pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi buồn liêm chính
Theo phản ánh này, PGS.TS Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng thống kê từ MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Nội dung phản ánh cũng liệt kê nhiều bài báo của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều được ghi địa chỉ tại hai trường đại học này.
Ngay sau khi có "tố cáo", PGS.TS Đinh Công Hướng lập tức chủ động rút khỏi danh sách Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted. Ông cũng trần tình việc ông "bán" những công trình của mình là có thật, động cơ của việc này là ông muốn có thêm thu nhập lo cho gia đình mình.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, PGS.TS Đinh Công Hướng là một viên chức. Luật viên chức cho phép viên chức được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải báo cáo, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực tế tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, rất nhiều người đang làm thêm ngoài công việc chính của mình ở chính đơn vị mà họ đang làm việc hoặc ở một đơn vị khác.
Nhiều năm qua, tuyệt đại đa số công nhân, nhất là các công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đang làm thêm giờ. Họ làm để nâng cao thu nhập đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình. Việc làm thêm của công nhân dễ nhận biết bởi họ làm cho chính doanh nghiệp mà họ đang có giao kết hợp đồng lao động.
Nhưng chính lực lượng lao động khác cũng đang thực hiện việc làm thêm này mỗi ngày mỗi giờ và có vẻ như họ không phải chịu quá nhiều những quy định. Các giáo viên mở lớp dạy thêm, cho dẫu câu chuyện này còn được quan tâm nhiều hơn bởi câu chuyện học sinh phải học thêm quá nhiều hay việc nó ảnh hưởng đến chất lượng của những tiết học chính khóa.
Các giảng viên đại học cũng có thể thực hiện việc dạy cho các cơ sở giáo dục khác khi họ được mời. Một nhà báo cũng có thể có những tác phẩm đăng tải ở một cơ quan báo chí không phải là nơi mà họ đang công tác, nếu bài báo đó phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan "đặt bài".
Việc làm thêm cơ bản không bị chú ý cấm đoán khi người đó hoàn thành nhiệm vụ của mình ở cơ quan mình.
Dường như câu chuyện của PGS.TS Đinh Công Hướng bị chú ý, thậm chí bị tố cáo chỉ vì việc ông được mời vào danh sách Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.
Nhưng câu chuyện của ông cũng phơi bày một thực tế khác, những nhà khoa học thực sự có năng lực làm việc đang chưa có cơ hội để phát huy hết khả năng của mình ở chính đơn vị mà họ đang công tác.
Chắc chắn nếu có một cơ chế hợp lý hơn về thù lao, định hướng phát triển, những người như PGS.TS Đinh Công Hướng nhiều khả năng sẽ "dốc sức" cống hiến cho chính đơn vị mà họ đang làm việc mà không phải "viết thuê", "bán" công trình của mình cho một đơn vị khác đặt hàng.
Câu chuyện cũng đặt ra một câu hỏi việc "bán" công trình đó có thực sự vi phạm liêm chính học thuật hay không khi những quy định về vấn đề này còn khá mơ hồ lỏng lẻo.
Cũng có ý kiến cho rằng việc PGS.TS Đinh Công Hướng có những công trình khoa học đứng tên những trường đại học mà ông không trực tiếp làm việc ở đó là "gian lận" và dẫn đến việc hiểu và đánh giá sai về công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Tuy nhiên đối chiếu với những quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam cũng không có những quy định cấm các trường đại học "đặt hàng" các chuyên gia ngoài trường thực hiện việc nghiên cứu.
Ở một phương diện nào đó hành động nhanh chóng thừa nhận và rút khỏi danh sách Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted cho thấy sự "áy náy" của chính ông chứ không vì áp lực từ một quy định cụ thể hay từ bất cứ cơ quan nào. Khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Đại học Quy Nhơn cũng không có ý kiến về việc PGS Hướng công bố khoa học với tên trường khác.
Khi được báo chí phỏng vấn, ông cũng trần tình sự thật về việc làm của mình bên cạnh đam mê nghiên cứu thì còn có lý do là kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Vì thế, việc làm của PGS.TS Đinh Công Hướng nhận được sự thông cảm, chia sẻ của cộng đồng hơn là chỉ trích. Không quá ngạc nhiên khi tuyệt đại đa số các ý kiến phản hồi trên mạng xã hội đang động viên và bày tỏ sự cảm thông với nhà khoa học đang phải "bán" những công trình nghiên cứu của mình để mưu sinh...
Có lẽ mong muốn lớn nhất của những nhà khoa học chân chính là họ được tạo điều kiện để có thể toàn tâm toàn ý cho ra đời những công trình của đời mình mà không phải vướng bận việc kinh phí sẽ do đơn vị nào sẽ trả và mức trả là bao nhiêu. Từ câu chuyện về liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng lại cho thấy một khía cạnh khác của công tác quản lý, đó là làm sao để phát huy được khả năng của nhà khoa học.