pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những ý nghĩa đặc biệt của Lễ hội Áo dài TPHCM 2022
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân
Lễ hội Áo dài TPHCM có sự đồng hành của hơn 20 nhà thiết kế như Đỗ Trịnh Hoài Nam, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Việt Hùng, Liên Hương, Trisha Võ, Vũ Thảo Giang... Sau đêm khai mạc vào tối 5/3, Lễ hội Áo dài TPHCM sẽ diễn ra đến ngày 15/4 với hàng loạt hoạt động hấp dẫn, được kỳ vọng trở thành một trong những sự kiện du lịch - văn hóa đặc trưng của thành phố mang tên Bác, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách trong và ngoài nước.
TPHCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm khôi phục kinh tế - xã hội trong bối cảnh tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19. Sự kiện Lễ hội Áo dài có ý nghĩa đặc biệt thu hút đông đảo các nhà thiết kế, những người yêu áo dài trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, chia sẻ về những điểm nhấn đáng chú ý của Lễ hội Áo dài TPHCM 2022:
+ Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của Lễ hội Áo dài TPHCM sau mỗi năm tổ chức?
Từ năm 2014, Lễ hội Áo dài TPHCM được tổ chức nhằm tôn vinh trang phục áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Qua chặng đường 8 năm phát triển, Lễ hội đã trở thành một hoạt động văn hóa - du lịch quan trọng, từng bước khẳng định thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh TPHCM - Điểm đến An toàn - Hành trình Sống động. Đặc biệt Lễ hội năm nay càng có nhiều ý nghĩa hơn khi thành phố đang có sự chuyển mình tích cực sau thời gian chống chọi với đại dịch. Chính các hoạt động của Lễ hội sẽ lan tỏa niềm vui, tinh thần lạc quan, cùng nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc cả thành phố cùng gắn bó, vượt lên sau những thử thách của đại dịch.
+ Lễ hội Áo dài TPHCM luôn là sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm và tham gia của các NTK áo dài. Với góc độ là một người phụ nữ yêu áo dài, bà có thể chia sẻ thêm về các bộ sưu tập của Lễ hội năm nay?
Khi BTC ban hành kế hoạch đã nhận được sự hưởng ứng và phản hồi tích cực từ phía các NTK áo dài. Lễ hội năm nay có sự tham gia của hơn 20 NTK trong cả nước. Điều đó cho thấy độ thu hút của sự kiện - được xem là nơi gặp gỡ, hội tụ, giao lưu giữa các NTK; là sự lan tỏa về tình yêu của người Việt Nam đối với chiếc áo dài. Các bộ sưu tập áo dài trong Lễ hội năm nay rất đặc sắc, vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính ứng dụng cao, đã thể hiện các góc nhìn sáng tạo, đa màu sắc nhằm hướng đến thông điệp "Tôi yêu áo dài Việt Nam". Với riêng những người phụ nữ chúng tôi, được khoác lên mình chiếc áo dài luôn là niềm tự hào, niềm hãnh diện, bởi đó là tinh thần, là cốt cách của truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta.
+ BTC đã có những biện pháp như thế nào đảm bảo lễ hội được diễn ra an toàn, thành công?
Trong tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, ngay từ khi tham mưu cho UBND TPHCM ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội, chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương án tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Chẳng hạn như với 2 hoạt động lớn là Lễ khai mạc và chương trình Diễu hành áo dài, BTC đã đưa ra đường đi bộ Nguyễn Huệ nhằm tạo sự sự thông thoáng hơn và có phân công bộ phận thường trực kiểm soát, nhắc nhở các đại biểu, du khách đến tham dự phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K. Đối với các hoạt động truyền cảm hứng về áo dài, BTC đã cân nhắc hạn chế số lượng khách mời tham dự, không tụ tập đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
+ Bà có thể cho biết vì sao chủ đề của Lễ hội hàng năm lại mang tên "Tôi yêu áo dài Việt Nam"?
Tôi yêu áo dài Việt Nam không chỉ là chủ đề của riêng năm 2022 mà đó là chủ đề xuyên suốt của Lễ hội Áo dài từ năm 2014 đến nay. Chủ đề của Lễ hội nhằm hướng đến mục tiêu tôn vinh nét đặc sắc của trang phục áo dài Việt Nam với lịch sử hình thành và quá trình phát triển; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên, phụ nữ các giới về giá trị văn hóa truyền thống của trang phục áo dài Việt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam.
+ Theo bà, trong bối cảnh "bình thường mới", Lễ hội Áo dài TPHCM là sự kiện có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt đối với phụ nữ?
Lễ hội Áo dài năm nay được xem là sự trở lại đầy ấn tượng, thêm một lần nữa khẳng định sự hồi sinh của TPHCM sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19. Trải qua một giai đoạn căng thẳng chống dịch, chúng ta đều nhận ra rằng thành phố này đáng yêu đến thế nào, đặc biệt khi nhịp sống đã trở lại, khi tình yêu thương đã gắn bó chúng ta và đã vực dậy tất cả sau những thử thách của đại dịch. Với tinh thần đó, phụ nữ TPHCM luôn tự hào và nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần cùng thành phố phát triển bền vững hơn.
+ Xin cảm ơn bà!