ giải phóng các chất độc gây viêm loét và xuất huyết ở hang vị dạ dày ngày một trầm trọng hơn.

- Do lạm dụng thuốc. Dùng quá nhiều thuốc kháng sinh, giảm đau trong thời gian dài khiến cho dạ dày bị tổn thương, viêm loét và xuất huyết.

- Ăn uống sai cách. Thói quen vừa ăn vừa đọc, bỏ bữa, quá bữa, nhai không kỹ… gây áp lực cho dạ dày khi phải tăng tiết nhiều acid dịch vị hơn để tiêu hóa thức ăn. Thường xuyên sử dụng các loại gia vị cay nóng cũng là một nguyên nhân gây bệnh.

- Lạm dụng bia rượu, chất kích thích, hút thuốc lá. Việc này gây bào mòn lớp nhầy bảo vệ thành dạ dày, tăng tiết dịch vị dư thừa, lâu dần gây viêm và xuất huyết niêm mạc.

- Do nấm Candida. Là loại nấm gây chảy máu niêm mạc dạ dày, hang vị và xâm nhập vào các cơ quan khác theo đường máu để gây bệnh.

- Stress. Kích thích tăng tiết cortisol - một chất làm giảm chức năng tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc, đồng thời tăng tiết axit dịch vị dư thừa.

Ảnh 2.

Stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày

5. Triệu chứng của bệnh

Do bệnh không có quá nhiều triệu chứng, nên rất nhiều người hoang mang không biết rõ những dấu hiệu của bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì. Thông thường, khi bệnh tiến triển sang mức độ vừa và nặng, người bệnh sẽ cảm nhận được một số triệu chứng như:

- Đau, nóng rát vùng thượng vị kéo dài. Có thể là cảm giác đau âm ỉ từng cơn, đau gợn nhẹ, đau tăng về đêm khi thời tiết thay đổi, đau tăng khi ăn no. Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy đau thắt, quằn quại và dữ dội, đau lan lên ngực, vai và sau lưng.

- Chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn. Điều này là do khi hang vị bị viêm và xung huyết sẽ cản trở hoạt động tiêu hóa thức ăn, thức ăn không được phân giải gây ứ đọng, buồn nôn và có thể bị trào ngược.

- Da dẻ xanh xao, xám xịt do thiếu chất dinh dưỡng trong thời gian dài và do thức ăn không được chuyển hóa bình thường. Ngoài ra, người bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày còn bị sụt cân, mệt mỏi, tiều tụy.

- Ợ chua, ợ hơi liên tục làm rát ngực, cổ họng và cảm giác chướng bụng rất khó chịu.

- Các vết hồng ban lan khắp niêm mạc hang vị dạ dày, thậm chí là thân vị. Đây là triệu chứng cận lâm sàng giúp phân biệt với các bệnh dạ dày khác.

6. Điều trị

Trước khi tìm hiểu về các phương pháp chữa bệnh, cần nắm rõ 5 nguyên tắc trong điều trị bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì. Dưới đây là các nguyên tắc cần được đảm bảo:

- Đảm bảo việc người bệnh phải được thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá đúng tình trạng bệnh.

- Nếu phát hiện có sự xuất hiện của vi khuẩn Hp thì cần sử dụng kháng sinh diệt Hp.

- Sử dụng các thuốc nội khoa để giảm tiết acid dịch vị.

- Kết hợp đồng thời việc điều trị bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt.

- Người bệnh cần tái khám ngay sau khi kết thúc đợt điều trị.

Các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày bao gồm:

- Nhóm thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị dạ dày. Ví dụ như Phosphalugel, Gastropulgit, thuốc giảm tiết acid dịch vị.

- Nhóm thuốc giúp ức chế thụ thể H2 của histamin nhằm kìm hãm sự hình thành acid HCL. Các thuốc thường được dùng là Ranitidin hoặc Cimetidin.

- Nhóm các thuốc có tác dụng ức chế bơm proton, thuốc có tác dụng ức chế tế bào viền tiết HCL như Omeprazol hoặc lansoprazol.

- Các thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương giúp giảm co thắt, giảm đau như thuốc an thần diazepam.

- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có tác dụng tạo hàng rào ngăn cản sự tấn công của acid pepsin và dịch vị (những yếu tố tăng nặng tình trạng xung huyết hang vị), bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc này được dùng trước khi ăn. Một số loại điển hình như Prostaglandin, sucralfat hoặc Oryzanol tablet.

- Thuốc diệt vi khuẩn HP khi có HP dương tính. Khi viêm xung huyết hang vị có yếu tố Hp, cần diệt Hp theo phác đồ chuẩn 3 thuốc. Trường hợp không đạt hiệu quả như mong muốn thì cần dùng phác đồ 4 thuốc hoặc phác đồ cứu vãn. Một số loại thuốc kháng sinh được dùng trong phác đồ là Amoxicillin, clarithromycin, metronidazol, muối bismuth hoặc tetracyclin,…

Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng các thuốc điều trị viêm xung huyết hang vị có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn nếu không được dùng đúng liều, đúng cách. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh.

7. Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân viêm xung huyết hang vị dạ dày

Thực phẩm nên ăn cho người bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?

Các loại thực phẩm người bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày bao gồm:

- Thực phẩm chứa men vi sinh probiotic.

- Thực phẩm kháng khuẩn.

- Thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ.

- Thực phẩm chứa nhiều omega 3.

- Các loại cháo: cháo hạt sen, cháo rau sam, cháo gà hầm tam thất,…

- Rau củ tươi, non đặc biệt là khoai lang.

- Bánh quy, mật ong, sữa và trứng là loại thực phẩm có công dụng trung hòa acid dịch vị dạ dày từ đó giảm những cơn đau do viêm xung huyết hang vị gây ra.

Ảnh 3.

Có thể dùng nghệ và mật ong để hỗ trợ điều trị bệnh

Thực phẩm nên kiêng khi bị bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?

- Thực phẩm chứa nhiều axit cyanhydric: khoai mì, khoai tây mọc mầm, cà chua xanh, măng tươi.

- Thực phẩm giàu protein: thịt đỏ, hải sản.

- Thực phẩm sống như tôm, mực, cá hồi, rau sống khi sử dụng trực tiếp mà không qua chế biến có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.

- Thực phẩm làm tăng acid bên trong dạ dày như chanh, giấm, xoài chua, muối, cà ri, tiêu, ớt.

- Không ăn nhiều chất béo, khó tiêu.

- Tránh các thực phẩm muối chua.

- Hạn chế các loại gia vị chua và cay trong món ăn.

8. Phòng tránh bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày

Để phòng bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày, mỗi người cần có một chế độ ăn uống hợp lý. Không ăn nhanh, không ăn vội vàng, phải ăn chậm, nhai kỹ, không nên cho canh vào cơm…. Cần ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, không ăn, uống quá no, sau khi ăn uống xong không nên lao động, vận động ngay.

Ngoài ra, cần hạn chế ăn chua cay (dấm, ớt, mù tạt, hạt tiêu…), không uống rượu, bia, nước ngọt có gas khi đói. Tốt nhất là không hút thuốc, không nên uống quá nhiều cà phê, trà đặc. Nếu có bệnh, cần dùng thuốc phải tuân theo lời dặn của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có hại cho dạ dày như aspirin, corticoid… Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, đi bộ, nếu có điều kiện nên tham gia các môn thể thao như bơi, chơi cờ, cầu lông…

9. Các câu hỏi thường gặp

Viêm xung huyết hang vị dạ dày, viêm trợt dạ dày, viêm dạ dày đều chủ yếu do vi khuẩn HP gây nên. Vậy làm sao để phân biệt các căn bệnh này?

- Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm gây nên cơn đau âm ỉ và dữ dội.

- Viêm trợt dạ dày là tình trạng niêm mạc hang vị dạ dày bị viêm, xuất hiện những vết xước nhẹ ( hay còn gọi là trợt) tương tự như những vết xướt trên da va quẹt mạnh vào một vật gì đó.

- Viêm xung huyết hang vị dạ dày là khi vết loét trên hang vị dạ dày để lâu bị lan rộng, các mạch máu bị giãn mạnh gây "xung huyết".

Viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?

Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày không nguy hiểm nếu được điều trị sớm và đúng cách. Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể gây ra đau đớn, khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng tới tâm lý và chất lượng cuộc sống. Nặng hơn, bệnh có thể gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày. Có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày, nhất là trường hợp viêm do vi khuẩn HP.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?

- Chụp X quang có sử dụng thuốc cản quang.

- Nội soi dạ dày. Khi nội soi có thể tiến hành lấy mô để xác định có vi khuẩn HP không, một số trường hợp có thể lấy mô để sinh thiết tế bào đánh giá nguy cơ ác tính.

- Test hơi thở.

- Tìm vi khuẩn trong phân.

- Tìm kháng thể kháng vi khuẩn HP trong máu.

10. Một số hình ảnh về bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì Những thông tin bạn cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 1

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì Những thông tin bạn cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 2

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì Những thông tin bạn cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 3

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì Những thông tin bạn cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 4


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm