pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực giúp chị em dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ thông tin
Các cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS tại Bình Phước tham gia lớp tập huấn về CNTT.
Ứng dụng CNTT là vấn đề cấp thiết
Xã Đak Nhau (Bù Đăng, Bình Phước) là xã vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS ở đây chiếm 48,8% dân số. Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay của địa phương là nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho người dân, trong đó có chị em, phụ nữ DTTS.
Bà Doanh Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Nhau (Bù Đăng, Bình Phước) cho biết, một số nơi trên địa bàn xã không có điện lưới, hệ thống internet không phủ sóng tới. Việc liên lạc với người dân thường xuyên gián đoạn, huống hồ việc kích hoạt định danh điện tử, giao dịch trên dịch vụ công…
Những hộ gia đình ở xa trục đường lớn, không có điều kiện kéo điện vào tận nơi nên phải dùng điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, lượng điện này không đủ để xem tivi và sử dụng một số phương tiện khác, dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Địa phương sử dụng loa truyền thanh để làm phương tiện thông tin, tuyên truyền nhưng một số loa lại hay hỏng hóc.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, cho hay: "Kiên Giang có địa hình đa dạng, nhiều hộ dân sống trong vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, sự đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ không đồng đều nên vấn đề nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho chị em DTTS các khu vực này rất khó khăn. Một số chị em ở vùng sâu, vùng xa có mức sống thấp, thu nhập không ổn định gây khó khăn trong việc mua sắm các thiết bị công nghệ".
Nhìn chung, việc phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông tin và đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ DTTS khu vực phía Nam là vấn đề cấp thiết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận CNTT của phụ nữ trong các cộng đồng này đang gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu kỹ năng công nghệ và sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, một số chị em chưa nhận thức đầy đủ những lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong cuộc sống và công việc…
Dự án 8 "mở cánh cửa" cho chị em DTTS tiếp cận CNTT
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em", các cấp Hội LHPN trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về CNTT cho nhiều chị em, hội viên, phụ nữ DTTS.
Đồng thời, hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ DTTS khai thác nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để buôn bán các sản phẩm của địa phương như nông sản, thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, giúp tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tạo điều kiện cho chị em tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chương trình đào tạo từ xa. Hội còn hỗ trợ chị em tham gia các nhóm trực tuyến để phụ nữ DTTS kết nối, tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và kinh doanh.
Hội LHPN huyện Bù Đăng (Bình Phước) và các cấp hội cơ sở đã xây dựng được 136 nhóm zalo, 35 nhóm Facebook, 9 trang fanpage với hơn 17.000 thành viên tham gia (số liệu tính tới năm 2023). Đồng thời, Hội LHPN huyện Bù Đăng phối hợp tổ chức tập huấn công tác hội và lồng ghép tuyên truyền nội dung công nghệ thông tin cho 16/16 xã, thị trấn; triển khai cho các cơ sở ứng dụng CNTT trong các buổi họp, sơ kết, tổng kết..
Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho chị em phụ nữ DTTS như: Phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho 100 cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS). Trang bị các kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội facebook, zalo; xây dựng Fanpage trên mạng xã hội Facebook; xây dựng và vận hành trang thông tin trên zalo OA; xây dựng mạng xã hội Tiktok để truyền thông và quảng bá hình ảnh. Tổ chức cuộc thi ứng dụng CNTT cho chị em tham gia.
Hội LHPN tỉnh Bình Dương cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho chị em, hội viên phụ nữ trong đó có các chị em DTTS như: xây dựng "Sổ tay điện tử phụ nữ"; tổ chức các hội thi ảnh trực tuyến trên trang Fanpage; ứng dụng tổ chức các trò chơi qua phần mềm Powerpoint, Quizizz trong sinh hoạt chi hội phụ nữ; thi ảnh đẹp "Khoảnh khắc áo dài" trên nền tảng trang Fanpage; tập huấn "Vai trò phụ nữ trong tham gia thực hiện Chuyển đổi số"; thực hiện mô hình "Phụ nữ thanh toán không dùng tiền mặt", "Tập hợp phụ nữ trên không gian mạng"…