Những vụ gian lận thi cử rúng động thế giới

20/07/2018 - 17:30
Gian lận trong thi cử luôn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục nhiều nước trên thế giới. Ngay cả trường Đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard vẫn vướng vào bê bối khó đỡ.
Gian lận thi cử tại đại học số 1 thế giới Harvard
 
Đại học Harvard được mệnh danh là trường Đại học danh giá nhất thế giới và luôn là mơ ước của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, năm 2012, ngành giáo dục Mỹ và thế giới đã bàng hoàng khi báo chí đưa tin vụ việc 125 sinh viên bị điều tra do có nghi ngờ gian lận thi cử trong vụ bê bối chấn động. Họ có thể đã cùng nhau làm bài thi cuối khóa ở nhà, bất chấp yêu cầu về việc phải tự làm bài một mình.
 
thi-cu-o-my.jpg
Một buổi thi ở Mỹ

 

Sự việc xảy ra ngày 30/8/2012 khi gần một nửa trong số 250 sinh viên tại lớp học do Giáo sư Matthew B. Platt phụ trách bị Ban quản trị trường Harvard trực tiếp điều tra khi thấy hàng trăm bài thi có nhiều điểm tương đồng. Những sinh viên này bị nghi ngờ “thiếu trung thực về học thuật, từ việc cộng tác trả lời trái quy định cho đến sao chép các câu trả lời của các bạn cùng lớp trong kỳ thi cuối khóa”. Những sinh viên này bị đình chỉ học trong 1 năm. Tuy nhiên, trường Harvard không tiết lộ danh tính vì muốn bảo vệ sinh viên.
 
Không chỉ có Harvard, năm 2011, 178 giáo viên và nhân viên từ 44 trường công ở bang Atlanta (Mỹ) đã thay đổi đáp án của học sinh trong bài kiểm tra có tên "Kiểm tra năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn" (CRCT) đã bị phơi bày sau nhiều năm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh khi kết quả bài thi của các em là không đúng thực tế.
 
Tòa án Mỹ sau đó truy tố trách nhiệm của 35 người có liên quan trực tiếp và đưa ra phán quyết vào năm 2015. Trong đó, 21 người đã nhận tội để được hưởng khoan hồng, 2 người đã qua đời trong khi chờ xét xử. Nhiều người phải chịu án tù 3 năm, nhiều giờ lao động công ích và một khoản tiền bồi thường 10.000 USD.
 
Giáo viên Senegal bị bỏ tù vì bê bối lộ đề thi 
Một tòa án ở Dakar (Senegal) đã kết án tù lên đến 5 năm cho 42 người gồm hiệu trưởng, giáo viên và học sinh với cáo buộc gian lận, liên quan đến bê bối rò rỉ đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào tháng 7/2017. Nhà chức trách đã phải hủy bài thi môn tiếng Pháp và Lịch sử - Địa lý sau khi đề bị phát tán trên nhiều mạng xã hội, trong đó có WhatsApp.
 
thi-cu-o-senegal.jpg
Lãnh đạo Bộ Giáo dục Senegal kiểm tra các điểm thi nghi vấn

 

Đặc biệt, hiệu trưởng của một trường trung học cấp tỉnh phải chịu án tù 5 năm và nộp phạt 500.000 franc (hơn 20 triệu đồng) sau phiên tòa ngày 24/5 vừa qua. Một giáo viên khác bị kết án 2 năm, nộp phạt 18 triệu franc (728 triệu đồng) và bị tịch thu tài sản.
 
Hàn Quốc hủy kết quả bài thi SAT do đề thi bị lộ 
Kỳ thi chuẩn hóa vào các trường đại học ở Mỹ (SAT) là kỳ thi toàn cầu quan trọng để đánh giá kiến thức tự nhiên và xã hội của học sinh. Bên cạnh trình độ tiếng Anh, điểm thi SAT thường được các trường đại học của Mỹ sử dụng làm một trong những căn cứ thiết yếu để xét tuyển sinh viên và xét cấp học bổng. Thế nhưng, lộ đề thi SAT đã xảy ra nhiều lần ở Hàn Quốc. Lần đầu tiên vào tháng 1/2007 khi có khoảng 900 học sinh bị hủy kết quả sau khi có nghi vấn một phần đề thi đã bị lộ ra trước đó.
 
thi-cu-o-han-quoc.jpg
Một kỳ thi căng thẳng ở Hàn Quốc

 

Gian lận tiếp tục xảy ra ở một quy mô lớn hơn khi toàn bộ bài thi ngày 4/5/2013 trên toàn quốc (khoảng 1,500 thí sinh) bị hủy sau khi Cơ quan giám sát kì thi SAT (College Board) và Cơ quan chấm điểm kì thi (Educational Testing Service) nhận được thông báo rằng nhiều trung tâm luyện thi trên Hàn Quốc đã biết được đề thi trước đó. Một cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành với tất cả 68 trung tâm luyện thi tại Seoul, Hàn Quốc. Một số nhân viên đã thừa nhận gian lận và cho biết rằng đề thi SAT được bán với giá khoảng 4.500 USD. Dù giá đắt như vậy song các lò luyện thi vẫn bán chạy như “tôm tươi” do không ít bậc phụ huynh sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả phi pháp, để biến giấc mơ học đại học Mỹ của con cái họ trở thành hiện thực.
 
Hơn 170.000 thí sinh Ấn Độ bị hủy thi 2 lần 
Ngày 21/3/2016, chỉ vài giờ trước ngày thi môn Hóa học trong kỳ thi đại học ở bang Karnataka (Ấn Độ), các quan chức đã hủy thi sau khi một học sinh cảnh báo đề bị lộ. Một tuần sau đó, 3 quan chức Ấn Độ bị bắt ngày 4/4/2016 vì lộ đề thi Hóa học. Điều này buộc 174.000 thí sinh dự thi đại học trên toàn tiểu bang bị hủy thi lần thứ 2 vì cùng một lý do. Một trong những viên chức bị bắt là một trợ lý riêng cho Bộ trưởng Giáo dục Y khoa trong chính quyền tiểu bang. Truyền thông cho biết, 40 nhân viên cơ quan giáo dục bang bị đình chỉ sau vụ bê bối.
 
thi-cu-o-an-do-3.jpg
Nhiều người bất chấp nguy hiểm leo tường tiếp cận phòng thi để nhắc bài cho con em ở Ấn Độ.

 

Việc hủy thi lần thứ 2 đã kích động biểu tình bạo lực trong khối học sinh lớp 12 tại bang này. Nhiều học sinh đã tấn công vào văn phòng cơ quan phụ trách thi cử ở thành phố Bangalore. Theo cảnh sát, đề thi bị lộ được bán với giá ít nhất 1.000 rupee (15 USD) trên dịch vụ nhắn tin Whatsapp. Kỳ thi sau đó được chuyển sang ngày 12/4.
 
Gian lận thi cử công nghệ cao tại Trung Quốc 
thi-cu-o-trung-quoc-2.jpg
Thiết bị gian lận được giấu trong kính mắt ở Trung Quốc.

 

Gian lận thi cử bằng công nghệ cao đã trở thành vấn nạn ở Trung Quốc với trung bình 2.000 thí sinh bị hủy thi trong các kì thi quốc gia mỗi năm. Đỉnh điểm là có đến gần 2.500 thí sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi để được cấp phép dược sĩ ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây trong ngày 18 và 19/10/2014 ở 7 địa điểm thi khác nhau đã bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Nước này thậm chí đã phải sử dụng đến các biện pháp như như máy bay không người lái phá sóng, máy dò kim loại, máy quét vân tay và máy quét nhãn cầu để tránh gian lận thi cử công nghệ cao.
 
thi-cu-o-trung-quoc-1.jpg
Trung Quốc lắp đặt camera theo dõi các kỳ thi

 

 
Cảnh sát Tây An bắt một số người với cáo buộc đứng sau vụ gian lận này. Những kẻ cầm đầu đường dây gian lận đưa người giả làm thí sinh dự thi, trà trộn vào các điểm thi để lấy bảng câu hỏi trắc nghiệm đem về, chuẩn bị đáp án chính xác rồi chuyển cho những thí sinh đang trong phòng thi qua sóng truyền thanh. Mỗi thí sinh gian lận trong kỳ thi đã chi 330 USD cho đường dây này.
 
Gian lận sử dụng công nghệ ở Thái Lan 
thi-cu-o-thai-lan-3.jpg
Thái Lan thu giữ các tang vật công nghệ cao trong một vụ gian lận thi cử

 

Năm 2016, các sinh viên tại một trường cao đẳng y tế ở Thái Lan đã bị bắt quả tang sử dụng máy ảnh gián điệp kết nối với đồng hồ thông minh để gian lận trong các kỳ thi. Họ đã sử dụng máy ảnh gián điệp không dây giấu trong mắt kính để quay lại câu hỏi thi, truyền thông tin tới các cộng sự ở nơi khác và nhận câu trả lời qua đồng hồ. Kỳ thi tuyển sinh bằng câu hỏi này cũng đã bị hủy bỏ sau khi vụ việc bị phát hiện. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm