pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những việc mẹ bầu mang thai tháng thứ 8 cần làm
Giai đoạn tháng thứ 8 sẽ bắt đầu từ tuần 29 đến tuần thứ 32, sự phát triển của thai nhi trong thời gian này khá mạnh mẽ. Bé có kích thước khoảng từ 38 tới 40cm, trọng lượng khoảng 1700gr.
Mang thai ở tháng thứ 8 đã rất gần ngày sinh rồi. Vì vậy ở giai đoạn này mẹ cần đặc biệt chú ý sức khỏe để thai nhi phát triển toàn diện và thuận lợi cho quá trình sinh nở.
Dưới đây là những việc làm mẹ bầu cần lưu ý trong quá trình mang thai tháng thứ 8.
1. Cẩn thận việc sinh non
Vào tháng thứ 8, mẹ cần kiểm tra huyết áp và tiểu đường để đề phòng tiền sản giật và sinh non. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ở giai đoạn này nên đặc biệt chú ý trong chế độ ăn uống. Không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, những cũng không nên ăn quá mặn. Đây là những thực phẩm cấm kỵ trong thời điểm này vì có thể khiến mẹ bầu bị tăng huyết áp và tiểu đường thai kỳ, rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tốt nhất, mẹ nên ăn nhiều trái cây, rau củ tươi để tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, khi vận động để dễ sinh, mẹ nên chọn những bộ môn nhẹ nhàng, không vận động mạnh, quá sức để tránh trường hợp sinh non.
2. Thường xuyên bổ sung vitamin
Hầu hết mẹ bầu rất cần chất sắt trong tháng mang thai này vì nhu cầu của cơ thể tăng cao. Vì vậy, cần bổ sung sắt đúng và đủ từ các thực phẩm giàu chất sắt như rau lá xanh, trái cây khô, trái cây tươi, thịt đỏ và ngũ cốc. Canxi cũng rất cần thiết cho sự phát triển xương đầy đủ của mẹ bầu và thai nhi. Ngoài ra, chị em mang thai cũng cần bổ sung vitamin C cho cơ thể, bởi nó có tác dụng hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn. Các loại thực phẩm giàu protein, carbohydrate và chất béo cũng rất tốt cho bà bầu tháng thứ 8. Chị em cũng nên ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa chứng táo bón... Vì vậy mẹ bầu đừng quên bổ sung những chất này cho cơ thể nhé.
3. Uống nhiều nước
Trong những tháng thứ 8 và 9 của thai kỳ, việc cung cấp nước cho cơ thể là rất cần thiết. Uống 8-10 ly nước hoặc thay bằng nước trái cây tươi.
4. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Ngày sinh sắp đến rất gần, trong tháng mang thai thứ 8 này, bạn nên đảm bảo được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt vì bạn sẽ rất bận rộn khi con chào đời. Hãy nhớ chăm sóc bản thân tốt nhất, đó cũng là cách trực tiếp để chăm sóc cho con. Mẹ bầu càng thư giãn trong thời gian này thì sẽ càng tốt cho việc sinh nở về sau.
5. Cân nhắc việc nghỉ thai sản
Cũng xuất phát từ nguyên nhân mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều hơn nên chị em mang thai hãy cân nhắc đến việc xin nghỉ thai sản sớm. Bởi nếu vẫn cố gắng đi làm vào thời điểm này có thể khiến mẹ bầu bị áp lực công việc và bị suy kiệt cơ thể. Tuy nhiên nếu mẹ bầu nào muốn thời gian chăm sóc con sau sinh lâu hơn thì vẫn có thể làm đến sát ngày sinh. Nhưng mẹ nên chọn những việc nhẹ nhàng, ít đi lại nhiều, không bị áp lực công việc...
6. Thăm khám thai thường xuyên
Việc khám thai thường xuyên không chỉ giúp mẹ bầu được chăm sóc sức khỏe đúng cách mà còn mang lại nhiều lợi ích cho thai nhi. Gần sát ngày sinh, mẹ bầu nên đến bác sĩ 1 lần/tuần. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán ngày sinh của con cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
7. Không di chuyển nhiều, đi đường dài
Vì trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể của mẹ rất nặng nề và dễ bị hụt hơi, do đó mẹ bầu không nên di chuyển đường dài. Nếu để bản thân mất sức sẽ khiến em bé phát triển không được toàn diện, tăng nguy cơ sinh non. Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển xa, mẹ nên cầm theo giấy tờ liên quan để sẵn sàng nhập viện nếu có vấn đề gì không may xảy ra.
8. Xoay ngôi thai
Đến tháng thứ 8 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm nhận được rõ ràng thai nhi đang ngày một chuyển động kém hơn, sức cử động không còn mạnh mẽ như trước. Nguyên nhân là do tử cung chật chội vì kích thước em bé tăng. Lúc này, mẹ có thể đến bệnh viện để kiểm tra vị trí ngôi thai có thuận hay không. Nếu vị trí thai chưa đúng, ngôi thai không thuận thì cần được can thiệp để điều chỉnh lại tư thế thai nhi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.