Nina Simone: Âm nhạc thách thức định kiến chủng tộc

Thiên Ánh (Tổng hợp)
21/02/2023 - 12:25
Nina Simone: Âm nhạc thách thức định kiến chủng tộc

Nina Simone trong một buổi diễn vào năm 1964

Eunice Kathleen Waymon sinh ngày 21/2/1933, được biết đến với nghệ danh Nina Simone, là một ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm và nhà hoạt động dân quyền người Mỹ.

Âm nhạc của bà đa dạng về phong cách, bao gồm cổ điển, dân gian, blues, jazz, R&B và pop. Bà là một nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến lứa nghệ sĩ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000.

Nina Simone là người con thứ 6 trong số 8 người con của một gia đình nghèo ở Bắc Carolina, Mỹ. Đam mê âm nhạc từ nhỏ, Nina học và chơi đàn cho dàn hợp xướng của nhà thờ. Bà từng nộp đơn xin học bổng để theo học tại Học viện Âm nhạc Curtis ở Philadelphia nhưng đã bị từ chối nhập học. 

Nina Simone: Âm nhạc thách thức định kiến chủng tộc
 - Ảnh 1.

Ca sĩ Nina Simone

Chuyện kể rằng, trong một lần biểu diễn, cha mẹ bà đã bị ép phải xuống hàng ghế sau cùng để "nhường chỗ cho người da trắng" và bà đã kiên quyết không biểu diễn cho đến khi cha mẹ được trở lại hàng ghế đầu. Sự việc đó đã góp phần khiến bà sau này tích cực tham gia phong trào dân quyền ở Mỹ.

Để kiếm sống, Nina bắt đầu chơi piano tại một hộp đêm ở thành phố Atlantic. Bà buộc phải đổi tên thành "Nina Simone" để giấu các thành viên trong gia đình vì đã chọn chơi "nhạc của quỷ" hay còn gọi là "cocktail piano", khác với đàn dương cầm bà chơi ở nhà thờ. Sự nghiệp của bà dần khởi sắc nhờ phong cách độc đáo phối nhạc pop và cổ điển, cùng giọng ca giàu cảm xúc. 

Nina Simone: Âm nhạc thách thức định kiến chủng tộc
 - Ảnh 2.

Chân dung Nina Simone năm 1965

Bà đã có một đĩa đơn ăn khách tại Mỹ vào năm 1958 mang tên "I Loves You, Porgy". Nina đã nhận được nhiều giải thưởng với hơn 40 album trong suốt sự nghiệp ca nhạc của mình.

Năm 1964, Nina Simone ký hợp đồng với hãng thu âm Phillips Records của Hà Lan, từ đây mở ra con đường âm nhạc vì dân quyền của bà. Bài hát "Mississippi Goddam" của Nina là bài hát đầu tiên bà đề cập đến vấn đề bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ. Bài hát thách thức định kiến chủng tộc và kêu gọi sự thay đổi. Hồi tưởng về giai đoạn này, bà đã viết trong cuốn tự truyện rằng: "Khi đó, tôi cảm thấy mình sống động hơn bây giờ vì tôi được cần đến và tôi có thể hát gì đó để giúp đỡ người của mình".

Nina Simone: Âm nhạc thách thức định kiến chủng tộc
 - Ảnh 3.

Nina Simone trong một buổi diễn tại Pháp năm 1982

Nhiều nghệ sĩ như John Lennon (ban nhạc "The Beatles"), Madonna và Adele đã nói rằng Nina là người có tầm ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của họ. Nghệ sĩ Elton John còn có một cây đàn piano đặt theo tên của bà. Nina Simone đã chứng minh rằng, âm nhạc có thể trở thành một thứ vũ khí hiệu quả để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nina Simone qua đời vào ngày 21/4/2003, thọ 70 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm