Những thử nghiệm kinh hoàng tạo ra loài chuột mang bộ phận con người

26/07/2018 - 14:37
Động vật nửa người, nửa thú không còn là phim khoa học viễn tưởng mà nó đang trở thành hiện thực. Các sản phẩm dưới đây vừa được tạo ra bằng cách kết hợp ADN của người và ADN của loài gặm nhấm.
22-a.jpg
 
1. Chuột mang một nửa não người
Theo trang tin Listverse (LC) của Anh số cuối tháng 6/2018, Trung tâm nghiên cứu y khoa thuộc Đại học Rochester ở New York, Mỹ đã cho ra đời một con chuột mang hàng triệu tế bào não người. Sản phẩm “siêu chuột” này giúp khoa học hiểu sâu hơn về các loại bệnh liên quan đến não bộ. Khoảng một nửa tế bào não cấy ghép có chứa neuron thần kinh của chuột, nhưng hầu hết tế bào thần kinh đệm hỗ trợ cho các neuron này lại là tế bào não người.
 
Trong dự án, các nhà khoa học đã dùng các tế bào thần kinh đệm chưa trưởng thành của bào thai người hiến tặng, tiêm vào chuột con. Những tế bào này phát triển thành các tế bào thần kinh đệm của người trong não chuột. Kết quả, khoảng 300.000 tế bào của con người đã được tiêm vào mỗi con chuột, 12 tháng sau con số này đã tăng lên đến 12 triệu. Tế bào thần kinh đệm riêng của chuột đã bị lấn át bởi tế bào hình sao con người vốn lớn hơn 20 lần so với chuột.
 
Kết quả, sau khi thay tế bào não chuột bằng tế bào người, các tế bào người gần như hoàn toàn chiếm ưu thế trong não chuột. Trong vòng một năm, các tế bào thần kinh của chúng đã được thay thế hoàn toàn bằng các tế bào não người. Mỗi con chuột có khoảng 12 triệu tế bào người, tạo ra bộ não người-chuột, làm cho chúng thông minh hơn so với đồng loại, riêng bộ nhớ được cải thiện gấp 4 lần thông thường.
 
1.jpg
Siêu chuột mang nửa não người, nửa não chuột

 

Điều này được kiểm chứng bằng cách dùng điện giật để tấn công chuột. Sau đó, kiểm chứng cách chuột phản ứng trong những lần tiếp theo khi nghe thấy âm thanh đe dọa. Nhóm nghiên cứu hy vọng, thử nghiệm trên sẽ giúp con người chữa các căn bệnh về não, như bệnh đa xơ cứng các sợi trục thần kinh. Tuy nhiên, nghiên cứu đã vấp phải không ít trở ngại trong cộng đồng khoa học và dư luận, đặc biệt là những vấn đề đạo đức khi cấy ghép não người vào chuột, thậm chí có người xem đây là thảm họa trong tương lai nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
 
2. Chuột mang tai người trên lưng
Các nhà khoa học tại Đại học Tokyo và Kyoto (Nhật Bản) đã dùng công nghệ tế bào gốc để tạo ra một chiếc tai người mọc trên lưng một con chuột. Chiếc tai người xuất hiện trên lưng con chuột bạch không phải làm cho vui mà nó dùng để cấy ghép cho những người mắc bệnh bẩm sinh không có tai.
 
Nó được tạo ra từ sụn tai tế bào gốc đa năng cảm ứng (gọi tắt là tế bào iPS) bằng cách dùng ống nhựa dạng dàn giáo tạo hình tai, sau đó cấy lên lưng chuột. Nó được làm bằng vật liệu phân hủy sinh học, có khả năng hấp thụ chậm vào cơ thể, tạo ra sản phẩm có cả sụn dài tới 5cm. Về lý thuyết nó có thể dùng cho phẫu thuật thẩm mĩ.
 
2.jpg
Chuột mang tai người ở trên lưng

 

Trước nghiên cứu trên, năm 1997, các nhà khoa học tại ĐH Harvard và Viện công nghệ Massachusetts ở Boston (Mỹ) cũng tạo ra những chiếc tai tương tự. Ban đầu, người ta tạo khuôn tai bằng các đường uốn cong. Sau 12 tuần tách tai ra để kiểm chứng tính năng như độ bền, tính mềm dẻo và linh hoạt... Qua kiểm chứng cho thấy, chiếc tai này có thể đạt tiêu chí cấy ghép cho con người.
 
Tuy nhiên, theo người đứng đầu dự án thì do thiếu vốn và bị chê là mạo hiểm, không mang tính đạo đức nên dự án bị giãn tiến độ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm