'Nói không' với bọc vở nylon sẽ hạn chế hơn 470 triệu bìa rác nhựa

08/08/2019 - 18:39
Chia sẻ với Báo PNVN về chương trình Chống rác thải nhựa trong trường học, GS.TS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), cho biết: Hàng năm, tại Việt Nam, học sinh sinh viên sẽ phải sử dụng hơn 460 triệu bìa vở. Nếu học sinh, sinh viên nói không với bìa nylon thì hàng năm sẽ hạn chế được ít nhất 470 triệu bìa rác thải nhựa.

"Nói không" với bọc vở bìa nylon sẽ hạn chế hơn 470 triệu bìa rác thải nhựa mỗi năm

Ở nhiều trường, đặc biệt các trường ĐH, tràn lan rác thải nhựa. Nguyên nhân do học sinh, sinh viên có thói quen sử dụng các đồ nhựa dùng một lần như cốc nhựa, ống hút nhựa, túi nilon… Để nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của rác thải nhựa, từ đó giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa 1 lần, GS.TS Tạ Ngọc Đôn cho biết, ngoài các hoạt động tuyên truyền, các trường nên có biện pháp quy định không sử dụng ước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa, các vật dụng như ly, đĩa, thìa dĩa sử dụng một lần bằng nhựa trong tất cả các cuộc họp tại trường cho cán bộ quản lý và giáo viên.

 

ta-ngoc-don.jpg
GS.TS Tạ Ngọc Đôn

 

Các trường nên khuyến khích phụ huynh mua chai đựng nước uống sử dụng được nhiều lần cho học sinh. Đồng thời, nhà trường cần chú trọng việc đưa các kiến thức về nội dung chất thải rắn, giảm thiểu thu gom túi nylon vào chương trình chính khóa và ngoại khóa theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

 

bong-bay.jpg
Bộ GD&ĐT đang kêu gọi các trường ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay trong ngày khai giảng

 

Không thể phủ nhận, rác thải nhựa trong trường học là do thói quen sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần của học sinh, sinh viên, do “bệnh hình thức” của nhà trường và phụ huynh khi có những ngày khai giảng rợp trời bóng bay, khi những quyển vở được bọc bìa nylon tiện dụng.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Tạ Ngọc Đôn cho biết: “Tùy theo quy mô của mỗi trường khác nhau, nhưng tính trung bình mỗi năm, trong ngày lễ khai giảng, số bóng bay thả lên trời ở mỗi trường là vài chục, vài trăm hoặc vài nghìn quả. Bên cạnh đó, những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm nay không thể không kể đến việc dùng bọc sách/vở nylon. Chúng ta có thể thấy rằng, với trung bình 23,5 triệu học sinh, sinh viên và trung bình 20-50 bọc vở/năm/em, thì hàng năm tại Việt Nam học sinh sinh viên sẽ phải sử dụng hơn 470 triệu bìa vở. Nếu học sinh, sinh viên nói không với bìa nylon thì hàng năm sẽ hạn chế được ít nhất 470 triệu rác thải nhựa”.

 

boc-vo.jpg
Nói không với bọc vở bằng bìa nylon được nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ

 

Bộ GD&ĐT lan tỏa chiến dịch chống rác thải nhựa

Theo GS.TS Tạ Ngọc Đôn, Bộ GD&ĐT đang kêu gọi các trường học ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay trong ngày khai giảng. "Cấm thả bóng bay trong ngày khai giảng hay cấm học sinh bọc vở bằng bìa bọc nilon sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội, phụ huynh học sinh. Ý thức bảo vệ môi trường trong trường học đang được nhen lên từ những việc nhỏ ở khắp nơi, từ không dùng ống hút nhựa, cốc  nhựa, hạn chế chai nước dùng một lần, nói không với thả bóng bay và dùng bìa nylon để bọc sách vở. Nhiều phụ huynh đã phản ánh rất vui khi trường đã gửi thông báo đề nghị năm học tới học sinh không cần bọc sách vở bằng bìa nylon", GS.TS Tạ Ngọc Đôn cho biết.

 

rac-thai-nhua.jpg
Học sinh, sinh viên cần nâng cao ý thức giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần. Ảnh minh họa

 

Để phong trào Chống rác thải nhựa trong trường học đạt hiệu quả, theo GS.TS Tạ Ngọc Đôn, các trường học phải không ngừng đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, các hình thức thực hiện hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa để thu hút, giữ được nhiệt huyết của học sinh đối với phong trào này. Các trường cần chú trọng việc biến ý thức của giáo viên và học sinh về chống rác thải nhựa thành hành động cụ thể, thiết thực trong nhà trường, gia đình và cộng đồng xung quanh, trong đó giáo viên và học sinh có thể là nhân tố chính cho các Chiến dịch chống rác thải nhựa trong cộng đồng với sự tham gia của phụ huynh học sinh.  

Theo báo cáo gửi về Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học (Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Mở Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương…), nhiều Sở GD&ĐT (Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Cần Thơ, Sơn La, Lâm Đồng, Thái Bình….) trên cả nước đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều trường học đã không đưa vào sử dụng ly, đĩa nhựa, ống hút nhựa trong nhà trường. Nhiều trường đại học đã thực hiện các nghiên cứu KH về vấn đề túi ni lông sinh học dễ phân hủy này như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,….

Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều phong trào “Chống rác thải nhựa” như: “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”,"Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần" Đặc biệt trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ Bộ GD&ĐT và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có nhấn mạnh nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm