Ni giới Việt Nam làm đẹp cho đạo, làm tốt cho đời

28/10/2019 - 17:58
Ni giới Phật giáo luôn nỗ lực không ngừng, đồng lòng chung sức làm đẹp cho đạo, làm tốt cho đời là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra tại Hội thảo "Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam".

Chiếm hơn nửa dân số đất nước, phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại đều khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp to lớn trong đời sống xã hội và gia đình. Trong thành tựu chung ấy có sự dấn thân, dâng hiến của Ni giới Phật giáo luôn nỗ lực không ngừng, đồng lòng chung sức làm đẹp cho đạo, làm tốt cho đời.

Trân trọng những đóng góp to lớn của ni giới với phong trào phụ nữ Việt Nam, tại Hội thảo Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch, TS Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đã có tham luận Ni giới Việt Nam nối mạch truyền thống, thực hiện chân lý bình đẳng, dấn thân làm lợi cho đạo, làm đẹp cho đời. Báo PNVN xin trích đăng phần tham luận khẳng định vai trò và những đóng góp của ni giới và gửi gắm những mong muốn nhằm phát huy năng lực tiềm tàng của chư ni trong xã hội hiện nay:

 

Hội thảo khoa học "Nữ Phật tử Phật giáo Việt Nam"
 

Dấn thân, dâng hiến trong các hoạt động an sinh xã hội, giáo dục, y tế

Ni giới cả nước với tinh thần từ bi, bác ái tiếp tục các hoạt động nhân đạo, cứu khổ cứu nạn như nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật, nuôi người già neo đơn, tổ chức các tuệ tĩnh đường khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đảm nhận các bếp ăn từ thiện... cùng các hoạt động thiện nguyện đến mọi miền của Tổ quốc để tặng học bổng cho học sinh nghèo, xây nhà tình thương, xây cầu, khoan giếng, phát xe lăn, xe đạp, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo...

Tinh thần dâng hiến của chư ni còn thấm sâu nghĩa cử cao đẹp: cưu mang trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật hoặc gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng. Nhiều ngôi chùa trở thành mái ấm gia đình cho trẻ mồ côi, cho người khốn khó, trở thành lớp học dạy chữ, dạy làm người cho trẻ khó khăn, khuyết tật. Nhiều Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại do chư ni thành lập. Điển hình như Phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Phước An (Cần Thơ) của Ni sư Thích Nữ Từ Tâm, Phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc) của Ni sư Thích Nữ Diệu Nhân, Phòng khám đa khoa từ thiện Long Bửu (Bình Dương) của Ni sư Thích nữ Liên Thanh đã phục vụ khám chữa bệnh miễn phí cho hàng vạn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khắp các tỉnh, thành trong cả nước… Cũng từ những hoạt động đó mà nhiều người đã bén duyên Phật pháp, quy y cửa Phật, lan tỏa giá trị nhân văn cho xã hội, điển hình như Ni sư Thích Nữ Diệu Nhân (là tiến sĩ, từng là Phó chủ nhiệm khoa hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương).

Chỉ tính riêng năm 2018, các chư ni cả nước đã vận động trên 323 tỷ đồng (theo báo cáo tổng kết công tác hoạt động Phật sự năm 2018 của Phân ban Ni giới), góp phần vào công tác an sinh xã hội.

 

TS Bùi Thị Hòa (phải) - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - tại Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch 
 

Thông tuệ Phật pháp, truyền dạy giáo lý, lan tỏa tinh thần thương yêu cộng đồng và góp phần xây dựng xã hội yên bình

Với tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, Ni giới đã tham gia vào công tác hoằng pháp, là ủy viên Ban hoằng pháp Trung ương và Ban hoằng pháp của Giáo hội tỉnh thành phố, thường xuyên thuyết giảng cho các đạo tràng tu tập, giảng dạy các lớp giáo lý, Phật pháp căn bản và giáo lý chuyên sâu, tổ chức các khóa tu mùa hè, khóa tu dành cho giới trẻ và trẻ em, khóa tu dành cho người khiếm thị, khóa tu dành cho bệnh nhân, người khuyết tật… với chí nguyện hoằng pháp độ sanh không mệt mỏi, một số chư ni trẻ giảng sư đã được số đông quần chúng Phật tử và giới trẻ yêu mến theo học. Từ đó mà giáo pháp của Đức Phật được ban rải, lưu truyền từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, từ những người sống ở thành thị đông đúc, phồn hoa đến vùng quê nghèo còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và mạng xã hội, các chư ni nhanh chóng tìm hiểu, tiếp thu, thay đổi các hình thức truyền giảng cho phù hợp, dễ tiếp cận với Phật tử. Nội dung truyền bá đến chúng sinh không chỉ gói gọn trong các vấn đề của kinh sách mà được kết hợp với những vấn đề trong gia đình, đời sống xã hội, môi trường sống, những vấn đề trong cuộc sống được bá tính quan tâm... với các hình thức sinh hoạt, trao đổi phong phú, linh hoạt thu hút sự tham gia của tín đồ và nhân dân. Những hoạt động mà các chư ni đang thực hiện là sự kế thừa của lịch sử, đồng thời đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh hiện đại, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo.

 

Dẫn dắt và tập hợp, thu hút tín đồ hướng thiện, ích nước, lợi nhà

Với tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác”của Đức Phật dạy, các Ni giới đã hướng dẫn Phật tử sống tri túc và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, ứng xử với nhau trên tinh thần từ - bi - hỷ - xả, làm tròn bổn phận của Phật tử với đạo pháp và nghĩa vụ công dân với đất nước. Phật giáo lưu chuyển trong mạch sống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, các chư ni trong lịch sử đã truyền bá chánh pháp bằng những phương pháp uyển chuyển, dung dị, gần gũi, giúp giáo lý nhà Phật in sâu vào đời sống và tư tưởng người Việt.

Ngày nay, tín đồ Phật giáo thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau trong xã hội nên việc định hướng, dẫn dắt, hướng dẫn tu tập cần sự vận dụng phương tiện khéo léo phù hợp. Trong các đại tràng thính pháp, đa số là người bình dân, cần ứng dụng giáo pháp thuyết giảng phù hợp, cụ thể, quan tâm chú ý, hướng dẫn họ tu tập hành xử đúng chánh pháp, không để xảy ra mê tín dị đoan, thực hành sai lệch. Nhiều vị Ni trưởng, chân ni đã mạnh dạn thuyết giảng về một số hành vi chưa đúng với giáo lý của Phật giáo, nhắc nhở các tín đồ nữ chỉ chú trọng lễ lạy, dâng sao giải hạn, cầu tài lộc, bình an và sức khỏe, đốt nhiều vàng mã… mà không hiểu được giáo lý, ý nghĩa của Phật pháp. Do đó, việc nâng cao nhận thức đúng đắn giáo lý Phật giáo luôn là vấn đề quan trọng được Ni giới quan tâm dẫn dắt.

Không chỉ truyền giảng thuyết pháp, trong hoạt động của các Ni còn lồng ghép các nội dung giúp tín đồ nhận thức các hiện tượng, mối quan hệ, những biến chuyển của xã hội một cách đúng đắn, khách quan để từ đó người tín đồ hiểu đúng và xem việc chấp hành pháp luật như là một chuẩn mực về đạo đức xã hội, là trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Bằng uy tín và đạo đức, Ni giới đã tích cực tập hợp, thu hút tín đồ, đặc biệt là các nữ tín đồ. Dù hiện nay chưa có con số thống kê số tín đồ là nữ chính xác, nhưng thực tế quan sát tại các chùa chiền thì tỷ lệ nữ giới tới các cơ sở thờ tự luôn chiếm tỷ lệ cao. Với vai trò và đặc tính về giới, ni giới có nhiều lợi thế trong tập hợp, thu hút các tín đồ tham gia các hoạt động Phật sự và và thế sự. Thực tế các Ni trưởng và chư ni đã tổ chức các hoạt động thu hút người dân theo các nhóm rất thành công.

 

Phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Phước An (Cần Thơ) của Ni sư Thích Nữ Từ Tâm

 

Không ngừng học hỏi, nâng cao học thức, phát triển chùa chiền, góp phần nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam trên thế giới

Hiện nay, số lượng chư Ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều vị tham gia đào tạo tại nước ngoài, có trình độ hiểu biết sâu rộng, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu thế sự, nhiều vị tham gia giảng dạy tại các trường Cao trung cấp Phật học góp phần quan trọng trong phát triển đạo pháp.

Quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, ni giới phối hợp với các trường đại học, các tổ chức, chuyên gia tổ chức các hội thảo như: Hội nghị Ni giới Phật giáo thế giới (2009), Hội thảo khoa học quốc gia “Ni giới Phật giáo Việt Nam - Truyền thống và hiện đại” (2016), Hội thảo khoa học “Di sản Sư trưởng Như Thanh - Kế thừa, phát triển Ni giới Việt Nam” (2019), hội thảo khoa học "Nữ Phật tử với Phật giáo và lễ tưởng niệm 906 năm ngày Ni sư Diệu Nhân cùng Chư vị tiền bối viên tịch" (2019), tích cực tham gia soạn thảo nội dung, đóng góp ý kiến trong các hội thảo của các đơn vị, của MTTQ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam.

Trong xây dựng nơi tu tập cho chúng sinh, chư ni đầu tư tâm sức tu tôn tạo chùa tháp, thành lập các cơ sở thờ tự trang nghiêm, xây dựng các cơ sở thờ tự tạo thêm điều kiện, không gian, sức mạnh… cho việc hoằng pháp lợi sinh khởi sắc hội nhập với thời đại mới. Những ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của Phật tử, truyền bá Phật pháp, nơi thân tâm thanh tịnh, nhắc nhở con người từ bi, xóa bỏ tham sân si, những chùa ni còn được vun vén, chăm chút tạo cảm giác gần gũi cho Phật tử, khách thập phương đến chùa như sự trở về với những người mẹ, người chị trong gia đình.

Các hoạt động quốc tế được tổ chức ở Việt Nam cũng như các hoạt động Ni giới Việt Nam tham gia ở các quốc gia khác nhau trên thế giới đã và đang khẳng định năng lực, phẩm chất, vị thế của Ni giới ở Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh quốc gia rất coi trọng việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giới thiệu hình ảnh và đất nước con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Điều đó được khẳng định qua 3 lần đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam, và đặc biệt là Hội nghị Ni giới, do Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương đứng ra tổ chức với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (năm 2009 -2010) nhằm tôn vinh những thành tựu của nữ giới Phật giáo, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị của nữ giới trên khắp thế giới.

 

 

Với những hoạt động tích cực trong nước và quốc tế tại lễ trao giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc thế giới (OWBA) lần thứ 17 năm 2018 có 21 vị Ni và nữ cư sĩ Phật giáo được vinh danh, nhận giải thưởng trong đó có 10 chư tôn đức Ni Việt Nam nhận giải thưởng đã có đóng góp tích cực cho sự nghiệp hoằng pháp, từ thiện xã hội, hòa bình thế giới và thực hành thiền định. Giải thưởng này khẳng định vị thế của ni giới Việt Nam trên trường quốc tế qua đó khẳng định đóng góp của Ni giới với công cuộc xây dựng đất nước và xã hội tiến bộ.

Thành quả của Ni giới Việt Nam từ ngàn xưa tới nay đã được lịch sử ghi nhận. Đánh giá cao và trân quý ghi nhận cống hiến của Ni giới Việt Nam ngày nay, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn sát cánh cùng Ni giới Việt Nam thông qua hệ thống Hội từ Trung ương tới cơ sở để tạo điều kiện, động viên và phối hợp để hoạt động của Ni giới thiết thực, hiệu quả nhất, phát huy truyền thống xứng đáng với kỳ vọng về Ni giới Việt Nam tích cực trong phong trào thi đua “Tốt đạo, đẹp đời”. 

Hòa thượng. TS Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đầu thế kỷ 21, số lượng chư Ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, chiếm tỉ lệ 54% trên tổng số hơn 50.000 Tăng Ni trong cả nước. Trong số đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và giữ nhiều trọng trọng trách quan trong trong Giáo hội, nhiều đóng góp cho những thành công của Giáo hội. Để có được một Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi mới, bền vững và trường tồn cùng thời gian, cùng lịch sử dân tộc, vai trò của nữ giới nói chung và đoàn thể Ni giới Phật giáo nói riêng chính là một mạch nguồn mang chính pháp đến xua đi những khổ đau, bất hạnh, lan tỏa hạnh phúc, vinh quang cho đời, cho xã hội và non sông Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm