Nỗi đau bà mẹ có con gái bị chồng 'đánh đến sáng'

18/02/2017 - 08:27
'Có người mẹ nào lại xui con bỏ chồng, nhưng tôi đã không quá chục lần cầu xin con hãy dũng cảm buông bỏ người chồng vũ phu để về với mẹ'.

"Chỉ sợ con gái gọi kêu cứu mà tôi không đến kịp”

Người đàn bà ngoài ngũ tuần với gương mặt bơ phờ, mái tóc lốm đốm sợi bạc hớt hải chạy đến Trung tâm Phụ nữ & Phát triển sau khi nhận điện thoại của con gái. Đó là bà Nguyễn Thị V. (Q.Tây Hồ, Hà Nội), mẹ của chị Nguyễn Thị H., người vợ bị chồng bạo hành trong nhiều năm.

Nhìn thấy con gái và cháu đang ngồi trong căn phòng Tham vấn của Ngôi nhà bình yên, gương mặt bà V. như giãn ra: “Từ nhiều năm nay, mỗi lần thấy điện thoại của con gái gọi tới, tim tôi như thắt lại. Chỉ lo nó có mệnh hệ nào vì bị chồng nó đánh. Tôi chưa bao giờ dám tắt điện thoại hay để điện thoại hết pin. Chỉ sợ con gái gọi kêu cứu mà tôi không đến kịp”.

bo-c-1.jpg
 Bà V. (áo đỏ) và chị H. (áo tím)

Bà V. nói một hồi như thể đã trút hết nỗi lo lắng cho cán bộ Ngôi nhà bình yên. Bà nhìn con gái rồi ôm chặt cháu ngoại vào lòng: “Có bà ngoại đây rồi, mấy mẹ con không sợ gì nữa nhé”. Bà kể: “Tôi nhiều lần nói với con gái hãy bỏ chồng đi, về ở với bố mẹ con ơi. Nhưng nó cứ đắm đuối vì thằng con còn nhỏ. Mỗi lần chồng đánh, nó bỏ chạy về nhà ngoại được 2 ngày là nhiều, rồi lại trốn về với con”. Theo bà V., từ nhỏ, thằng bé con chị H. chưa xa mẹ ngày nào. Không có mẹ, thằng bé khóc đêm nhiều và rất khó ngủ. "Chỉ vì đắm đuối với con mà nó để chồng bạo hành dã man kéo dài, vẫn không dám bỏ đi để cứu mình. Chồng nó thì biết nếu cứ giữ thằng nhỏ, kiểu gì cái H. cũng quay về”, bà tâm sự.

Nhắc đến con gái, bà V. nghẹn ngào lau nước mắt. Nỗi xót con của người mẹ cứ dằn vặt bà: “Mỗi lần nhận được điện thoại của con, nhiều lúc chỉ nghe tiếng nó khóc ở đầu máy bên kia, dù chưa biết rõ sự tình ra sao, nhưng tôi vẫn nói: Con ơi, con hãy bình tâm, vẫn luôn có mẹ ở bên cạnh con đây. Mẹ vẫn là điểm tựa vững chắc để con dựa vào, mẹ vẫn giang tay đón con về với mẹ bất cứ lúc nào. Dù mẹ nghèo khó, nhưng nay mẹ vẫn đi làm để có được bữa cơm nuôi con, nuôi cháu, mai cũng thế và ngày kia, tháng sau, năm sau mẹ vẫn đi làm được để nuôi con. Con không phải lo gì cả, chỉ cần con về với mẹ thôi… Nói xong, tôi lại vội vã tìm xe để đi nhanh nhất đến với con”.

Nỗi kinh hoàng ai thấu

"Có lần, bà thông gia của tôi biết chuyện đã lên Hà Nội thăm con cháu và khuyên con trai đừng đánh vợ nữa. Thằng T., chồng cái H., tức giận, bắt mẹ đẻ nó quỳ trước bàn thờ từ 1h đêm đến 5h sáng. Bà ấy bảo: “T. ơi, mẹ bị bệnh tiểu đường, lại huyết áp cao, con bắt mẹ quỳ lâu thế này, mẹ chết mất”. Thằng T. bảo: "Mẹ chết được thì chết luôn đi, con làm ma to cho mẹ ngay”. Chị gái của T. hôm đó đưa mẹ đẻ lên nhà em trai đã ra sức can ngăn và bức xúc nói T. Ngay lúc đó, chị cũng bị T. bóp cổ và đánh. Quá sợ hãi, mẹ con bà thông gia đã bỏ về quê, không dám quay lại.

Có hôm, nửa đêm tôi nhận được điện thoại của cháu gái báo tin: Bà ơi, bố giẫm lên người mẹ, bố đánh mẹ chảy nhiều máu. Tôi chẳng biết lúc đó là mấy giờ đêm, cứ tìm xe chạy đến với con nhanh nhất. Tôi kêu công an phường, gọi hàng xóm cứu con tôi”, bà V. kể. Nỗi lo cánh cánh của bà luôn thường trực. Linh tính của người mẹ mách bảo bà: “Có lần, có lẽ do tôi thiếu ngủ quá, vì đêm nào cũng chập chờn lo tính mạng của con cháu, nên lúc đi bán hàng, tôi bị ngất giữa đường, người dân đưa vào bệnh viện. Chiều tỉnh dậy, tôi không thấy điện thoại của mình đâu, có lẽ bị rơi ở đường. Tôi vội vã xin bác sỹ cho về. Về đến nhà con, thấy hàng xóm đứng rất đông. Tôi chạy vào thấy con gái mặt mũi sưng vù, máu me đầm đìa, nó nằm thiêm thiếp trên giường. 2 cháu ngoại thấy bà vừa gọi vừa khóc: "Bà ơi cứu mẹ con”. Tôi chỉ kịp nhìn thế, nghe thế lại ngất xỉu lần nữa”.

bo-c-2.jpg
Đơn kêu cứu và yêu cầu được giải quyết tình trạng bạo lực gia đình của chị H. dài 4 trang giấy kể về nỗi đau đớn, thương tích đầy người do bị chồng đánh

Lần nào cũng vậy, sau khi công an phường gặp gỡ, can thiệp đôi bên, họ đồng ý để bà V. đón mẹ con chị H. về nhà sau sự cố bị chồng đánh. "Lúc T. tỉnh rượu, nó lại đến nhà ngoại chắp tay xin lỗi và xin đón vợ con về", bà kể. Dù rất giận, nhưng bà V. vẫn nhẹ nhàng bảo con rể: “Mẹ vẫn làm cây cổ thụ để toả bóng mát cho các con. Con lấy con gái mẹ, mẹ lo cho con từng quả cau, từ xe đón dâu, tiền cỗ bàn cũng mẹ lo hết cho 2 vợ chồng con. Đến bây giờ, vợ chồng con có nhà cửa ở đàng hoàng cũng là do công sức của mẹ. Vậy con đừng làm khổ vợ con nữa. Lần nào T. cũng “vâng”, “dạ”, nhưng rồi vẫn thế".

Lần này, sau trận đòn thừa sống thiếu chết, bà V. lại động viện chị H. viết đơn tố cáo chồng. Chị H. cũng mong muốn được ly hôn để giải thoát chính mình. Chị chấp nhận để con trai cho bố nuôi, còn chị về nhà mẹ đẻ ở cùng con gái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm