Những tiếp cận mới về Tự lực Văn đoàn

Thi Thơ
30/06/2023 - 15:25
Những tiếp cận mới về Tự lực Văn đoàn

GS. Martina Thucnhi Nguyen chia sẻ tại Tọa đàm.

Lâu nay, Tự lực Văn đoàn thường được tiếp cận dưới bình diện văn học. Trong tọa đàm mới đây do Viện Văn học tổ chức, những cách tiếp cận mới đã được gợi mở như trên bình diện văn hóa, giá trị; góc nhìn về giới tính hay hình ảnh người phụ nữ…

Sáng ngày 29/06, Viện Văn Học đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học "Tự Lực văn đoàn: những cách tiếp cận mới" với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu, sinh viên...

Buổi tọa đàm diễn ra trong gần 3 tiếng dưới sự Điều phối và phiên dịch của Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long, chuyên gia về Văn học so sánh, Văn học Bắc Mĩ, Văn học di dân (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), Diễn giả: GS. Martina Thucnhi Nguyen (Baruch College, City University of New York), chuyên ngành Lịch sử Đông Nam Á hiện đại và Khách mời bình luận TS. Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học), chuyên gia về Văn học Việt Nam thuộc địa và hậu thuộc địa.

Những tiếp cận mới về Tự lực Văn đoàn - Ảnh 1.

GS Trần Đình Sử chia sẻ tại Tọa đàm.

GS. Martina Thucnhi Nguyen đã chia sẻ về quá trình tìm hiểu cũng như cái duyên đưa chị đến với đề tài nghiên cứu Tự Lực Văn Đoàn. Bà cho biết: "Đến với đề tài này là một cái duyên rất lớn, ba của tôi rất hay trích dẫn những câu thơ trong Thơ Mới, chẳng hạn như câu: "Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng". Ban đầu tôi không biết đây là thơ của Thế Lữ, tới khi tôi về Việt Nam, học tiếng Việt vào năm 22 tuổi, tôi mới biết đó là thơ của ai. Từ đó tôi biết thêm nhiều tác giả khác trong Tự lực Văn đoàn. Càng đọc, càng tìm hiểu tôi càng có nhiều băn khoăn và đó là những thứ thôi thúc tôi nghiên cứu Tự lực Văn đoàn ở những khía cạnh khác thay vì chỉ tập trung vào góc độ văn chương như những nghiên cứu trước đó".

Với vai trò bình luận, TS. Đoàn Ánh Dương nhìn nhận: Cách nhìn Tự Lực Văn Đoàn của GS. Martina Thucnhi Nguyen đã vượt ra ngoài ranh giới của văn chương. TS. Đoàn Ánh Dương cho biết, sau thời gian biết đến công trình của GS. Martina Thucnhi Nguyen không lâu, ông đọc được một công bố nhỏ nhưng rất quan trọng của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: "Tự Lực Văn Đoàn, một "nhóm lợi ích". "Đây là lần đầu tiên người Việt Nam nhìn Tự Lực Văn Đoàn như một tổ hợp kinh doanh - hoạt động kinh tế khác với trước đây chỉ nhìn ở hoạt động văn chương", TS Đoàn Ánh Dương nói.

Những tiếp cận mới về Tự lực Văn đoàn - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phát biểu.

Theo GS Trần Đình Sử, từ trước đến nay, các nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn chủ yếu về mặt văn học. Trong nghiên cứu của GS. Martina Thucnhi Nguyen lại đi vào bình diện văn hóa và bình diện giá trị. "Tôi nghĩ đây chính là một chân trời rộng mở: mở rộng cái nghiên cứu văn học, vượt qua nghiên cứu văn chương, nhưng vượt qua cái văn chương đấy để đi vào các vấn đề văn hóa và một nền giá trị", GS Trần Đình Sử nói.

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, đến nay, nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn tại Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ.

Tại tọa đàm, những người tham gia còn đề cập đến những khía cạnh khác, gợi lên nhiều ý tưởng cho những ai muốn làm nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn. Đặc biệt là tiếp cận Tự lực Văn đoàn dưới góc nhìn giới tính, hay khai thác sâu hơn hình tượng người phụ nữ trong những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm