Nỗi đau án mạng vì tình ở đồng bằng sông Cửu Long

10/05/2018 - 14:31
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ án mạng vì tình liên tiếp xảy ra tại một số tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại dễ giết người vì chuyện yêu đương đến như vậy?
Hậu họa của chuyện... yêu ngoài luồng
Chi trong 3 ngày đầu tháng 4 vừa qua, 2 bị cáo ở TP Cần Thơ đã bị tuyên án tử hình với tội danh “Giết người”. Điều đáng nói là cả 2 vụ trọng án trên đều có chung một nguyên nhân: Mâu thuẫn trong chuyện tình ái.
 
Vụ thứ nhất được xét xử ngày 2/4, bị cáo Lê Hoàng Lực (ảnh, 47 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ ) ra tay sát hại em của người tình là chị Cao Thị Tuyết N. chỉ vì chị này đã “dám” ngăn cản mối tình “ngoài luồng” của y với chị Cao Thị Kiều L. Kế hoạch sát hại em gái người tình được Lực chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khi ra tay đã rất tàn bạo với 16 nhát dao chí mạng.
le-hoang-luc.jpg
Bị cáo Lê Hoàng Lực
 
Một vụ án khác với bị cáo là Lê Minh Đức (27 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), là người tình sống như vợ chồng với chị Phạm Ngọc Trang Đ. (20 tuổi) từ năm chị Đ. mới 17 tuổi. Phát hiện chị Đ. có biểu hiện tình ý với người đàn ông khác, sau nhiều lần ghen tuông, rạng sáng ngày 21/3/2017, Đức đâm chị Đ. nhiều nhát, sau đó dùng dao tự đâm mình thì cán dao bị gãy.
 
Tại phiên tòa sơ thẩm  vào tháng 8/2017, TAND TP Cần Thơ đã tuyên án Đức với mức án tử hình, và phiên phúc thẩm mới đây cũng tuyên y án.
 
Ngay sau 2 phiên tòa trên, cũng tại địa bàn TP Cần Thơ lại xảy ra một vụ án mạng với nguyên nhân do mâu thuẫn tình cảm. Chiều ngày 4/4, chị N.T.L.H (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) bị L.T.T. (34 tuổi, cùng ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh) sát hại sau một cuộc cự cãi chớp nhoáng. Được biết, T. là thợ hồ đã có vợ, 2 con.
Còn chị H. đã có chồng và 1 con nhỏ đang học tiểu học. Mặc dù vậy, giữa T. và H. đã có tình cảm qua lại 3 năm nay. Cơ quan điều tra cho biết, nguyên nhân dẫn dến án mạng có thể do tại cuộc gặp này, H thông báo rằng mình đã có bầu với T., mâu thuẫn xuất phát từ việc bàn bạc phương án “giải quyết hậu quả”.
 
Không riêng gì TP Cần Thơ, mà một số địa phương khác ở miền Tây thời gian gần đây cũng xảy ra các vụ án mạng vì tình. Đơn cử như tại tỉnh Tiền Giang, chỉ 4 ngày trung tuần tháng 3/2018 đã xảy ra 2 vụ án mạng vì tình (ở huyện Cai Lậy và Cái Bè), khiến 3 người tử vong.
 
Vụ án xảy ra tại huyện Cai Lậy cướp đi 2 sinh mạng, đó là anh N.T.B, 39 tuổi, làm nghề thợ mộc, và chị H.T.T H, 42 tuổi, sống bằng nghề bán vé số. Cả 2 là hàng xóm, trước đây đều có gia đình nhưng vì mối quan hệ “ngoài luồng” của họ khiến cả 2 gia đình tan vỡ. Trước khi xảy ra vụ án, anh N.T.B có ý quay về với vợ cũ, chị H. không đồng ý nên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến kết cục đau lòng trên.
 
Do các mối quan hệ tình cảm phức tạp
Số liệu thống kê từ Công an các tỉnh, thành Tây Nam bộ, những năm gần đây không ít vụ trọng án bắt nguồn từ quan hệ tình cảm. Các vụ án xảy ra với tính chất nghiêm trọng, rơi vào nhiều lứa tuổi, từ thanh niên, thiếu nữ chưa lập gia đình đến những người đã lập gia đình hoặc thậm chí đã ở độ tuổi U50, 60...
 
Không phải ngẫu nhiên mà khu vực ĐBSCL là nơi có số vụ án mạng với nguyên nhân từ tình cảm vào hàng cao nhất nước trong nhiều năm qua. Một trong những nguyên nhân chính là các mối quan hệ tình cảm phức tạp của một số người dân ở khu vực này đang có chiều hướng trở nên phổ biến. 
2.jpg
Ảnh minh họa
 
Từ nhiều năm nay, vùng ĐBSCL luôn là một trong những nơi có tỷ lệ ly hôn cao nhất nước, số vụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, số vụ do người vợ chủ động đứng đơn ly hôn luôn chiếm trên 50%. Số vụ ly hôn do 1 trong 2 phía, hoặc cả 2 phía ngoại tình cũng chiếm tỷ lệ rất cao.
 
Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định nếu ngoại tình dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 1 năm nhưng trên thực tế, hầu như chưa vụ nào bị xử theo khung hình phạt này. Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật của một bộ phận khá đông dân chúng ở miền Tây còn hạn chế, nên điều luật mang tính răn đe này cho đến giờ vẫn chưa được mấy ai biết tới.
 
Theo nhận định của một số nhà xã hội học, do đặc điểm của kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL thời gian qua là chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, nên nhiều người phải rời quê quán đi làm ăn xa - là một trong những yếu tố khiến cho mối dây ràng buộc trong nhiều gia đình trở nên lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ một khi có những tác động từ bên ngoài.
 
Theo phân tích từ một số chuyên gia tâm lý, ghen tuông bao gồm một chuỗi trạng thái cảm xúc lẫn lộn hay một loạt những cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ như: Giận dữ; oán giận; bất lực...; tiêu cực hơn là cảm giác coi khinh và ghê tởm với đối tượng đang hướng đến (người yêu hoặc vợ/chồng) cùng những đối tượng liên quan (tình địch, người tình cũ, bạn tình...).
 
Nguyên nhân chung của trạng thái tâm lý ghen tuông thường được xem là có sự bắt nguồn từ tâm lý thiếu tự tin, do đó thường nảy sinh một phản ứng phòng vệ. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như: Từ một cảm giác thấy sự lo sợ; tính sở hữu ích kỷ; do quá yêu đến mức độ mù quáng...
 
Một đặc tính nữa, là những vụ án xuất phát từ nguyên nhân ghen tuông, tình ái thường rất khó lường, khó phòng ngừa. Vì thế, nhiều cơ quan chức năng đã khuyến cáo rằng, mỗi người dân cần thông qua các vụ án mạng có nguyên nhân từ chuyện tình ái đã xét xử, tự rút ra cho bản thân bài học xương máu: Phải biết tự kiềm chế cái tôi cá nhân để có ứng xử cho đúng mực, tránh rơi vào trạng thái bộc phát mà gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm