Người tâm thần sát hại người thân trong vô thức
Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây, tình trạng người tâm thần gây án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ án do người tâm thần gây ra. Nạn nhân của các vụ án này phần lớn đều là người thân của đối tượng tâm thần.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa dẫn giải đối tượng Hồ Ngọc Anh (SN 1989, ngụ tổ 8, thôn Trung, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) về Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ngãi để điều tra, xử lý về hành vi giết người. Nạn nhân trong vụ án chính cũng chính là mẹ ruột của hung thủ.
Trước đó, khoảng 17h ngày 23/10/2019, sau khi đi làm đồng trở về nhà, ông Hồ Văn Cường (ngụ tổ 8, cha ruột của Anh) phát hiện thi thể của vợ mình là bà Hồ Thị Ây (SN 1941) không còn nguyên vẹn đang nằm giữa nhà. Ông Cường cùng con gái hoảng loạn kêu cứu, người dân gần đó chạy đến và phát hiện thêm phần thi thể bị mất nằm dưới gốc cây trước nhà.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an huyện Trà Bồng đã có mặt tại hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân vụ án mạng. Qua điều tra ban đầu, lực lượng công an xác định nghi phạm chính là Hồ Ngọc Anh. Cây rựa đi rẫy dính máu vứt ở xó nhà là hung khí gây ra vụ thảm án.
Tại cơ quan công an, đối tượng Anh khai nhận, mình chính là hung thủ giết mẹ vì trong đầu luôn có người thì thầm bảo phải giết mẹ cho được. Theo lời khai, chiều 23/10, sau khi ở nhà hàng xóm trở về, Anh thấy mẹ đang dọn lúa ngoài sân nên dùng rựa chém nhiều nhát khiến bà Ây tử vong. Sau khi gây án, Anh bỏ đến nhà chú ở cùng thôn xin tiền và nói về chuyện giết mẹ trong bình thản.
Được biết, trước khi gây án, Hồ Ngọc Anh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt thể căng trương lực. Khoảng 10 năm qua, Anh nhiều lần nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, một vụ án mạng khác do người tâm thần gây ra là vào ngày 22/7/2018, chị Lương Thị Kim Phượng (SN 1998 tuổi, ngụ thôn Tân Mỹ, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) về nhà sau khi đi hát karaoke với nhóm bạn trai từ lúc 21h ngày hôm trước. Khi Phượng về đến nhà liền bị ông Lương Ngọc Thanh (SN 1972, cha ruột của Phượng) nhắc nhở, la mắng vì đi chơi về khuya. Tức giận, Phượng liền dùng gậy, gạch tấn công ông Thanh khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Được biết, Phượng có tiền sử bị bệnh tâm thần, từng nhiều lần lên cơn động kinh.
Trước đó, ngày 17/7/2018, Đinh Văn Theo (SN 1978, ngụ thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long) đi làm rẫy về thì bắt gặp con trai là cháu Đinh Văn Tùng (SN 2010) đang chơi đùa với 2 đứa cháu của ông Đinh Trũi (ngụ thôn Gò Tranh, xã Long Sơn). Trong lúc lên cơn tâm thần, anh Theo đã dùng rựa đuổi theo cháu Tùng rồi dùng dao chém 2 nhát vào đầu khiến cháu tử vong tại chỗ.
Điều đáng nói, trước đó 2 năm, chính Theo cũng đã sát hại một đứa con ruột khác của mình trong lúc lên cơn là cháu Đinh Văn (SN 2008). Theo chị Đinh Thị Rác (SN 1978, vợ của Theo), Theo là người nghiện rượu, thường xuyên đánh đập vợ con. Đến năm 2012, thấy Theo có những biểu hiện bất thường, chị Rác đã đưa chồng đi khám thì bác sĩ kết luận bị bệnh tâm thần.
Sau khi sát hại cháu Văn, Theo bị bắt buộc chữa trị bệnh. Tuy nhiên, sau đó vài tháng, cơ quan chức năng xác nhận Theo hết bệnh và trả về cộng đồng. Nhưng khi về nhà bệnh thỉnh thoảng tái phát, rồi Theo lại tiếp tục sát hại cháu Tùng.
Nếu phạm tội sẽ lặp lại hành vi tội ác
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho biết, yếu tố bệnh lý dẫn đến các hành vi phạm tội ở những bệnh nhân tâm thần là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động, ý thức hoàng hôn. Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy hành vi phạm tội của bệnh nhân như: căng thẳng tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy khiến cho hành vi phạm tội của bệnh nhân diễn ra mãnh liệt, tức thời.
“Điều đáng lưu ý ở đây là với một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ 2, lần thứ 3 nếu bệnh vẫn còn. Đáng buồn thay, các bệnh tâm thần nêu trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn. Do đó, bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội”, bác sĩ Vũ cho biết.
Thống kê tại bệnh viện tâm thần cho thấy, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 người bị bệnh tâm thần ở 2 dạng bệnh nặng là tâm thần phân liệt và động kinh. Đây là những người bệnh có sổ theo dõi, được cấp phát thuốc tại các cơ sở y tế xã, phường. Ngoài ra, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi còn đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhân tâm thần ở các dạng bệnh lý khác.
Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm dẫn tới bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và tăng cường công tác phối hợp quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người bị bệnh tâm thần ngoài xã hội.
Trong đó nhấn mạnh, các sở, ngành liên quan cần rà soát, lên danh sách người bị bệnh tâm thần, hoặc có biểu hiện bị bệnh tâm thần, chú trọng người bị bệnh tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật để đưa vào diện quản lý, phòng ngừa về nghiệp vụ; chủ động phát hiện, ngăn chặn các vụ việc liên quan an ninh trật tự do người bị bệnh tâm thần gây ra; tổ chức điều tra, xử lý các vụ án do người bị bệnh tâm thần gây ra theo đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với các trường hợp người bị bệnh tâm thần điều trị ngoại trú thì cần có biện pháp theo dõi, cấp phát thuốc đặc trị kịp thời và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để người bệnh tâm thần được điều trị đúng phác đồ, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.