Chính trị - Xã hội

Nỗ lực xây nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Trường Hùng 16/11/2020 - 11:20 AM
Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã hỗ trợ xây dựng 123 căn nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Việc làm này đã góp phần không nhỏ trong việc bình ổn cuộc sống và tạo động lực để bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Vị Xuyên là một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang, địa bàn huyện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là người Tày (chiếm tỷ lệ 35,8%), người Dao (22,8%)... Hiện nay, do việc huy động các nguồn lực còn nhiều hạn chế, cộng thêm với thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên việc phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới số lượng hộ nghèo cao (chiếm tỷ lệ 19,3%).

Nỗ lực xây nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Ngoài rất nhiều vấn đề khó khăn (việc làm, thu nhập,…), các hộ nghèo còn đặc biệt khó khăn về nơi ở. Nhiều hộ vẫn đang sống trong những căn nhà sàn, nhà gỗ ọp ẹp, lợp tạm bợ hoặc đã lâu ngày nhưng bị mục nát, mối mọt… có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nắm bắt tình hình này, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên luôn chú trọng công tác xây dựng nhà Đại đoàn kết.

Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên cho biết "Trong 5 năm qua, chúng tôi đã xây dựng, ủng hộ, hỗ trợ 123 căn nhà trên địa bàn của huyện, với tổng số mức kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng. Hàng năm, chúng tôi giao chỉ tiêu, mỗi xã hỗ trợ xây dựng một nhà. Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Mức hỗ trợ trung bình là 10.000.000 đồng/hộ".

Tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh cụ thể, có những hộ đã được Ủy ban MTTQ vận động, hỗ trợ tới 60 triệu đồng. Đây là trường hợp cụ thể của anh Lưu Văn Giang (SN 1970, dân tộc Tày), trú tại thôn Pạu (xã Ngọc Minh), nạn nhân trong vụ cháy nhà vào rạng sáng mùng một Tết Canh Tý (tức 25/1/2020). Dẫu cả 6 người trong đình anh Giang đều may mắn thoát nạn nhưng toàn bộ tài sản ước tính trên 250 triệu đồng hoàn toàn bị thiêu rụi.

"Cháy nhà xong, không còn đồng nào, còn mỗi bộ quần áo lót ở trong người thôi, không có cái gì nữa. Lúc đó, tôi không nghĩ làm được cái nhà này đâu, chỉ có đi xin ở mãi thì cũng không ở được, mà càng ngày các con cũng càng lớn, mà người già thì càng ngày càng già đi. Nghĩ cũng buồn lắm, bây giờ thì các cấp các ngành hỗ trợ tôi làm cái nhà này, tôi cũng cám ơn các cơ quan tỉnh, huyện, xã. Tôi chỉ cám ơn thôi. Không biết nói gì", anh Giang nghẹn ngào nói.

Nỗ lực xây nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Căn nhà Đại đoàn kết của Lưu Văn Giang khang trang, vững chắc

Một hộ nghèo khác ở thôn Lũng Loét (xã Ngọc Linh), sống trong một căn nhà gỗ xập xệ, lại gần công trình khai thác đá khiến mái lợp bị vỡ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên khi được Ủy ban MTTQ hỗ trợ 10.000.000 đồng và vận động, gia đình đã mạnh dạn vay ngân hàng để xây một căn nhà mới vững chắc hơn.

"Tôi cũng được nhà nước hỗ trợ nhiều, làm được cái nhà này thì bây giờ cuộc sống của tôi cũng tạm ổn, khá hơn trước kia. Khi chưa có nhà mới, lo khi mưa gió về thì tôi còn không ngủ được, cứ mùa hè đến thì mưa gió nhiều, tôi rất là sợ, hoang mang", chị Phàn Thị Chốn (SN 1985, dân tộc Dao) chia sẻ.

Vì nguồn Quỹ có hạn, nên mỗi năm Ủy ban MTTQ cấp xã chỉ có thể lựa chọn để hỗ trợ cho một trường hợp đặc biệt khó khăn, nhưng trên thực tế nhu cầu về xây nhà ở vững chắc của người dân là rất lớn.

"Hiện nay, địa phương mỗi năm chỉ có thể hỗ trợ xây dựng một nhà Đại đoàn kết, nhưng thực tế nhu cầu về nhà ở vững chãi của người dân là rất nhiều. Tuy nhiên vì hoàn cảnh khó khăn của địa phương, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn những nhà sàn xuống cấp, dột nát, có nguy cơ bị sụp đổ, gia đình không có điều kiện để hỗ trợ, vận động tu sửa, xây dựng", ông Chẩu Văn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Minh thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn